Các yếu tố ảnh hưởng đến công tác tổ chức kế toán quản trị trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

ThS. NGUYỄN TIẾN QUANG - ThS. BÙI VĂN THỤY (Giảng viên, Trường Đại học Lạc Hồng) và TRẦN NGỌC KHÁNH NHI - LÊ THỊ HOÀI THANH (Sinh viên, Trường Đại học Lạc Hồng)

TÓM TẮT:

Công tác kế toán nói chung, kế toán quản trị nói riêng có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Tuy nhiên, công tác kế toán quản trị ở mỗi doanh nghiệp cũng khác nhau, chịu nhiều tác động từ nhiều yếu tố. Nghiên cứu được thực hiện nhằm chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến công tác kế toán quản trị (KTQT) trong các DNVVN trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Kết quả cho thấy, các yếu tố: NT (Nhận thức về KTQT của nhà quản trị), TD (Trình độ nhân viên kế toán), CT (Mức độ cạnh tranh của thị trường), VB (Văn bản, chính sách pháp luật), QM (Quy mô doanh nghiệp), CN (Công nghệ sản xuất) giải thích được 67.1% sự biến thiên về công tác kế toán quản trị trong các DNVVN trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp cải thiện công tác kế toán quản trị trong các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Từ khóa: yếu tố ảnh hưởng, công tác tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ, kế toán quản trị, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

1. Đặt vấn đề

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp tại Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Số lượng các doanh nghiệp được thành lập ngày càng nhiều, đây là động lực quan trọng tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, cũng như hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của các thành phần kinh tế khác. Tại Đồng Nai, quy tụ hơn 54 nghìn doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở TP. Biên Hòa. Hiện nay, số lượng DN trên địa bàn TP. Biên Hòa chủ yếu ở quy mô DNVVN. Để đáp ứng và phù hợp với xu hướng hội nhập hiện nay, DNVVN phải chuyển mình. Sự chuyển mình đã dẫn theo nhu cầu về thông tin kế toán cũng thay đổi theo, đặc biệt là thông tin về KTQT.

Tổ chức công tác kế toán nói chung, kế toán quản trị nói riêng là nội dung quan trọng trong tổ chức quản lý của doanh nghiệp. Tổ chức công tác kế toán phù hợp với quy định pháp luật, quy mô hoạt động của DN, yêu cầu quản lý và cung cấp thông tin có tác dụng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, sản xuất của DN. Do đó, việc triển khai và thực hiện công tác KTQT tại các DN này là cần thiết. Nhằm có cái nhìn tổng thể, nhóm tác giả tiến hành thực hiện nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến công tác tổ chức kế toán quản trị trong các DNVVN trên địa bàn TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý thuyết

Đã có nhiều nghiên cứu về lý thuyết liên quan đến hoạt động kế toán, báo cáo tài chính của doanh nghiệp, công bố thông tin của doanh nghiệp, tiêu biểu như: lý thuyết bất cân xứng, lý thuyết đại diện,…

Ngoài các lý thuyết nền, đã có nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến công tác kế toán nói chung, kế toán quản trị nói riêng, như: Abdel-Kader và Luther, R.(2008), Ismail (2009), Agustina Prihastiwi & Mahfud Sholihin (2018), Trần Ngọc Hùng (2016), Nguyễn Thị Giang (2020), Huỳnh Xuân Hiệp và Nguyễn Khánh Duy (2020), Bùi Văn Thụy và Nguyễn Tiến Quang (2021),…

Mỗi nghiên cứu đều chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng phù hợp với bối cảnh nghiên cứu khác nhau. Xét về địa bàn TP. Biên Hòa, cần có một nghiên cứu bài bản, phù hợp với đặc thù DN trên địa bàn, đây chính là động lực tác giả thực hiện nghiên cứu.

2.2. Mô hình nghiên cứu

Từ việc kế thừa cơ sở lý thuyết nền, cũng như các mô hình nghiên cứu - kết quả trước đây, nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình như Hình 1.

Hình 1: Các yếu tố ảnh hưởng đến công tác tổ chức KTQT tại DNVVN

Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng kết hợp giữa phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu định tính sử dụng để xây dựng mô hình nghiên cứu ban đầu và thang đo các yếu tố. Nghiên cứu định lượng được sử dụng để thu thập dữ liệu, xử lý số liệu, phân tích Cronbach’s Alpha, phân tích EFA, Phân tích hồi quy nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến công tác tổ chức KTQT trong các DNVVN trên địa bàn TP. Biên Hòa. Số liệu được thu thập từ 250 DNVVN trên địa bàn TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2021 theo hình thức online và trực tiếp.

