Các vụ bắt ma túy khủng ở VN - dấu hiệu những băng đảng xuyên quốc gia

Việc bắt hàng loạt vụ ma túy khối lượng lớn từ Tam giác Vàng vận chuyển qua Việt Nam tới các nước thứ ba cho thấy VN chịu ảnh hưởng nhiều từ các diễn biến của toàn khu vực.

Việt Nam liên tục bắt giữ các vụ buôn lậu khối lượng "khủng" ma túy tổng hợp từ nước ngoài, với tần suất tăng vọt so với năm ngoái.

Chẳng hạn, ngày 23/5, biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp với công an Lào bắt ba người Lào vận chuyển 100.000 viên ma túy tổng hợp đến sát biên giới đối diện cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), để từ đó chia nhỏ và tuồn qua biên giới.

Ngày 18/5, biên phòng tỉnh Điện Biên phối hợp với lực lượng chức năng Lào bắt hai đối tượng người Lào vận chuyển 120.000 viên ma túy tổng hợp. Các đối tượng này khai nhận mua từ Tam giác Vàng để giao cho đối tượng Việt Nam đặt mua.

Ngày 11/5, cảnh sát TP.HCM thu giữ 500 kg ketamine, số lượng lớn nhất từ trước đến nay, ở huyện Bình Chánh và bắt nhóm buôn lậu người Trung Quốc đang âm mưu chuyển hàng sang nước thứ ba.

Ba người đàn ông quốc tịch Lào vận chuyển 100.000 viên ma túy sát biên giới Quảng Trị. Ảnh: Quang Thuyên.

Ba người đàn ông quốc tịch Lào vận chuyển 100.000 viên ma túy sát biên giới Quảng Trị. Ảnh: Quang Thuyên.

Hàng loạt vụ việc ma túy khối lượng lớn bắt nguồn từ Tam giác Vàng, vận chuyển bởi các đối tượng nước ngoài, với đích đến là nước thứ ba cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các diễn biến về ma túy của toàn khu vực.

Vấn nạn ketamine nổi lên toàn khu vực

“Khối lượng 500 kg ketamine bị bắt giữ không làm tôi ngạc nhiên vì các nhóm tội phạm có tổ chức ở Myanmar đang đa dạng hóa sản phẩm từ methamphetamine (ma túy đá, còn gọi là meth) sang ketamine, và đẩy ra thị trường”, ông Jeremy Douglas, giám đốc Đông Nam Á của Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), trả lời Zing.vn qua email về vụ bắt giữ ngày 11/5 ở TP.HCM.

“Nguồn cung ketamine đang tăng lên trong khu vực Đông Nam Á”.

Sáng 12/5, cảnh sát kiểm đếm lô ma túy ketamine bắt giữ buổi chiều trước đó ở Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Lê Trai.

Báo cáo tháng ba của UNODC nêu bật xu hướng mà ông Douglas nhắc đến. Lượng ketamine bị thu giữ ở Trung Quốc liên tục giảm và năm 2017 xuống mức thấp nhất trong cả thập kỷ. Trong khi đó, Myanmar vào năm 2018 thu giữ nhiều ketamine hơn giai đoạn từ năm 2004-2017 gộp lại, đồng thời phát hiện các cơ sở bào chế ketamine trái phép.

“Các băng đảng đã chuyển sản xuất ketamine từ Trung Quốc sang phía bắc Myanmar, và buôn lậu từ đó”, ông Douglas nói.

Đại diện của Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA) tại Hà Nội Daniel Holcomb cũng cho rằng vụ bắt giữ 500 kg ketamine là một phần của bức tranh lớn hơn về khu vực Đông Nam Á.

“Vụ bắt giữ này, cùng các vụ bắt giữ meth lớn gần đây, nằm trong xu hướng mới: các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia bắt đầu chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển ma túy”, ông Holcomb nói với Zing.vn.

Ma túy tổng hợp đang là vấn đề chung và ngày càng phức tạp của cả khu vực Đông Nam Á, và các diễn biến khu vực sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.

