Các vấn đề của tiếng Việt trong thời 4.0

Hội thảo 'Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh ngôn ngữ học thế giới và khu vực' là diễn đàn khoa học để các nhà ngôn ngữ học Việt Nam cùng với các nhà ngôn ngữ học thế giới quan tâm đến Việt Nam tập hợp và thảo luận những khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại, trình bày và đánh giá kết quả nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời xác định những nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng cho chặng đường sắp tới.

Sáng ngày 20-12 tại Hà Nội, Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế "Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh ngôn ngữ học thế giới và khu vực", tập trung giới thiệu và thảo luận những thành tựu của ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh có những thay đổi nhanh chóng của ngôn ngữ học thế giới và khu vực.

Hội thảo có gần 190 báo cáo toàn văn của các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước gửi đến hội thảo, trong đó có những tác giả nước ngoài đến từ Australia, Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan... Có thể kể đến các báo cáo quan trọng của GS. TS Nguyễn Văn Hiệp về việc xác lập cơ sở lí thuyết cho việc biên soạn một cuốn cú pháp tiếng Việt mới, hướng đến biên soạn một cuốn Ngữ pháp tiếng Việt có tầm tham chiếu quốc gia; báo cáo của GS Mark Alves đến từ Đại học Montgomery (Mỹ), về từ vựng Proto Nam Á và Proto Vietic trong tiếng Việt, như là chứng cứ quan trọng để khảo sát lịch sử tiếng Việt, lịch sử của tiếp xúc ngôn ngữ ở khu vực và báo cáo của TS Phạm Hiển ở giao diện ngôn ngữ học và khoa học máy tính của thời đại công nghệ 4.0, về việc xây dựng từ vựng tiếng Việt cốt lõi cho học viên nước ngoài.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết, trên nền tảng vững chắc được xây dựng qua hơn nửa thế kỷ nghiên cứu, các nhà ngôn ngữ học Việt Nam đã nhanh chóng hòa nhập với các trào lưu, các lí thuyết hiện đại của thế giới và đã có những thành tựu rất đáng được ghi nhận, cả về lí thuyết lẫn thực tiễn.

Qua các công trình được công bố gần đây, đặc biệt qua danh sách hơn 700 báo cáo tham dự các hội thảo ngôn ngữ học quốc tế, do Viện Ngôn ngữ học tổ chức trong thời gian gần đây (2013, 2015, 2017 và hội thảo 2020 lần này), có thể thấy bên cạnh những nghiên cứu rất cơ bản với các cách tiếp cận đã có trước đây, trong thời gian qua, những nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Việt Nam đã tiếp thu, áp dụng một cách sáng tạo và có phát triển các lí thuyết, đường hướng của ngôn ngữ học hiện đại vào nghiên cứu tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã cùng bản thảo về vấn đề tiếp tục vận dụng các lí thuyết mới của ngôn ngữ học hiện đại để tiếp tục phát hiện những đặc điểm của tiếng Việt, của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, qua đó góp phần làm phong phú kho tàng lí luận của ngôn ngữ học thế giới.

Đồng thời, các nhà nghiên cứu còn bàn về vấn đề nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, rõ hơn các vấn đề về cội nguồn và sự tiếp xúc ngôn ngữ của tiếng Việt, trong cứ liệu các ngôn ngữ dân tộc thiểu số có họ hàng hay quan hệ tiếp xúc với tiếng Việt cũng như bằng chứng từ các thư tịch cổ, gồm thư tịch Hán Nôm và chữ Quốc ngữ những thế kỉ trước. Cân nhắc để thấy ảnh hưởng của từ vựng Hán trong từ vựng tiếng Việt không thực sự ở mức độ mạnh mẽ, do trọng lượng của dữ liệu từ vựng Nam Á và Vietic được thu thập gần đây.

Với 5 tiểu ban, hội thảo đã trở lại vấn đề giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt gắn với chuẩn hóa tiếng Việt trong tình hình, bối cảnh xã hội mới, do sự phát triển của công nghệ thông tin và các phương tiện nghe nhìn hiện đại, hướng đến xây dựng và ban hành Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam. Và các vấn đề của ngôn ngữ học ứng dụng, nằm trong xu hướng đưa kiến thức ngôn ngữ học phục vụ xã hội, với những tiến bộ về xử lí ngôn ngữ hiện nay trong thời đại công nghệ 4.0 như dịch tự động, trí tuệ nhân tạo, ngôn ngữ học lâm sàng, ngôn ngữ học hình pháp, vấn đề dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, vấn đề dạy tiếng dân tộc thiểu số cho người dân tộc thiểu số để góp phần bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc thiểu số và phát triển bền vững đất…

Hương Thủy

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cac-van-de-cua-tieng-viet-trong-thoi-4-0-post453388.antd