Các vùng kinh tế trọng điểm: Tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế để phát triển

Các vùng kinh tế trọng điểm được xác định là các vùng động lực làm đầu tàu lôi kéo sự phát triển của các vùng khác trên cả nước. Hiện, trên cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm là: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long với tổng số 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Cần cách tiếp cận mở trong tạo dựng không gian các vùng kinh tế trọng điểm

Các vùng kinh tế trọng điểm có diện tích trên 90.000km² (chiếm 27,4% diện tích cả nước) với tổng dân số (năm 2009) khoảng 43,9 triệu người (chiếm 51% dân số cả nước), có mật độ dân số là 483 người/km² (cả nước là 260 người/km2) và tỷ lệ đô thị hóa đạt 40,2% (cả nước là 29,6%).

Những năm gần đây, các vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so mức tăng GDP của cả nước với mức tăng trung bình là 8,61%. Không những vậy, đóng góp của các vùng kinh tế trọng điểm vào tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm đến đạt 80,6%.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là xuất hiện tình trạng tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Theo đó tuy tổng đóng góp vào xuất khẩu chung của cả nước của cả bốn vùng là 80,6%, nhưng riêng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và phía Nam đóng góp tới 78,1%, trong khi hai vùng kinh tế trọng điểm còn lại là Miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đóng góp 2,5%.

Một số chuyên gia mô tả một thực trạng không mấy vui là dường như vùng nào chỉ biết vùng ấy, thậm chí có lúc có nơi còn kèn cựa nhau. Tình trạng thiếu liên kết vùng do việc chia cắt không gian vùng quá nhỏ (chia ra thành 63 tỉnh, thành phố trên cả nước) cùng vì thế mà thêm trầm trọng khiến cơ chế phối hợp giữa các vùng rất khó khăn, dẫn đến hoạt động kinh tế manh mún.

Để có thể tạo một cơ chế mới giúp thúc đẩy mối liên kết và phối hợp trong phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng kinh tế để các vùng có thể phát huy hết năng lực của mình, các chuyên gia cho rằng trước mắt cần chuyển từ cách tiếp cận vùng “đóng” theo kiểu gom các địa phương gần nhau để hình thành các vùng kinh tế như lâu nay sang cách tiếp cận “mở” hơn. Đích đến là tạo ra không gian kinh tế vùng, không chỉ giới hạn trong địa giới hành chính mà mở ra thông điệp liên kết giữa các vùng, trong nội vùng và giữa các tỉnh, thành phố khác vùng trên cơ sở lợi ích so sánh. Đây cũng chính là việc khắc phục sự lãng phí trong đầu tư công và việc duy trì sản xuất khép kín ở nhiều địa phương.

Bên cạnh đó một số chuyên gia khuyến nghị cần làm rõ được cơ sở lợi ích của các địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế, từ đó tạo động lực cho các địa phương tích cực tham gia. Trong liên kết vùng hiện nay cần xây dựng được chuyên môn hóa giảm dần sự cạnh tranh kèn cựa như lâu nay. Đặc biệt đã có vùng kinh tế trọng điểm song trong xúc tiến thương mại vẫn ngả theo địa phương mà chưa có chương trình xúc tiến cho cả một vùng. Nhược điểm này cũng cần các cơ quan quản lý tập trung khắc phục để thêm “chất” trong tăng trưởng của các vùng trọng điểm kinh tế.

Các chuyên gia cũng lưu ý liên quan đến xây dựng thể chế liên vùng kinh tế trọng điểm cần thực thi các quy định để bảo đảm nguồn thu nhằm thực hiện các nội dung liên kết vùng tương ứng với các nhiệm vụ chi của vùng. Xây dựng bộ máy tổ chức vùng đủ thực quyền, đồng thời tiến hành phân vùng cụ thể, đảm bảo sự tích hợp được khi chồng lấn. Nghiên cứu ban hành chính sách vượt trội, là một Luật hay một Nghị định về phát triển vùng kinh tế trọng điểm nhằm thể chế hóa, giải quyết các điểm nghẽn về thể chế của vùng.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/cac-vung-kinh-te-trong-diem-thao-go-cac-diem-nghen-the-che-de-phat-trien-109622.html