“Việt Nam trong năm nay sẽ chứng kiến sự gia tăng kỷ lục về số vụ bắt giữ ma túy”, chuyên gia nghiên cứu chất cấm thuộc UNODC Inshik Sim nói với Zing.vn. Do chính sách trấn áp quyết liệt gần đây của Thái Lan, các tuyến buôn bán ma túy đá từ Tam giác Vàng đang dịch chuyển về phía Việt Nam.

Lượng ma túy đá bị bắt giữ ở Đông Á và Đông Nam Á năm 2018 đạt kỷ lục 116 tấn, so với 82 tấn của năm trước đó, và tăng 210% so với 5 năm trước, theo báo cáo tháng ba của UNODC. Thái Lan trong năm 2018 bắt giữ số lượng kỷ lục 515 triệu viên ma túy đá, cao hơn 17 lần so với một thập kỷ trước.

Các tuyến đường vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác Vàng đang dịch chuyển về phía đông, ngày càng chọn Việt Nam làm nơi trung chuyển. Đồ họa: Economist.

Vai trò của băng đảng xuyên quốc gia

Các chuyên gia cho biết thủ phạm của nạn buôn bán ma túy ở Đông Nam Á là các băng đảng ma túy xuyên quốc gia.

Các băng đảng đang bào chế ma túy đá “trên quy mô công nghiệp” tại “các cơ sở tạo ra hàng trăm hoặc hàng nghìn kg mỗi lượt sản xuất”, ông Jeremy Douglas từ UNODC, nói với Asia Times năm 2017.

“Ở một số vùng của bang Shan (phía bắc Myanmar), nền kinh tế chỉ xoay quanh ma túy… Hàng nghìn nông dân trồng hoa anh túc và những kẻ buôn thuốc phiện. Trái lại, ma túy đá lợi nhuận rất cao nhưng lại nằm trong tay vài chục băng đảng bào chế và phân phối”, ông Douglas nói thêm.

Chúng hoạt động ở hai hoặc ba quốc gia và chuyển cơ sở rất nhanh. “Tháng này ở Campuchia, tháng sau có thể ở Philippines”, ông Douglas nói với Asia Times.

“Ma túy đá được bào chế từ hóa chất nên chúng chỉ cần thiết bị và nguyên liệu là có thể làm ở bất kỳ đâu”, Sophal Ear, giáo sư quan hệ quốc tế ở ĐH Occidental, bang California, Mỹ, trả lời Zing.vn qua email. “Đây là thứ kiếm bội tiền”.

Cơ sở sản xuất ma túy đá bị phát hiện tại bang Shan hồi tháng 2/2018. Ma túy đá được bào chế từ hóa chất nên có thể được sản xuất ở bất kỳ đâu có nguyên liệu. Ảnh: Bộ Quốc phòng Myanmar.

Ông Douglas đã nhiều lần kêu gọi các nước Đông Nam Á tập trung trấn áp các băng đảng ma túy cùng những kẻ cầm đầu, hơn là bắt giữ và bỏ tù người sử dụng ma túy. Ông ước tính chúng kiếm được 30-35 tỷ USD mỗi năm.

Bất chấp lượng bắt giữ kỷ lục, giá ma túy đá vẫn đang giảm, và nguyên nhân có thể vì lượng cung ma túy quá nhiều trên thị trường, theo báo cáo của UNODC.

“Giá ma túy phụ thuộc vào cung và cầu… Nếu các băng nhóm sản xuất nhiều ma túy hơn, giá sẽ giảm”, đặc vụ Holcomb từ DEA giải thích.

Xu hướng giảm giá của ma túy đá diễn ra bất chấp nhu cầu dường như đang tăng. Đơn cử ở Việt Nam, Bộ Công an ước tính có 223.000 người dùng ma túy năm 2017, nhiều hơn 12.000 so với con số một năm trước đó (mức tăng 5%).

Bất chấp lượng bắt giữ kỷ lục, giá ma túy đá vẫn đang giảm, có thể vì lượng cung ma túy quá nhiều trên thị trường, theo báo cáo của UNODC. Ảnh: Getty Images.

