Cách cấp cứu khi bị đứt lìa chân, tay

Tổn thương đứt lìa chân tay do tai nạn thường gây ra các biến chứng nghiêm trọng như chảy máu nhiều, sốc, nhiễm khuẩn… thậm chí phải cắt cụt rất đau đớn. Bệnh nhân có thể nối lại được chân tay, hoặc vĩnh viễn tàn tật phụ thuộc vào cách sơ cứu và bảo quản đúng cách.

Hai đốt ngón tay của bé Trương Khánh Toàn (21 tháng tuổi, ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đã được bác sĩ tái tạo lại (ảnh bệnh viện cung cấp).

Hai đốt ngón tay của bé Trương Khánh Toàn (21 tháng tuổi, ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đã được bác sĩ tái tạo lại (ảnh bệnh viện cung cấp).

Nối liền 2 đốt ngón tay bị đứt

Bé Trương Khánh Toàn (21 tháng tuổi, ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai) bất ngờ bị kẹt ngón tay vào cánh cửa sắt, đứt lìa 2 nửa đốt ngón tay thứ 3 và 4 bàn tay phải. Người nhà đã mang theo phần đầu ngón tay đứt rời đến bệnh viện, nhưng không thể nối lại được. Tuy nhiên, rất may cho bé Khánh Toàn khi BS Phạm Văn Khương (Khoa Chấn thương chỉnh hình bỏng, Bệnh viên Nhi đồng Đồng Nai) kiểm tra thấy còn mầm móng tay nên bác sĩ đã làm vạt da chéo ngón đa tầng, lấy vạt lưng của hai ngón lành che vào hai đầu ngón bị thương; lấy da vùng cổ tay ghép vào lưng ngón tay đã bị đứt rời (nếu không làm vạt da này mà đóng mỏm cụt thì bé vĩnh viễn mất đầu 2 ngón tay).

Sau 1,5 tháng, 2 đốt ngón tay của bé Khánh đã mọc và hoạt động được. Tiên lượng sau 6 tháng, các đốt ngón tay sẽ trở lại bình thường. Trường hợp may mắn này, theo BS Phạm Văn Khương, do gia đình đưa bé vào bệnh viện sớm, bé lại còn nhỏ nên các sẹo trên ngón tay sẽ mờ hết.

Theo các bác sĩ, chấn thương đứt lìa chân tay có thể gặp trong các tai nạn lao động, giao thông, sinh hoạt, do thiên tai, chiến tranh… Những trường hợp này có thể phẫu thuật nối lại thành công nếu được sơ cứu, bảo quản và chăm sóc đúng cách ở môi trường lạnh để duy trì sự sống. Đặc biệt là bệnh nhân được đưa đến đến viện chuyên khoa sớm trong “thời gian vàng”.

Bác sĩ hướng dẫn cách bảo quản chân tay bị đứt lìa

Theo hướng dẫn của ThS.BS Lê Ngọc Tuấn (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM: Khi gặp nạn nhân bị đứt rời chân tay, cần rửa vết thương cho nạn nhân bằng nước sạch, hoặc nước muối sinh lý mặn rồi băng bằng vải sạch, gạc vô trùng, băng thun ép cầm máu (băng ép chỉ dùng khi tổn thương không có chảy máu lớn như với ngón tay, ngón chân). Nếu đứt lìa ngón tay, bàn tay và cổ tay, chỉ cần băng ép lên vết thương. Nếu đứt lìa cẳng tay, cánh tay, cẳng chân… gây chảy máu lớn có thể garô bằng dây vải (đặt ga rô sát ngay phía trên vết thương, quấn vài vòng phía trên mỏm cụt khoảng 10cm, nẹp gỗ cố định và xoắn vài vòng để máu ngưng chảy, nhưng không siết quá chặt) để cầm máu. Trường hợp này không nới ga rô vì chi thể đã bị cụt. Chống sốc bằng cách đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng, ủ ấm và nâng cao chi khoảng 30cm để cung cấp máu cho cơ thể (không làm thao tác này nếu nghi có tổn thương vùng đầu, cột sống cổ, cột sống thắt lưng, tổn thương vùng chi dưới, hoặc nạn nhân thấy khó chịu).

