Cách ăn uống ảnh hưởng như thế nào đến bệnh ung thư và nguy cơ mắc ung thư?

Dinh dưỡng được cho là có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh ung thư. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, những thay đổi đơn giản trong lối sống như tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh có thể ngăn ngừa 30% - 50% tất cả các bệnh ung thư.

Ung thư là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Tuy nhiên ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh một số thói quen ăn kiêng làm tăng hoặc giảm nguy cơ ung thư. Bên cạnh đó, dinh dưỡng cũng được cho là có vai trò quan trọng trong việc điều trị và đối phó với bệnh ung thư.

Dưới đây là mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và ung thư mà bạn cần biết để bảo vệ mình khỏi căn bệnh này.

Ăn quá nhiều một số loại thực phẩm nhất định có thể làm tăng khả năng mắc ung thư

Rất khó để chứng minh rằng một số loại thực phẩm gây ung thư. Tuy nhiên, các nghiên cứu quan sát đã nhiều lần chỉ ra rằng tiêu thụ nhiều một số loại thực phẩm nhất định có thể làm tăng khả năng mắc ung thư.

- Ví dụ: Đường và carbohydrates đã qua chế biến (carbohydrates tinh chế).

Những thực phẩm chế biến chứa nhiều đường và ít chất xơ, ít chất dinh dưỡng có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư cao hơn. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chế độ ăn khiến mức đường huyết tăng đột biến có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư dạ dày, vú và đại trực tràng.

Một nghiên cứu trên 47.000 người trưởng thành cho thấy những người ăn chế độ ăn nhiều carbohydrates tinh chế có nguy cơ tử vong vì ung thư đại tràng cao gần gấp đôi so với những người ăn chế độ ăn ít carbohydrates tinh chế.

Nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng của bạn sẽ tăng lên 22% nếu bạn mắc bệnh tiểu đường. (Ảnh: Internet)

Nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng của bạn sẽ tăng lên 22% nếu bạn mắc bệnh tiểu đường. (Ảnh: Internet)

Điều này cho thấy rằng mức đường huyết và insulin cao là yếu tố nguy cơ gây ung thư. Insulin đã được chứng minh là có khả năng kích thích sự phân chia tế bào, hỗ trợ sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư và khiến chúng khó bị loại bỏ hơn.

Ngoài ra, nồng độ insulin và đường huyết cao có thể góp phần gây viêm trong cơ thể bạn. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến sự phát triển của các tế bào bất thường và có thể góp phần gây ung thư.

Đây có thể là lý do tại sao những người mắc bệnh tiểu đường - một tình trạng đặc trưng bởi mức đường huyết và insulin cao - có nguy cơ cao mắc một số loại ung thư. Chẳng hạn như, nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng của bạn sẽ tăng lên 22% nếu bạn mắc bệnh tiểu đường.

Chính vì vậy, để tự bảo vệ bản thân trước ung thư, hãy hạn chế hoặc tránh các thực phẩm làm tăng nồng độ insulin, chẳng hạn như thực phẩm chứa nhiều đường và carbohydrates tinh chế.

Ăn nhiều thịt chế biến sẵn có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) coi thịt chế biến sẵn là chất gây ung thư.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) coi thịt chế biến sẵn là chất gây ung thư. (Ảnh: Internet)

Thịt chế biến sẵn là thịt đã được xử lý để bảo quản hương vị bằng cách trải qua ướp muối hoặc xông khói. Nó bao gồm xúc xích, giăm bông, thịt xông khói, xúc xích chorizo, xúc xích salami và một số loại thịt nguội.

Các nghiên cứu quan sát đã tìm thấy mối liên quan giữa việc tiêu thụ thịt chế biến sẵn và tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt là trong ung thư đại trực tràng. Đặc biệt, tổng quan nhiều nghiên cứu cho thấy những người ăn một lượng lớn thịt chế biến sẵn có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn 20% đến 50%, so với những người ăn rất ít hoặc không ăn loại thực phẩm này.

