Cách bảo quản thực phẩm trong mùa hè

Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã trao đổi cùng bác sĩ Vũ Quang Thiện, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm về vấn đề ngộ độc thực phẩm trong mùa hè.

Mùa hè rất dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm (trong ảnh: Kiểm tra sức khỏe cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Mùa hè rất dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm (trong ảnh: Kiểm tra sức khỏe cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

- Nguyên nhân nào dễ gây ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, thưa bác sĩ?

+ Mùa hè, thời tiết nắng nóng, thực phẩm dễ bị hỏng, ôi thiu nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn. Ngộ độc thực phẩm xảy ra chủ yếu do vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố từ vi sinh vật (độc tố vi khuẩn tiết ra). Bên cạnh đó, ngộ độc thực phẩm còn có thể do thực phẩm bị nhiễm hóa chất hoặc thực phẩm vốn dĩ có chứa độc tố tự nhiên như cá nóc, con so, cóc, ốc lạ, quả lạ, nấm độc…

Thực phẩm tươi sống thường bị ô nhiễm vi sinh vật trong quá trình nuôi, trồng, thu hoạch (giết mổ), vận chuyển và lưu thông, đặc biệt khi quá trình này không tuân thủ quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hành phân phối tốt (GDP).

Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được dẫn đến thực phẩm nhanh hỏng gây ngộ độc thực phẩm.

Trái cây, rau quả không được rửa sạch hoặc bị dập nát, thối, bị nhiễm vi khuẩn hoặc bản thân nó có chứa chất độc cũng dễ gây ngộ độc.

Thực phẩm giàu đạm cũng được coi là mối nguy tiềm ẩn gây ngộ độc vì nó dễ bị vi khuẩn xâm nhập, phát triển. Thực phẩm giàu đạm bao gồm: Tiết canh, sữa và những sản phẩm của sữa, trứng, thịt gia súc, gia cầm, cá, hải sản (tôm, cua, sò...), đậu phụ và các loại đậu đỗ…

- Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như thế nào, thưa bác sĩ?

+ Tùy nguyên nhân khác nhau mà người bị ngộ độc thực phẩm có những biểu hiện khác nhau. Cụ thể, nếu do vi sinh vật hoặc độc tố từ vi sinh vật, người bệnh thường biểu hiện bệnh ở đường tiêu hóa như: Đau bụng, nôn, tiêu chảy; có thể kèm theo các biểu hiện của mất nước (khát nước, khô môi); nhiễm trùng (thường là sốt, vã mồ hôi, ớn lạnh).

Khi để thức ăn bên ngoài cũng nên che đậy cẩn thận để phòng ngộ độc thực phẩm. Theo doisongphapluat.com

Nếu nguyên nhân do thực phẩm bị nhiễm hóa chất hay do độc tố tự nhiên thì ngoài các triệu chứng bệnh ở đường tiêu hóa, bệnh nhân còn có biểu hiện các triệu chứng của hệ thần kinh như đau đầu, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp hạ hoặc trụy mạch. Trong trường hợp này thường người bệnh xuất hiện các triệu chứng nhanh ngay sau khi ăn. Ngộ độc thực phẩm dạng nặng có thể dẫn đến tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi, suy kiệt cả về thể chất và tinh thần cho người mắc bệnh.

- Xin bác sĩ cho biết, làm sao để phòng ngộ độc thực phẩm trong mùa hè?

Ảnh: TTXVN

+ Để bảo đảm ATTP, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định. Quá trình mua cần lưu ý thời hạn sử dụng của sản phẩm.

Quá trình chế biến thực phẩm cần bảo đảm vệ sinh tay, dụng cụ chế biến; sử dụng nguồn nước sạch; vệ sinh dụng cụ ăn uống. Cần đun chín kỹ thực phẩm; không ăn sống/tái các thực phẩm, không ăn tiết canh. Với rau quả ăn sống cần thiết phải rửa kỹ dưới vòi nước, ngâm nước muối 0,9% trước khi ăn. Thức ăn quá 2 giờ sau khi nấu để ở nhiệt độ phòng phải được nấu lại trước khi ăn. Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột…

Bảo quản thực phẩm tươi sống phải dưới 5 độ C trong ngày, bảo quản lâu hơn cần cấp đông. Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Bởi vậy, nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, cần đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện; đồng thời báo ngay cho cơ quan chức năng, cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời .

- Xin cám ơn bác sĩ!

Thu Nguyệt (thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/doi-song/202006/cach-bao-quan-thuc-pham-trong-mua-he-2488137/