Cách bảo vệ tính mạng khi bị chó tấn công

Trào lưu nuôi chó ta, chó chọi, chó hung dữ có nguồn gốc nước ngoài đang nở rộ... Dù đã được nuôi dạy cẩn thận, những loài chó này đôi lúc trở nên mất kiểm soát, tấn công những loài vật khác và thậm chí là cả con người. Hàng loạt những vụ việc chó cắn chết chủ, đàn chó 10 con cắn chết em bé 7 tuổi, chó cắn người bị dại... đang khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Kinh hoàng những vụ chó cắn gây thương tích nặng, tử vong

Tối 3/4, trong lúc đang chơi ở sân vận động Kim Động cũ, bé trai 7 tuổi đã bị đàn chó khoảng 10 con lao vào tấn công tại sân vận động Kim Động cũ (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Phát hiện sự việc, người dân chạy đến giải cứu cháu bé và đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Tại bệnh viện Hưng Yên, bệnh nhân đã được cấp cứu truyền 4 đơn vị máu và đã ngừng tim 1 lần sau đó được chuyển lên BV Việt Đức do tình trạng nguy kịch. Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng đồng tử 2 bên giãn, không đo được huyết áp, đa vết thương, vết thương 2 vai, vết thương bẹn 2 bên...Tuy nhiên đến 23h30, gia đình đã xin cho cháu về nhà vì không còn khả năng cứu chữa.

Vài tháng gần đây, Bệnh viện Việt Đức đã phải cấp cứu nhiều trường hợp chó nhà cắn trọng thương rất nguy kịch, thậm chí, tử vong. Điển hình cách đây vài tuần, cháu Vũ Đức Duy (9 tuổi, ở xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) bị bại não từ nhỏ, nằm liệt một chỗ, bị 4 con chó nhà nuôi xông vào cắn xé, khiến bé mất toàn bộ da vùng mu, trơ xương mu, gần như cụt dương vật.

Cuối tháng 1/2019, các bác sĩ cũng phải cấp cứu một cháu gái 6 tuổi ở Nam Định bị chó cắn gây thương tích nặng toàn bộ vùng mặt, bị lóc da rộng ở gò má trái, sát với đường đi thần kinh và ống tuyến nước bọt, mà nếu đứt dây thần kinh có nguy cơ liệt mặt. Gia đình cho biết con chó cắn cháu do gia đình nuôi, nặng khoảng 30kg và không được tiêm phòng dại.

Trước đó, Bệnh viện Việt Đức cũng phải cấp cứu một bé gái 8 tháng tuổi (ở Đội Cấn, Hà Nội) bị chó ngao nặng khoảng 40kg cắn khi đang chơi ở nhà. Mẹ cháu lao vào cứu bé, nhưng chị cũng bị chó cắn nhiều nhát. Bé bị nhiều vết thương ở thái dương, lóc da vùng chẩm, lộ tổ chức não, chảy máu rất nhiều, không đo được mạch lẫn huyết áp, da tái nhợt do sốc mất máu. Các bác sĩ phải tổ chức cấp cứu liên tục trong 2 tiếng liền, nhưng do những vết thương quá nặng, cháu vẫn không có dấu hiệu tiến triển nên gia đình xin đưa bé về nhà.

Cũng thời điểm trên, một cháu bé 7 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội cũng bị chó cắn đa chấn thương, đến mức không có khả năng nối vi phẫu để làm lại môi.

Làm gì khi bị chó tấn công?

Theo các huấn luyện viên chó nghiệp vụ, đối với các tai nạn do chó gây ra thì 100% nguyên nhân đều do con người. Mặc dù ở nước ngoài, số lượng chó được nuôi dưỡng lớn gấp nhiều lần so với Việt Nam nhưng họ có điều kiện và ý thức để đảm bảo an toàn cao nên rất ít xảy ra tai nạn.

Trong khi đó ở nước ta hiện nay việc nuôi chó lại không được quản lý cẩn trọng. Nhiều người chủ nuôi chó còn mắc sai lầm nghiêm trọng là dắt chó ra ngoài đường nhưng không rọ mõm và không sử dụng cổ dề và dây dắt. Thực tế cho thấy con chó dù dữ đến đâu nhưng nếu bị rọ mõm và dùng cổ dề dây dắt thì đều phục tùng và chủ sẽ kiểm soát rất dễ dàng. Nếu tình trạng này không được khắc phục thì tai nạn chắc chắn sẽ tiếp diễn.

Để biết cách phòng tránh và thoát thân khi bị chó tấn công thì các chuyên gia cũng đã đưa ra những khuyến cáo không nên lại gần những con chó hung dữ, chó đẻ; không tiếp xúc khi chó đang ăn; không kích thích chêu chọc chó; không nhìn lâu vào mắt chó. Khi bị chó đuổi theo thì không nên bỏ chạy, tốt nhất là leo lên nơi cao, chó không nhảy tới hoặc tốt nhất là có 1 chiếc gậy sẽ dễ dàng hơn nhiều để cách li chó hoặc tấn công lại chó; chủ động đưa 1 vật như que, khăn, áo ... cho cho chó cắn.

Khi bị chó tấn công, nạn nhân cố gắng không cho chó cắn vào chỗ hiểm như cổ họng, mặt, hạ bộ ... có thể chấp nhận cho nó cắn vào tay trái, tay khỏe hơn dùng để tấn công chọc vào mắt, tai, sườn, đá vào bộ hạ, xương cụt hoặc hậu môn chó và kêu to gọi người đến cứu giúp. Nạn nhân cũng có thể sử dụng các vật dụng khác như khăn quàng, hay thậm chí là giày để tấn công lại đàn chó hung dữ, ngoài ra, có thể sử dụng loại hóa chất dạng xịt như nước hoa, gôm xịt tóc... có trong tay.

Bác sĩ Hoàng Văn Tân, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, khi bị chó cắn, cần sơ cứu và rửa ngay vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch trong vòng 15 phút; tốt nhất nên rửa vết thương dưới vòi nước chảy sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết thương; có thể sử dụng các chất sát trùng thông thường, sẵn có trong nhà như rượu, cồn, xà phòng, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Khi nạn nhân bị mất máu quá nhiều, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu cầm máu kịp thời.

Khi bị chó cắn, không nặn bóp, bôi dầu hỏa hoặc các chất kích thích hoặc đắp lá vào vết thương. Người bị chó cắn phải đến ngay các điểm tiêm văcxin phòng dại để được khám, xử lý vết thương theo quy trình khi bị súc vật cắn. Tại đây, bệnh nhân sẽ được tư vấn tiêm văcxin dại hoặc tiêm cả huyết thanh kháng dại để phòng bệnh dại.

"Không có bất kỳ chống chỉ định nào về điều trị phòng bệnh dại. Phụ nữ có thai vẫn phải tiêm văcxin hoặc huyết thanh kháng dại", bác sĩ Tân cho biết.

Đến nay, cả y học hiện đại cũng như y học cổ truyền đều khẳng định không chữa được bệnh dại khi đã lên cơn. Tử vong do bệnh dại hầu như không tránh khỏi. Biện pháp duy nhất để cứu giúp người bệnh là điều trị bằng văcxin và huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị động vật mắc bệnh dại cắn.

Phương Thu

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/cach-bao-ve-tinh-mang-khi-bi-cho-tan-cong-d2065072.html