Các vấn đề liên quan tai mũi họng hậu Covid-19

Người bệnh sau khi khỏi Covid-19 vẫn gặp phải các di chứng dai dẳng, kéo dài, bao gồm cả những vấn đề liên quan tai mũi họng như ù tai, nghẹt mũi, giảm thính lực.

Long Covid là thuật ngữ được sử dụng để mô tả các triệu chứng tiếp tục tồn tại sau khi người bệnh khỏi Covid-19. Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học College London (Anh) đã chỉ ra có tới 200 triệu chứng ảnh hưởng đến 10 cơ quan khi mắc Covid-19 và trong giai đoạn hồi phục của người bệnh.

Mặc dù Covid-19 có thể gây ảnh hưởng xấu đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, ngày càng có nhiều người gặp các vấn đề về tai, mũi và họng như nghẹt mũi, hoa mắt, chóng mặt, giảm thính lực, ù tai,…

Mô mũi, vòm họng, hầu họng là nơi tiếp cận chính của SARS-CoV-2. Kết quả là người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng ở đường hô hấp trên khi mắc Covid-19 bao gồm: Viêm họng, rối loạn chức năng khứu giác, nghẹt mũi, suy giảm thính lực.

Đặc biệt, những triệu chứng này có thể kéo dài, xuất hiện mới hoặc gây ra các vấn đề ở đường hô hấp dưới sau khi khỏi bệnh như khó thở, tức ngực, ho. Đối với những người bị mắc Covid-19 nhẹ, các triệu chứng hậu Covid-19 thường gặp là mất khứu giác (anosmia), rối loạn nhận thức về mùi.

Ở một số bệnh nhân, các triệu chứng này có thể kéo dài trong một số tuần, nhưng nếu chúng tiếp tục sau 4 tuần, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

 Nhiều bệnh nhân gặp rắc rối với các vấn đề về tai mũi họng sau khi khỏi Covid-19 như ù tai, nghẹt mũi, rối loạn khứu giác,... Ảnh: Forbes.

Nhiều bệnh nhân gặp rắc rối với các vấn đề về tai mũi họng sau khi khỏi Covid-19 như ù tai, nghẹt mũi, rối loạn khứu giác,... Ảnh: Forbes.

Ngoài ra, một nghiên cứu của Italy đã báo cáo gần 10% bệnh nhân Covid-19 tiếp tục có các triệu chứng về mùi cũng như vị giác dai dẳng sau hơn một tháng. Mặc dù phần lớn bệnh nhân hồi phục tự nhiên mà không cần can thiệp y tế, nhiều người vẫn phải đối mặt với các triệu chứng này trong thời gian dài.

Đối với những bệnh nhân bị mất vị giác, sự phục hồi diễn ra trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ theo bất kỳ cách nào, cần được trợ giúp y tế.

Ngoài ra, những ai bị giảm thính lực đột ngột cần đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Bác sĩ có thể sử dụng thính lực đồ để biết mức độ suy giảm thính lực của bạn. Các lựa chọn điều trị khác bao gồm tiêm steroid trong màng nhĩ và tiêm tĩnh mạch/steroid đường uống.

Rối loạn chức năng khứu giác như hạ natri máu và anosmia là những tình trạng tự hồi phục, do đó, đa số bệnh nhân thường hết triệu chứng trong vòng 4 tuần.

Về cơ bản, quy trình điều trị khác nhau ở mỗi người, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân không nên tự dùng thuốc. Điều quan trọng là phải hiểu các vấn đề hậu Covid-19 và báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa nếu tình trạng kéo dài trong khoảng thời gian nhất định. Can thiệp kịp thời giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và giảm biến chứng có thể xảy ra.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-van-de-lien-quan-tai-mui-hong-hau-covid-19-post1315791.html