4. Kết quả nghiên cứu 4.1. Kiểm định Crobach’s Alpha

Để kiểm tra sự chặt chẽ và tương quan giữa các biến thang đo, kiểm định Crobach’s Alpha được thực hiện, kết quả như Bảng 1.

Bảng 1. Kết quả kiểm định Crobach’s Alpha

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu của nhóm tác giả

Kết quả Bảng 1 cho thấy, các biến thang đo của 6 yếu tố đều có Corrected Item Total Correlation > 0.3 và hệ số Cronbach’s Alpha > 0.7. Điều này chứng tỏ 23 biến thang đo đại diện cho 6 yếu tố hoàn toàn phù hợp.

4.2. Phân tích nhân tố EFA

Nghiên cứu thực hiện phân tích nhân tố EFA, kết quả như Bảng 2 và Bảng 3.

Bảng 2. Kết quả kiểm định KMO and Bartlett’s Test

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu của nhóm tác giả

Kaiser-Meyer-Olkin (KMO) Measure of Sampling Adequacy = 0.842 > 0.5 và Sig = 0.000 < 5% nên dữ liệu dùng để phân tích nhân tố EFA là thích hợp.

Bảng 3. Kết quả tổng phương sai trích

Nguồn: Kết quả xử lý xố liệu của nhóm tác giả

Eigenvalue = 1.263 > 1 chứng tỏ các nhân tố rút trích có ý nghĩa tóm tắt thông tin. Tổng phương sai trích = 76.817% > 50%, chứng tỏ 76.817% biến thiên của dữ liệu được giải thích bởi 6 yếu tố, được đo lường bởi 23 câu hỏi thang đo.

4.3. Kết quả hồi quy và kiểm định mô hình

Bảng 4. Kết quả phân tích hồi quy

Nguồn: Kết quả xử lý xố liệu của nhóm tác giả

Kết quả Bảng 4, cho thấy các biến đều có hệ số sig.<5%, như vậy 6 yếu tố ảnh hưởng tích cực đến công tác tổ chức KTQT trong các DNVVN trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Kết quả nghiên cứu cho thấy 67.1% sự biến thiên về công tác kế toán quản trị trong các DNVVN trên địa bàn TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai được giải thích bởi 6 yếu tố, bao gồm: NT, TD, CT, VB, QM, CN.

Nghiên cứu thực hiện thêm các kiểm định khác, kết quả cho thấy mô hình xây dựng được không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến, không xảy ra hiện tượng tự tương quan và mô hình hoàn toàn phù hợp với thực tế.

5. Kết luận

Qua việc nghiên cứu tổng quan, tác giả tác giả khẳng định lại vai trò quan trọng của công tác tổ chức KTQT như là một công cụ kỹ thuật quản trị hữu hiệu trong các DNNVV tại Việt Nam nói chung, cũng như các DNNVV trên địa bàn TP. Biên Hòa nói riêng. Xuất phát từ lợi ích của việc vận dụng KTQT và theo mục tiêu đặt ra, đề tài đã nghiên cứu cơ sở lý thuyết về KTQT, vận dụng lý thuyết này để tiến hành phân tích nhằm tìm ra các yếu tố tác động đến công tác tổ chức KTQT tại các DNNVV trên địa bàn TP. Biên Hòa.