'Những con cá lớn' xuyên quốc gia

Cuộc chiến chống lại các băng đảng ma túy xuyên quốc gia, và truy quét nguồn tiền của chúng, không hề dễ dàng.

Một ước tính của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cho thấy tỷ lệ bắt giữ ma túy trong khu vực chỉ dưới 10%, có nghĩa con số kỷ lục 116 tấn của năm 2018 mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Ngay cả Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, với chính sách “bắn chết nghi phạm tại chỗ” cũng không thể dập tắt các mạng lưới ma túy khổng lồ giăng khắp nước này. Ông đã thừa nhận thất bại trước vấn nạn ma túy mà ông nói đang “nuốt chửng” Philippines.

“Buôn bán ma túy mang lại lượng ngoại tệ khổng lồ, và cần phải luân chuyển số tiền đó”, đặc vụ Holcomb của DEA nói về hoạt động rửa tiền của tội phạm ma túy. “Các chiêu thức rửa tiền như nhau ở mọi nơi: có thể qua bất động sản, sòng bạc, buôn bán ngoại hối, hay các tài sản giá trị như trang sức, đồng hồ đắt tiền”.

Tuy nhiên, chỉ dưới 1% tổng số tiền bẩn bị thu giữ, theo ước tính của UNODC vào năm 2011. Các nỗ lực của khu vực Đông Nam Á nhằm trấn áp hoạt động rửa tiền từ buôn bán ma túy “có ít tác động từ năm 2009 đến 2018”, theo một báo cáo tháng hai của Hiệp hội Quốc tế về Chính sách Ma túy (IDPC).

Báo cáo của IDPC cho biết thêm tiền bẩn được rửa chiếm khoảng 2-5% GDP toàn cầu (800-2.000 tỷ USD), và 1/4 tổng doanh thu của tội phạm xuyên quốc gia là từ ma túy. Thị trường ma túy toàn cầu ước tính lên tới 426-652 tỷ USD.

Dù thông tin về các vụ bắt giữ ma túy “khủng” ở TP.HCM gần đây nhắc đến các đối tượng cầm đầu là người gốc Hoa, mang hộ chiếu Đài Loan, Trung Quốc hoặc Malaysia, ông Holcomb và ông Sim đều cảnh báo không thể kết luận quá nhiều về đường dây đằng sau, vì chúng rất phức tạp.

“Những băng nhóm đã vận chuyển lượng lớn ma túy như vậy sẽ có người từ mọi quốc gia… chúng không có biên giới”, ông Holcomb nói.

“Những con cá lớn thường ẩn đằng sau… có thể không phải là những kẻ bị bắt, có thể những kẻ bị bắt không biết bên phân phối sau cùng”, ông Sim nói.

“Với các băng đảng ở Nam Mỹ, chúng ta biết những tên cầm đầu. Nhưng ở Đông Nam Á, không ai biết chúng là ai”, ông Sim trả lời Zing.vn khi được yêu cầu so sánh hai khu vực. “Các băng đảng Nam Mỹ cạnh tranh, giành thị trường. Ở châu Á, cũng có tranh giành, nhưng theo tôi, chúng kiểm soát điều đó tốt hơn để mở rộng thị trường và cùng hưởng lợi”.

Cảnh sát bắt giữ hàng trăm kg ma túy tại TP.HCM. Ảnh: Thái Linh.

Ảnh hưởng tới Việt Nam

Các diễn biến khu vực khiến tội phạm ma túy ở Việt Nam tăng vọt. Theo dữ liệu do Bộ Công an công bố tại họp báo ngày 25/3, trong quý I năm 2019, lực lượng chức năng cả nước điều tra 6.552 vụ án ma túy và thu giữ 6 tấn ma túy - nhiều hơn số vụ và lượng ma túy của cả năm 2018.

Kể từ đó, đã có thêm nhiều vụ bắt giữ ma túy “khủng” trên cả nước, ngụy trang hàng cấm trong các xe chở hàng hóa như túi trà hoặc loa thùng.

