Các tướng Lầu Năm Góc có thêm lý do để đau đầu

Với việc đưa S-500 trang bị, đã không chỉ còn một mình Matxcova mới được bảo vệ trước một cuộc tấn công tên lửa

Xin được giới thiệu cùng bạn đọc bài viết tiếp về vũ khí- trang bị kỹ thuật quân sự của chuyên gia, nguyên kỹ sư chính của TSNIIMASH (Từ viết tắt tiếng Nga của Viện Khoa học- Nghiên cứu chế tạo máy Trung ương- một trung tâm khoa học- nghiên cứu thiết kế chế tạo tên lửa-ND)Vladimir Tuchkov đăng trên báo “Svobodnaia Pressa” ngày 5/8/2020 .

Bài báo cung cấp một số thông tin khá thú vị của “người trong cuộc”, xin giới thiệu lại cùng bạn đọc. Xin lỗi vì đôi chỗ chúng tôi có mở ngoặc để làm rõ hơn ý của tác giả.

Tổ hợp S-500 (Ảnh: militaryarms.ru)

Tổ hợp S-500 (Ảnh: militaryarms.ru)

Ngày chủ nhật vừa qua (2/8), Tờ báo Trung Quốc "Nhân dân Nhật báo" (Cơ quan ngôn luận của BCH TW ĐCS Trung Quốc) đã cho đăng tải bài báo bàn về việc hệ thống tên lửa phòng không S-500 "Prometheus" khi được đưa vào trang bị sẽ có những đóng góp gì cho hệ thống (nói chung) phòng không và phòng thủ chống tên lửa (đánh chặn) của (quân chủng) Bộ đội Đường không- Vũ trụ Nga.

Các tác giả của bài báo đăng trên “Nhân dân Nhật báo” nói trên đã không phải là không có cơ sở khi cho rằng sự kiện trên (thời điểm đưa S-500 vào trang bị”) sẽ không còn xa nữa.

Để chứng minh cho khẳng định này, các tác giả đã nhắc lại rằng S-500 đã được thành công ở Syria vào mùa thu năm ngoái,- nó đã thể hiện được chất lượng tác chiến xuất sắc và khẳng định được những tính năng kỹ- chiến thuật ưu việt của mình.

Vâng đúng là khi đó (mùa thu năm 2019), hầu như tất cả các phương tiện thông tin đại chúng trên thế giới đều đã đưa tin về việc S-500 được thử nghiệm tại Syria. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã ngay lập tức có phản ứng trước luồng thông tin gây bão này với tuyên bố khẳng định rằng không nhất thiết cứ phải thử nghiệm S-500 tại Syria.

Nhưng đã có dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng S-500 sẽ được đưa vào trang bị cho Quân đội Nga ngay trong những năm tới, đúng như Phó Thủ tướng phụ trách mảng tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga Yuri Borisov đã cam kết một năm trước đây. Còn Xergei Chemezov, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nhà nước Rostec cũng đã khẳng định là tổ hợp S-500 đã bắt đầu được sản xuất hàng loạt.

Tờ “Nhân dân Nhật báo” Trung Quốc cho rằng điểm mạnh của hệ thống phòng không và phòng chống tên lửa Nga là tính phân tuyến (nhiều tầng nhiều lớp) của nó.

Bên cạnh đó, cũng cần phải hiểu rằng những gì chúng ta đang nói tới ở đây là các phương tiện phòng thủ những vùng lãnh thổ nhất định phân công cho Bộ đội phòng không chịu trách nhiệm.

Khác với các tổ hợp của Lục quân được thiết kế để bảo vệ các đơn vị và binh đoàn binh chủng hợp thành trước các cuộc tấn công từ trên không khi (những đơn vị và binh đoàn này) đang hành tiến hoặc đang trú quân tại những địa điểm nhất định.

Những tổ hợp tầm ngắn "đàn em" chịu trách nhiệm ở các tuyến của mình. Trong đó có tổ hợp tên lửa- pháo phòng không "Pantsir". Vào thời kỳ đầu, “Pantsir” có bán kính phòng thủ chỉ trong phạm vi 15 km.

Tuy nhiên, những biến thể sau này của tổ hợp đã "vượt qua" đáng kể giới hạn đó và "lấn sân" vào cự ly hoạt động của các tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần. Tổ hợp tên lửa phòng không S-125 "Pechora" là một tổ hợp thuộc các tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần với tầm bắn vào khoảng 50 km.

