Cách các công ty giải trí Hàn Quốc lấy tiền người hâm mộ

Các nền tảng chứa thông tin độc quyền và cơ hội tương tác với người nổi tiếng dành cho người hâm mộ đang trở thành 'con gà đẻ trứng vàng' cho nhiều công ty giải trí Hàn Quốc.

Zing trích dịch bài đăng trên Korea Times đề cập đến vấn đề ngày càng nhiều công ty giải trí Hàn Quốc ra mắt ứng dụng, nền tảng cộng đồng người hâm mộ. Đây là kênh kết nối nghệ sĩ với fan, đồng thời cũng là nguồn thu không nhỏ cho công ty chủ quản.

Mỗi sáng thức dậy, Lee, người hâm mộ nhóm nhạc BTS, đều mở Weverse - ứng dụng di động cho cộng đồng người hâm mộ toàn cầu của BTS - để kiểm tra các thông tin mới.

Trong ứng dụng có cửa hàng trực tuyến và kết hợp các tính năng được cung cấp trên các ứng dụng khác, chẳng hạn như YouTube và Twitter. Lee có thể tham gia vào mọi loại hoạt động của người hâm mộ, thậm chí gửi tin nhắn yêu mến đến nhóm nhạc nam.

Sử dụng Weverse dường như đã trở thành điều không thể thiếu đối với một số người hâm mộ BTS vì đây là cách duy nhất để họ nhận thông tin độc quyền về các siêu sao người Hàn Quốc.

Người hâm mộ có thể xem thông báo từ các thành viên của nhóm, truy cập video chỉ dành cho Weverse và mua hàng. Ca sĩ cũng thỉnh thoảng giao lưu với người hâm mộ bằng tài khoản cá nhân trên ứng dụng. Đối với những người muốn tham gia ARMY - tên fandom (cộng đồng người hâm mộ) BTS - họ cũng cần phải làm như vậy thông qua Weverse.

 Người hâm mộ nhóm nhạc BTS có cơ hội tương tác với thần tượng trong ứng dụng Weverse.

Người hâm mộ nhóm nhạc BTS có cơ hội tương tác với thần tượng trong ứng dụng Weverse.

"Ứng dụng này cần thiết cho người hâm mộ BTS, những người muốn biết về 7 chàng trai. Mỗi ngày, tôi dành hơn một giờ dùng ứng dụng. Trước đây, có một cộng đồng người hâm mộ BTS trên Daum, nhưng hầu hết người hâm mộ giờ đã chuyển sang Weverse", Kim Sun-young, một ARMY và là giảng viên tiếng Hàn tại Đại học Yonsei nói.

"Rất khó để nhận được tin nhắn từ BTS trên mạng xã hội nói chung. Nhưng nếu may mắn, bạn có thể nhận được một tin nhắn trên Weverse. Chúng tôi có thể xem bài đăng của các thành viên ARMY ở nước ngoài với sự trợ giúp của dịch vụ dịch thuật".

Kim cũng cho biết ban đầu một số người hâm mộ cảm thấy khó sử dụng Weverse vì khó có thể nói chuyện với nhau như trước đây, nhưng khi các nghệ sĩ bắt đầu chia sẻ thông tin độc quyền trên nền tảng này, fan cũng phải chạy theo.

Được ra mắt vào tháng 6/2019 bởi Big Hit Entertainment, công ty chủ quản của BTS, nền tảng này đã và đang mở rộng hoạt động với tốc độ chưa từng có, liên tục thu hút các ngôi sao và người hâm mộ trên toàn cầu.

BTS là nhóm nhạc nam nổi tiếng với lượng người hâm mộ đông đảo. Ảnh: Yonhap.

Cho đến nay, cộng đồng người hâm mộ của các ngôi sao như Seventeen, GFriend, Sunmi và CL đều hoạt động trên cùng một nền tảng. Thậm chí, Gracie Abrams, một ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ và New Hope Club, một ban nhạc của Anh, cũng đã xuất hiện trong danh sách nghệ sĩ sử dụng.