“Với việc Việt Nam trấn áp buôn lậu ma túy dọc biên giới Lào và Trung Quốc ở miền Bắc và miền Trung, những trùm buôn bán đã chuyển sang các tuyến đường phía nam. Đó là lý do TP.HCM đang trở thành nơi trung chuyển ma túy”, ông Lương Thanh Hải, nhà nghiên cứu tội phạm tại ĐH Tổng hợp RMIT tại Melbourne, viết trên trang Diplomat.

15 kg ma túy đá từ Lào bị thu giữ ngày 1/6 ở Hà Tĩnh, trên đường vận chuyển vào Sài Gòn tiêu thụ. Ảnh: Công an cung cấp.

“Đó gọi là hiệu ứng bong bóng của các đường dây tội phạm, làm chặt chỗ này thì nó phình ra chỗ khác”, ông Hải giải thích thêm trong cuộc trao đổi với Zing.vn. Khi các đường dây “bị chặn mạnh ở khu vực các nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào, chúng sẽ sang Campuchia và Việt Nam”.

Theo ông Hải, nỗ lực đơn lẻ của một quốc gia là không đủ, mà cần sự hợp tác quốc tế. Nhưng biên giới các nước dọc sông Mekong vẫn lỏng lẻo và dễ vượt qua. Việc hợp tác giữa các lực lượng biên phòng vẫn chưa đủ và cần được cải thiện, ông Hải viết trên Diplomat.

Kể từ vụ sát hại 13 thủy thủ Trung Quốc tháng 10/2011, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan đã tuần tra chung tổng cộng 81 đợt. Nhưng Việt Nam và Campuchia, dù nằm ở cuối sông Mekong, vẫn chưa tham gia tuần tra, và ông Hải coi đó là một nghịch lý.

Một nghịch lý khác, theo ông Hải, là các nước trong khu vực thu thập dữ liệu về ma túy, nhưng không thu thập dữ liệu về buôn bán tiền chất, tức những chất hóa học dùng để tạo ra ma túy tổng hợp.

Các tiền chất đó không bị cấm, mà được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp dược phẩm, hóa học. Các chất này có số lượng lớn trong khu vực vì một số nước châu Á, như Trung Quốc và Ấn Độ, là trung tâm cung cấp hóa chất của thế giới.

Điều này khiến số biến thể ma túy tổng hợp tăng từ 292 năm 2015 lên 559 năm 2017, theo thống kê của Bộ Công an.

Ông Holcomb từ DEA cũng cho rằng cần có hệ thống quy định để theo dõi xem ai cung cấp, vận chuyển, và sử dụng các chất này.

Trước mắt, giáo sư Ear từ ĐH Occidental nhận định giá ma túy cao ở các thị trường khác sẽ tiếp tục là động lực lớn đối với các băng đảng. “Nếu ma túy đá có thể được làm rẻ ở Đông Nam Á và bán sang Australia và Nhật Bản theo các ‘cao tốc ma túy’… đó là động lực lớn”, ông nói.

Ông Douglas từ UNODC cho rằng nước trung chuyển ma túy luôn bị ảnh hưởng. Ông nêu khả năng số người sử dụng ketamine ở Việt Nam sẽ tăng lên trong tương lai nếu ketamine tiếp tục chảy qua Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ngày 29/3 nói lượng ma túy vào Việt Nam có 20% tiêu thụ nội địa, còn 80% chuyển sang các nước.

Nước láng giềng Campuchia là ví dụ về đất nước trung chuyển ma túy và tiền chất, đồng thời có vấn đề nghiêm trọng về lạm dụng ma túy.

“Những kẻ buôn bán có thể không trả công người vận chuyển bằng tiền, mà chúng trả bằng ma túy”, David Harding, có hơn 15 năm tư vấn các con nghiện Campuchia, nói với Phnom Penh Post năm 2016.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cac-vu-bat-ma-tuy-khung-o-vn-dau-hieu-nhung-bang-dang-xuyen-quoc-gia-post949151.html