Nhưng S-125 hiện đã được thay thế bằng tổ hợp tên lửa phòng không S-300 hiện đại hơn với cự ly tiêu diệt mục tiêu tối đa của những biến thể “trẻ nhất”- lên tới 75 km.

Tổ hợp tên lửa- pháo phòng không Nga “Pantsir”

Những biến thể “đàn anh” của S-300 đã có cự ly bắn tầm trung và có thể tiêu diệt những mục tiêu khí động học ở khoảng cách tới 200 km.

Bộ đội Phòng không Nga cũng đã tiếp nhận một số tổ hợp tên lửa phòng không lục quân S-300VM “Antey-2500” được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Trong năm nay, Quân đội Nga cũng đã đưa vào trang bị tổ hợp tên lửa phòng không S-350 “Vityaz “.

Các tổ hợp tên lửa phòng không mạnh nhất của Nga S-400 "Triumph" “làm việc” ở cả dải cự ly tầm trung và tầm xa – tầm bắn của chúng lên tới 400 km.

Với việc đưa S-500 vào trang bị, diện tích khu vực phòng thủ mà hệ thống chịu trách nhiệm sẽ được mở rộng đáng kể.

Với S-400, bán kính hoạt động của radar phát hiện các mục tiêu trên không của nó đạt tới 600 km, với S-500 – tới 550km -600 km. Cự ly tối đa tiêu diệt mục tiêu lần lượt là 400 km (S-400) và 600 km (S-500).

Điều đó, tất nhiên, là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, những ưu điểm chủ yếu của việc đưa S-500 vào trang bị cho Bộ đội Phòng không lại không phải là ở chỗ đó. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào tham số này (tầm bắn), thì hệ số hiệu quả của tổ hợp mới cũng chỉ tăng có 1,5 lần.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng hệ số này (hệ số hiệu quả) phải là 2. Sở dĩ khi vậy là vì khi thực hiện dự án S-500, các công trình sư và kỹ sư Nga đã đi theo một hướng thiết kế hoàn toàn mới.

Về bản chất, S-500 – đó là hai hệ thống. Một hệ thống có chức năng tiêu diệt các mục tiêu khí động học - máy bay, máy bay lên thẳng, tên lửa hành trình (có cánh), hệ thống còn lại – đánh chặn các tên lửa đạn đạo.

Cả hai bộ phận cấu thành của tổ hợp này (S-500) có các tên lửa riêng, các radar riêng, các hệ thống điều khiển riêng.

Có nghĩa là, nhờ có sự phân công “tách bạch” chức năng phòng không và chức năng chống tên lửa, nên S-500 có được sự linh hoạt mà không có một tổ hợp tên lửa phòng không nào khác có thể có được: cả S-400, cả các tổ hợp “Patriot”, THAAD lẫn “Aegis” của Mỹ.

Tổ hợp S-500 có thể đánh chặn cả máy bay và cả tên lửa đạn đạo với một hiệu quả tương đương nhau. Và gần đây vừa mới có thông tin cho rằng: kể cả các tên lửa siêu thanh (M>5) cơ động cũng không thể “trốn” được các tên lửa đánh chặn của “Prometheus”.

Tuy nhiên, tuyên bố này, như người ta thường nói, mới ở dạng treo lơ lửng trên không, chưa được khẳng định bằng bất kỳ một bằng chứng thực tế nào.

Tổ hợp THAAD của Mỹ

Thành phần quan trọng bậc nhất của hệ thống có chức năng phát hiện, nhận dạng mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa đánh chặn đến mục tiêu- đó là các radar ăng ten mạng pha chủ động .

Có hai "bộ" radar tất cả- bộ (radar) "khí động học" và bộ (radar) "đạn đạo". Mỗi "bộ" lại có hai radar – một radar phát hiện và một radar dẫn đường. Các mục tiêu khí động học, như đã nói ở trên, được phát hiện ở cự ly lên tới 800 km.

Những mục tiêu đạn đạo có đường bay ở độ cao lớn có thể được “nhìn thấy rất rõ" trong vòng bán kính 2.000 km và những khối tác chiến tách ra từ tên lửa đạn đạo có diện tích phản xạ radar hiệu dụng 0,1 m2- ở cự ly 1.300 km.