Theo công ty, tính đến tháng 9, số lượng người dùng Weverse đã vượt 150 triệu người.

Việc mở rộng nền tảng cộng đồng người hâm mộ đem lại cho Big Hit nhiều ích lợi, một trong số đó là lợi nhuận. Doanh thu thông qua Weverse đạt 31 tỷ won (28,3 triệu USD) vào năm 2019 và đã nhanh chóng tăng lên 112,7 tỷ won chỉ trong nửa đầu năm 2020, tương đương 38,3% tổng doanh thu của Big Hit. Tỷ trọng chỉ là 9,7% vào năm ngoái.

Kiếm tiền từ fandom

Một "nền kinh tế fandom" đang phát triển trong những năm gần đây ở xứ củ sâm.

Park Yong-hee, nhà phân tích tại IBK Securities, cho biết quy mô fandom của Big Hit trị giá 7,9 nghìn tỷ won.

Một nghiên cứu gần đây của tập đoàn thương mại điện tử iPrice tại Đông Nam Á cũng chỉ ra rằng người hâm mộ BTS chi trung bình 1.422 USD mỗi năm cho hàng hóa liên quan đến thần tượng trong khi người hâm mộ TWICE và BlackPink chi trung bình lần lượt là 824 USD và 665 USD.

Ngoài Big Hit, các công ty giải trí và công ty truyền thông khác cũng đang nhảy vào lĩnh vực kinh doanh nền tảng người hâm mộ.

SM Entertainment đã bắt tay với Naver, nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm hàng đầu Hàn Quốc, để kết hợp ứng dụng Lysn với dịch vụ công đồng người hâm mộ Fanship.

NCSOFT, nhà phát triển trò chơi trực tuyến, cũng chuẩn bị phát hành một dịch vụ cộng đồng người hâm mộ mới có tên là UNIVERSE vào đầu năm sau.

Người hâm mộ (G)I-DLE có thể trải nghiệm cuộc trò chuyện điện thoại mô phỏng với các cô gái trên ứng dụng UNIVERSE. Ảnh: Allkpop.

Nền tảng này sẽ bao gồm các cộng đồng của 11 nhóm nhạc và nghệ sĩ solo như Monsta X, Kang Daniel và (G)I-DLE. UNIVERSE cho phép người hâm mộ trải nghiệm cuộc trò chuyện điện thoại mô phỏng với các ngôi sao dựa trên công nghệ tổng hợp giọng nói do AI hỗ trợ, được tạo ra với sự cộng tác của các nghệ sĩ.

Người hâm mộ có thể thay đổi trang phục hình đại diện của các ngôi sao và tạo video âm nhạc của riêng họ trong ứng dụng như thể đang chơi một trò chơi.

Các nhà phê bình nhận định sự nổi tiếng của cộng đồng người hâm mộ là do tính chất độc đáo của ngành công nghiệp Kpop, với các fandom có thể được mô tả là vô cùng tận tâm, nhiệt huyết.

"Các thị trường âm nhạc ở nước ngoài có thể bán nội dung hoặc sản phẩm bằng cách phát hành một bài hát. Ví dụ, Taylor Swift hay Billie Eilish hiếm khi trò chuyện với người hâm mộ thông qua các ứng dụng. Nhưng trong ngành công nghiệp Kpop, người ta cho rằng nghệ sĩ phải biết giao tiếp và xây dựng mối quan hệ bền chặt với người hâm mộ thông qua mạng xã hội", nhà phê bình Jung Min-jae nói.

Jung cũng nhận định việc các công ty giải trí tung ra nền tảng của riêng họ và phát hành nội dung gốc thông qua phương tiện truyền thông được coi là nỗ lực trong việc tiếp cận thân thiện với người hâm mộ.

"Những nền tảng này không liên quan đến âm nhạc. Mục đích chính của họ là tăng thêm doanh thu thông qua tiếp thị người nổi tiếng".

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-cac-cong-ty-giai-tri-han-quoc-lay-tien-nguoi-ham-mo-post1164503.html