Các yếu tố cấu thành Tội rửa tiền?

Báo BVPL vừa có bài ''Liên minh ma quỷ' cùng Nhật Cường thâu tóm gói thầu công nghệ của Hà Nội', tôi xin hỏi thế nào là rửa tiền? Các yếu tố cấu thành Tội rửa tiền? (Vũ Văn Trung, quận Đống Đa, Hà Nội).

Rửa tiền được hiểu là hành vi làm cho tiền hoặc tài sản bất hợp pháp thành tài sản hợp pháp bằng cách thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác; sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác; che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền hoặc tài sản, cũng như thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó.

Tội rửa tiền được quy định tại Điều 324 Bộ Luật hình sự.

Khách thể

Tội rửa tiền được xếp trong nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý nhà nước đối với tài sản do phạm tội mà có.

Đối tượng tác động của tội phạm này là tiền, các loại tài sản do phạm tội mà có với bất kể loại tội gì mà người đó hoặc người khác đã thực hiện mang lại số tiền và tài sản bất hợp pháp.

Mặt khách quan

Tội rửa tiền về bản chất là hành vi hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có và tội phạm này luôn gắn liền với hành vi phạm tội khác, nhất là các tội phạm về kinh tế như buôn lậu, kinh doanh trái phép, trốn thuế... các tội phạm về tham nhũng, các tội phạm về ma túy...

Theo quy định tại khoản 1 Điều 324 Bộ luật hình sự, thì một người phạm tội rửa tiền khi thực hiện một trong các hành visau:

- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

- Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

- Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

- Thực hiện một trong ba hành vi quy định nêu trên đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có

Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội có một trong các hành vi trên mà không cần xác định hậu quả. Nếu hậu quả do hành vi rửa tiền gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của Điều 324 BLHS hiện hành.

Chủ thể

Chủ thể của Tội rửa tiền là cá nhân, là bất cứ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định.

Ngoài cá nhân, thì pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội này. Việc đưa thêm chủ thể là pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế về thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng và cũng phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa.

Mặt chủ quan

Người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp, họ nhận thức được đó là tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc nhận biết rõ tiền, tài sản do chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có và với mong muốn hợp pháp hóa số tiền, tài sản đó.

Động cơ phạm tội rất nhiều (do nể nang, do vụ lợi về vật chất,…), mục đích của người phạm tội nhằm hợp pháp hóa tiền, tài sản và là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, việc người phạm tội có đạt được mục đích hay không còn phụ thuộc vào phương thức, thủ đoạn mà họ thực hiện. Nếu người phạm tội đã có hành vi nhưng chưa thực hiện được mục đích phạm tội thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

Về hình phạt

- Đối với cá nhân: Mức hình phạt khởi điểm (thấp nhất) và mức hình phạt tối đa (cao nhất) của Điều 324 BLHS có mức thấp nhất là từ 01 năm tù và mức cao nhất là 15 năm tù. Bộ luật hình sự chỉ quy định 01 loại hình phạt chính đối với Tội rửa tiền đó là hình phạt tù có thời hạn, thể hiện đường lối xử lý nghiêm khắc đối với loại tội phạm này. Ngoài ra, tội danh này còn quy định về hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mức hình phạt khởi điểm tại khoản 2 Điều 324 BLHS năm 2015 là từ 05 năm tù đến 10 năm tù; khoản 3 là từ 10 năm đến 15 năm tù.

- Đối với pháp nhân thương mại: Lần đầu tiên BLHS Việt Nam truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, do đó ngoài hình phạt tiền, thì hình phạt chính và hình phạt bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 324 BLHS năm 2015 đối với pháp nhân thương mại phạm tội này đều là những hình phạt mới. Cụ thể hình phạt chính gồm phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; hình phạt bổ sung gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính).

Luật sư: Nguyễn Văn Lâm (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/tu-van-phap-luat/luat-su-cua-ban/cac-yeu-to-cau-thanh-toi-rua-tien-79434.html