Để bảo quản bộ phận bị đứt rời, BS Lê Ngọc Tuấn cho biết, cần rửa sạch bằng nước nguội, nước muối sinh lý để loại bỏ bẩn bởi dị vật có thể gây ô nhiễm vết thương (tuyệt đối không được rửa bằng xà phòng, hay hóa chất). Sau đó, gói vào khăn ướt sạch, đặt vào trong túi nilon/túi nhựa đóng kín (chú ý để chút không khí trong túi làm lớp đệm bảo vệ bộ phận bị đứt rời). Tất cả đặt vào xô/ thùng nước đá lạnh, chuyển đến bệnh viện gần nhất và sớm nhất. Nếu không có sẵn nước lạnh, hãy để phần bị đứt rời tránh càng xa các nguồn nhiệt càng tốt. Tuyệt đối không đặt trực tiếp phần bị đứt rời lên đá lạnh, đá khô mà không có túi nhựa bao bọc ngoài, vì gây tê cóng và tổn thương cho các mô chi thể. Giao lại phần cơ thể đứt rời cho nhân viên y tế, hoặc vận chuyển theo nạn nhân tới bệnh viện.

Với chân tay chưa bị đứt lìa, theo BS Lê Ngọc Tuấn, vần được nẹp bất động tạm vết thương như trường hợp gãy xương (lấy nẹp gỗ cố định hai đầu chi lại, băng ép cầm máu), rồi đưa đến bệnh viện để bác sĩ có thể nối vi phẫu (nối dưới kính hiển vi). Kết quả nối tùy thuộc “thời gian vàng” và cách sơ cứu đúng ban đầu. Nếu chậm cấp cứu thì ở nhiệt độ 37 độ C chỉ sau 2 tiếng rưỡi đứt lìa cơ vân (mô dễ bị hoại tử nhất không thể hồi phục sau 6 giờ đứt lìa), sẽ bị thoái hóa, sình hơi, nhiễm trùng… và dẫn tới hoại tử.

“Thời gian vàng” phẫu thuật

Theo các bác sĩ, chân tay bị đứt rời nếu được bảo quản, làm mát đúng cách có thể sử dụng phẫu thuật trong vòng 18 giờ. Nếu không được bảo quản và làm mát chỉ có thể sử dụng trong vòng 4 - 6 giờ.

Nếu thời gian lâu hơn các mô dần chết, khó nối liền thành công. Vì vậy cần bảo quản đúng và sớm đưa bệnh nhân tới bệnh viện chuyên khoa trong khoảng thời gian vàng để chi đứt rời có thể được nối lại. Vì vậy, khi thấy nạn nhân bị đứt rời chi cần gọi ngay cấp cứu 115, nếu có thể hãy nhanh chóng sơ cứu cầm máu, kết hợp nâng cao vùng chi bị tổn thương để hạn chế máu chảy. Đồng thời tìm cách bảo quản đúng phần chi đứt rời.

Lưu ý là sau khi phẫu thuật nối liền bệnh nhân dễ bị co mạch máu, dẫn đến hoại tử. Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân không được hút thuốc lá để tránh co mạch, dùng đèn sưởi ấm để mạch giãn. Chú ý không để chỗ nối va chạm mạnh ảnh hưởng đến vết thương. Bệnh nhân cần tập vận động nhẹ để lưu thông máu, tập gồng cơ. Vết thương lành, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để phần chi nối vận động tốt, sau 3-6 tháng có thể vận động (nhẹ nhàng). Chăm tập luyện thì sau nhiều năm được nối, các chức năng chân tay có thể phục hồi gần như bình thường.

Uyển Hương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/cach-cap-cuu-khi-bi-dut-lia-chan-tay-20180508081428721.htm