Ngoài ra, một tổng quan khác trên hơn 800 nghiên cứu cũng cho thấy rằng, chỉ cần tiêu thụ 50 gram thịt chế biến sẵn mỗi ngày (khoảng bốn lát thịt xông khói hoặc một cái xúc xích) đã làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng lên 18%.

Mặt khác, một số nghiên cứu quan sát cũng đã chỉ ra mối liên quan giữa việc tiêu thụ thịt đỏ với sự gia tăng của nguy cơ mắc ung thư. Tuy nhiên, những nghiên cứu này thường không phân biệt giữa thịt chế biến sẵn và thịt đỏ chưa qua chế biến, điều này dẫn đến những kết luận sai lệch.

Nhìn chung tổng quan các kết quả từ nhiều nghiên cứu đều cho thấy rằng mối liên quan giữa thịt đỏ chưa qua chế biến với ung thư là yếu và không nhất quán.

Ăn thức ăn quá chín cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư

Nấu một số loại thực phẩm ở nhiệt độ cao, chẳng hạn như nướng, chiên, xào, có thể tạo ra các hợp chất có hại như amin dị vòng và sản phẩm glycat hóa bền vững (AGEs). Sự tích tụ quá mức của các hợp chất có hại này có thể góp phần gây viêm và có thể đóng vai trò trong sự phát triển của bệnh ung thư và các bệnh khác.

Hơn thế, một số thực phẩm, chẳng hạn như thực phẩm động vật giàu chất béo và protein, cũng như thực phẩm đã qua chế biến, rất có thể tạo ra các hợp chất có hại này khi được xử lý nhiệt độ cao. Chúng bao gồm thịt, đặc biệt là thịt đỏ hay một số loại phô mai, trứng chiên, bơ, bơ thực vật, phô mai kem, mayonnaise, dầu và các loại hạt.

Để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư, tránh nướng các thực phẩm này và chọn các phương pháp nấu ăn nhẹ nhàng hơn, đặc biệt là khi nấu thịt, chẳng hạn như hấp, hầm hoặc luộc. Ướp thực phẩm cũng có thể giúp ích.

Tiêu thụ lượng lớn các sản phầm từ sữa làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt

Một số nghiên cứu quan sát đã chỉ ra rằng tiêu thụ lượng lớn các sản phầm từ sữa có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Cụ thể,

Một nghiên cứu đã theo dõi gần 4.000 đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt. Kết quả cho thấy sử dụng lượng lớn sữa nguyên chất làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh và tử vong. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định mối quan hệ nhân quả.

Các cơ sở lý thuyết đã gợi ý rằng, những phát hiện này là do sự gia tăng lượng canxi, yếu tố tăng trưởng insulin 1(IGF-1) hoặc hormone estrogen từ bò mang thai, tất cả đều có mối liên quan ở mức độ yếu với ung thư tuyến tiền liệt. Nhưng một số nghiên cứu cũng chỉ ra việc sử dụng sữa làm giảm nguy cơ một số bệnh ung thư, vậy nên một khuyến cáo cụ thể nên sử dụng bao nhiêu sữa là đủ thì chưa được đưa ra.

Tóm lại, nếu sử dụng nhiều các loại thực phẩm giàu đường và carbohydrates tinh chế, cũng như thịt chế biến sẵn và thịt chế biên nhiệt độ quá cao, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Ngoài ra, việc tiêu thụ nhiều sữa có mối liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt.

Tài liệu tham khảo:

https://www.healthline.com/nutrition/cancer-and-diet?fbclid=IwAR1IMCzKyaMIBJM72Ucczm_DFQnkZzBKSbCyPi8jkhIn6XNotE21fnLfB48#bottom-line

Bổ sung sữa cho bệnh nhân ung thư thế nào mới đúng cách? Đây là lời giải đáp của chuyên gia!

Theo Ths.BS. Nguyễn Tiến Đồng, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cach-an-uong-anh-huong-nhu-the-nao-den-benh-ung-thu-va-nguy-co-mac-ung-thu-41202010919023754.htm