Từ kết quả nghiên cứu, để gia tăng hiệu quả công tác tổ chức KTQT, các DN cần phải lưu ý một số giải pháp sau: (1) Thay đổi nhận thức cũng như sự hiểu biết của nhà quản trị về KTQT, phải tự trang bị và cập nhật kiến thức quản trị cho chính mình; (2) Nhân viên kế toán cần nâng cao trình độ chuyên môn, nắm rõ quy trình xây dựng hệ thống KTQT. Ngoài ra, DN cần phải có chính sách nâng cao trình độ và cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên cho nhân viên, tổ chức các lớp tập huấn, dành một khoản kinh phí để xây dựng phần mềm quản trị chuyên nghiệp; (3) DN cần phải nhận thức được sự cạnh tranh khốc liệt trong tương lai giữa các DN trong nước với nhau và với các DN nước ngoài, từ đó tận dụng các công cụ quản lý trong điều hành để đưa ra những chiến lược kinh doanh rõ ràng trong ngắn hạn và dài hạn để có đối sách trước các đối thủ; (4) Tìm hiểu các tài liệu và công trình nghiên cứu về KTQT, nắm rõ văn bản pháp quy hướng dẫn từ Nhà nước về tổ chức KTQT, các DN cần tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về việc công tác tổ chức KTQT trong quản lý DN một cách rộng rãi hơn nữa; (5) Cần xem xét đến vấn đề mở rộng quy mô DN vì quy mô DN càng lớn càng dễ thành công khi công tác tổ chức KTQT tại DN lưu ý tổ chức tốt từ khâu thu thập thông tin đầu vào đến quá trình xử lý thông tin và ra báo cáo cần thiết cho các cấp; (6) DN cần phải định hướng rõ ràng chiến lược sản xuất của mình dựa trên ưu - nhược điểm nội tại của DN. Ngoài ra, cần nâng cao trình độ chuyên môn hóa của DN, đổi mới sản phẩm hoặc cải tiến các sản phẩm truyền thống của DN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Bùi Văn Thụy, Nguyễn Tiến Quang (2021). Các yếu tố ảnh hưởng đến công tác kế toán tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tạp chí Kế toán và Kế toán, số tháng 4/2021 (211).
Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS (tập 1, 2). NXB Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Huỳnh Xuân Hiệp, Nguyễn Khánh Duy (2020). Những nhân tố ảnh hưởng đến công tác kế toán của các doanh nghiệp tại Bình Dương. Tạp chí Tài chính, kỳ 2 - Tháng 8/2020.
Nguyễn Đình Thọ (2011). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh- Thiết kế và thực hiện. NXB Lao động - Xã hội, TP. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thị Giang (2020). Các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức công tác kế toán trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạp chí Công Thương, truy cập tại: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cac-nhan-to-anh-huong-den-to-chuc-cong-tac-ke-toan-trong-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-68018.htm
Nguyễn Thị Thắm (2014). Tổ chức công tác kế toán quản trị trong các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, tháng 3, số 2.
Trần Ngọc Hùng (2016). Các nhân tố tác động đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các DNNVV tại Việt Nam. Luận văn Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Abdel-Kader M. and Luther. R. (2008). The impact of firm characteristics on management accounting practices: A UK-based empirical analysis. The British Accounting Review, Volume 40, Issue 1, March 2008, Pages 2-27 Volume 40, Issue 1, March 2008, Pages 2-27 Volume 40, Issue 1, March 2008, Pages 2-2740(1), 2-27.
Agustina Prihastiwi & Mahfud Sholihin. (2018). Factors Affecting the Use of Management Accounting Practices in Small and Medium Enterprises: Evidence from Indonesia. Jurnal Dinamika Akuntansi, 10(1), 158-176.
Ismail, N. A. (2009). Factors influencing AIS effectiveness among manufacturing SMEs: Evidence from Malaysia. The Electronic Journal of Information Systems in Developing Countries, 38.

FACTORS AFFECTING THE MANAGEMENT ACCOUNTING IN SMALL

AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES SMALL AND MEDIUM-SIZED

ENTERPRISES IN BIEN HOA CITY, DONG NAI PROVINCE

Master. Nguyen Tien Quang1

Master. Bui Van Thuy1

Tran Ngoc Khanh Nhi2

Le Thi Hoai Thanh2

1 Lecturer, Lac Hong University

2 Student, Lac Hong University

ABSTRACT:

Accounting in general and management accounting in particular play an important role in the production and business activities of enterprises, especially small and medium-sized enterprises (SMEs). However, each enterprise has its management accounting and this approach is affected by many factors. This study is to find out the factors affecting the management accounting in SMEs in Bien Hoa City, Dong Nai Province. The study’s results show that the factors of NT (Perception of management accounting of managers), TD (qualification of accounting staff), CT (Level of market competition), VB (Legal documents and policies), QM (Enterprise Size), and CN (Production Technology) explained 67.1% of the variation in the management accounting of SMEs in Bien Hoa City, Dong Nai Province. This study proposes some solutions to help enterprises improve their management accounting in the next time.

Keywords: impacting factors, organization, small and medium-sized enterprises, management.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 26, tháng 11 năm 2021]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cac-yeu-to-anh-huong-den-cong-tac-to-chuc-ke-toan-quan-tri-trong-cac-doanh-nghiep-vua-va-nho-tren-dia-ban-thanh-pho-bien-hoa-tinh-dong-nai-85995.htm