Cùng với đó, theo chính những chuyên gia của “Almaz-Antey” tham gia thiết kế S-500 đã khẳng định thì so với S-400, khả năng phát hiện các mục tiêu được chế tạo theo công nghệ tàng hình của S-500 đã tăng lên đáng kể.

Tuy vậy, tổ hợp mới này cũng “thừa kế” một số “nhân tố” từ S-400. Trong số mười tên lửa đánh chặn, có bảy quả là "cũ" – chúng được sử dụng cho "Triumph" (S-400). Chúng khác nhau về cự ly bắn, chiều cao đánh chặn, tốc độ - cả của “mình” và của cả mục tiêu cần đánh chặn, các tính năng khí- động học, nguyên tắc làm việc của đầu tự dẫn.

Mỗi một tên lửa đánh chặn trong số đó đều đối phó hiệu quả nhất với lớp mục tiêu “được giao”- cả các mục tiêu tốc độ cao, mục tiêu bay thấp, mục tiêu bay cao, mục tiêu cơ động, mục tiêu tàng hình, mục tiêu bay treo như máy bay lên thẳng, và v.v.

Có ba tên lửa mới được thiết kế riêng cho “Prometheus”. Tên lửa 40N6M (40Н6М ) là tên lửa đánh chặn khí động học có tầm bắn xa nhất- cự ly tiêu diệt mục tiêu của nó đạt tới 600 km.

Các tên lửa 77N6-N và 77N6-N1 (77Н6-Н và 77Н6-Н1) có nhiệm vụ đánh chặn những tên lửa đạn đạo bay với tốc độ tới 7 km / s. Chúng có khả năng chắc chắn (với xác suất 0,75-0,9 khi đánh chặn bằng một quả tên lửa) tiêu diệt tên lửa đạn đạo- từ tên lửa đạn đạo chiến dịch- chiến thuật đến tên lửa đạn đạo tầm trung.

Có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ở pha cuối của quỹ đạo bay. Theo Tập đoàn “Almaz-Antey”, trong một số điều kiện nhất định, nó có thể chặn các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ở pha giữa của quỹ đạo.

Các tính năng bay của các tên lửa 77N6 và 77N6-N1 (hai tên lửa còn lại) không được tiết lộ. Chỉ biết rằng chúng không mang khối tác chiến nổ phá mảnh, mà là khối tác chiến động lực. Có nghĩa là, phá hủy tên lửa bị đánh chặn bằng cú va chạm cơ học cực mạnh.

Hiện đang có một số tuyên bố từ những nguồn có thẩm quyền và am hiểu liên quan đến việc một trong hai tên lửa này được quy chuẩn với tên lửa đánh chặn53Т6М của hệ thống phòng thủ chống tên lửa A-235 “Nudol” sắp được triển khai để bảo vệ Matxcova và khu vực Trung tâm.

Với tầm bắn 100 km, nó được thiết kế để đánh chặn ở tầm gần. Có những tính năng động lực học độc đáo và tính năng tốc độ tuyệt vời. Khả năng chịu được lực quá tải theo chiều dọc cho phép của nó là 210 g, theo chiều ngang - 90 g, - và đây là một kỷ lục thế giới tuyệt đối.

Bên cạnh đó, có một sự khác biệt cực kỳ quan trọng giữa thành tố chống tên lửa của tổ hợp“Prometheus” với hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Matxcova và khu vực Trung tâm “Nudol”- đó là: “Prometheus” là một tổ hợp cơ động.

Đúng, các bệ phóng tên lửa đánh chặn 53T6M (của “Nudol”) cũng cơ động. Nhưng chúng sẽ, như người ta thường nói, chỉ quanh quẩn trong một khu vực có bán kính hạn chế, có nghĩa là, nó luôn phải “gắn với” trạm radar “Don-2” cố định.

Và từ đây, một nước đột phá chiến lược lớn. Tổ hợp S-500 có thể được triển khai ở bất kỳ khu vực nào trên lãnh thổ Nga. Và, thành thử , chúng sẽ có thể bảo vệ những khu vực này trước các cuộc tấn công của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với độ tin cậy tương tự như “Nudol” (khi bảo vệ Matxcova và khu vực Trung tâm).

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/cac-tuong-lau-nam-goc-co-them-ly-do-de-dau-dau-3415774/