Các yếu tố giúp doanh nghiệp xuất khẩu khai thác hiệu quả nền tảng TMĐT

Thương mại điện tử đã giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận với người mua toàn cầu. Trong bối cảnh dịch Covid19 diễn biến phức tạp và xu thế chuyển đổi số, TMĐT ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đã hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia các nền tảng TMĐT B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) đối với hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hiệu quả kênh thương mại điện tử (TMĐT).

TMĐT ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu

TMĐT ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu

Theo Công ty OSB, để có thể khai thác hiệu quả nền tảng TMĐT B2B trong xu thế chuyển đổi số hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần có các điều kiện để có thể thực hiện việc xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Trong đó yếu tố quan trọng nhất là sản phẩm có khả năng, tiềm năng xuất khẩu và có giá thành cạnh tranh, đây là điều kiện cần đầu tiên đối với các doanh nghiệp. Thực tế cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động rất chuyên nghiệp và tích cực trên các sàn TMĐT, tuy nhiên vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi do bắt nguồn từ chính yếu tố này. Cùng với đó, doanh nghiệp phải có nhân sự chuyên trách quản lý hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT. Các nhân sự này cần có kiến thức về xuất nhập khẩu quốc tế và được đào tạo bài bản các kỹ năng để có thể thích nghi với môi trường kinh doanh trực tuyến.

Một yếu tố quan trọng nữa là doanh nghiệp cần xây dựng gian hàng chuyên nghiệp và đăng nhiều sản phẩm. Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên Alibaba, số sản phẩm trên gian hàng của các nhà cung cấp Việt Nam trung bình chỉ bằng 50% so với các nhà cung cấp toàn cầu, tuy nhiên chỉ số hỏi hàng trên số click của người mua hàng thì Việt Nam lại ở Top 1. Điều này dư địa của sản phẩm Việt Nam đối với thị trường quốc tế còn rất lớn. Nếu các nhà cung cấp Việt Nam tăng cường đăng nhiều sản phẩm hơn nữa lên gian hàng của họ trên Alibaba thì hiệu quả sẽ còn cao hơn nhiều.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tích cực hoạt động để tăng thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm và tiếp cận tối đa nhu cầu mua hàng của các nhà nhập khẩu toàn cầu trên nền tảng TMĐT.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần chuẩn hóa và số hóa các điểm tiếp xúc với khách hàng ở tất cả các khâu từ marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng để đáp ứng tất cả các nhu cầu của người mua hàng quốc tế. Ví dụ trong giai đoạn kết nối người mua với người bán, có những nhà nhập khẩu sau khi tìm đến gian hàng của nhà cung cấp trên sàn TMĐT, họ lại không hỏi hàng qua các công cụ của sàn giao dịch, mà tiếp cận qua các kênh khác của nhà cung cấp như điện thoại, email, website, gặp gỡ trực tiếp…Do đó nếu các kênh này được chuẩn hóa và được số hóa thì khả năng đạt được hợp đồng với nhà nhập khẩu sẽ cao hơn nhiều,.

Chính vì lẽ đó mà hiện nay, có những doanh nghiệp đã đưa ra quy định cho nhân sự phải phản hồi các hỏi hàng của nhà nhập khẩu trong vòng 2 giờ, hay cắt cử nhân sự trực gian hàng 24/24h trong một số thời điểm để đảm bảo giữ liên lạc với các nhà nhập khẩu quốc tế mọi lúc, mọi nơi qua đó tối ưu hiệu quả hoạt động.

Theo các chuyên gia, những vấn đề trên chính là điểm khác biệt cơ bản giữa những doanh nghiệp chưa chuyển đổi số và các doanh nghiệp đã triển khai tốt chuyển đổi số khi tham gia nền tảng TMĐT B2B.

Có thể ví chuyển đổi số như một bệ phóng và trong xu hướng kinh tế số hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm đầu tư cho bệ phóng của mình, vì nếu doanh nghiệp có bệ phóng tốt thì việc xuất khẩu trực tuyến sẽ có kết quả cao hơn, nhanh hơn và có thể đạt tới tối ưu hiệu quả hoạt động.

Lê Kim Liên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/cac-yeu-to-giup-doanh-nghiep-xuat-khau-khai-thac-hieu-qua-nen-tang-tmdt-d176899.html