Các trường sư phạm trên toàn quốc sẽ quy hoạch theo mô hình nào?

GS.Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã báo cáo kết quả 'Nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035.

Ngày 31/3/2021, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Hoàng Minh Sơn đã chủ trì họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035".

Đề tài thuộc chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục giai đoạn 2016-2020, do Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên chủ trì thực hiện. Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên là chủ nhiệm đề tài.

Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam đã làm rõ các mô hình đào tạo giáo viên hiện nay, kinh nghiệm quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm trên thế giới, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên ở Việt Nam. Từ đó, đề xuất các phương án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, trong đó hình thành một số trường sư phạm trọng điểm, một số trường sư phạm chủ chốt và các trường sư phạm vệ tinh.

Các mục tiêu cụ thể có 4 nội dung chính:

Xây dựng được luận cứ khoa học để quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm;

Xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn để quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam;

Đề xuất nội dung và phương án quy hoạch tổng thể mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam;

Đề xuất, kiến nghị chính sách các giải pháp để thực hiện và quản lý quy hoạch ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035". ảnh: TL.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035". ảnh: TL.

Chia sẻ một số kết quả chính của đề tài, Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết: Kết quả nghiên cứu của đề tài được chuyển giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng Đề án “Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”.

Đề xuất về các mô hình đào tạo giáo viên của đề tài là căn cứ để các trường sư phạm đổi mới mô hình đào tạo giáo viên, phát triển chương trình đào tạo, gắn kết với thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm trong cả nước sẽ góp phần cân bằng quy luật cung cầu trong đào tạo giáo viên, giảm số lượng sinh viên tốt nghiệp không tìm kiếm được việc làm, làm giảm sự lãng phí do đào tạo thừa và mất cân đối như hiện nay; đồng thời, quy hoạch sẽ thúc đẩy sự phát triển của các trường trong hệ thống, tăng cường công tác kiểm định trường và kiểm định chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở trong hệ thống, đảm bảo được đầu ra đáp ứng được mức chất lượng chuẩn trên toàn quốc.

Phương án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm trọng điểm và các vệ tinh của nó trong cả nước là cơ sở để tăng cường nguồn vốn đầu tư tập trung, đầu tư trọng điểm; phát triển các trường sư phạm chủ chốt đạt trình độ đào tạo của các trường đại học trong khu vực và trên thế giới; tăng cường tính tự chủ của các trường sư phạm và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.

Kết quả nghiên cứu của đề tài có tác động làm chuyển biến nhận thức của xã hội về ngành giáo dục, từng bước nâng cao vị thế của nghề dạy học trong xã hội; thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm; đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù đối vối nghề giáo góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Giáo sư Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035". Ảnh: TL.

Theo Giáo sư Phạm Hồng Quang, kết quả nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm phải nhằm mục đích ổn định và phát triển, dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, quan điểm tập trung đầu tư cho các cơ sở chủ lực ở các thành phố lớn và co hẹp hoặc giải thể các cơ sở vùng sâu, vùng xa là quan niệm khá cực đoan.

Khi một cơ sở giáo dục xuất hiện ở một địa phương có tác động rất tích cực về nhiều mặt cho địa phương đó. Vấn đề là xác định được chức năng, vai trò, nhiệm vụ của cơ sở trong hệ thống là gì để xây dựng quy hoạch. Việc quy hoạch lại nên được thực hiện theo hướng: các trường đại học có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trường sư phạm trọng điểm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm này. Toàn bộ chương trình đào tạo của các trường sư phạm sẽ được chuẩn hóa và sử dụng đồng bộ trong toàn hệ thống để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên ở các nơi được đồng nhất.

Qua phỏng vấn sâu, một số chuyên gia còn băn khoăn về vấn đề việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, sự phân cấp quản lý nhà nước đối với các trường sư phạm sau khi quy hoạch, vấn đề quản lý chất lượng và cải tiến chất lượng đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, quy hoạch dẫn đến xác định lại vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của một số trường sư phạm. Điều này tác động đến việc sắp xếp và sử dụng nguồn nhân lực giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, giúp quản lý nhà nước trong đào tạo giáo viên được chặt chẽ hơn.

Từ những thập kỷ 80 của thế kỷ trước các trường cao đẳng, các đại học địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho hệ thống giáo dục quốc dân. Có quan niệm cho rằng, cần tập trung đầu tư cho các trường sư phạm chủ chốt ở các thành phố lớn và co hẹp hoặc giải thể các cơ sở đào tạo ở vùng sâu, vùng xa. Đây là quan niệm khá cực đoan vì có thể thấy rõ, khi một cơ sở giáo dục xuất hiện ở một địa phương có tác động rất tích cực về nhiều mặt cho địa phương đó.

Vấn đề là xác định được chức năng, vai trò, nhiệm vụ của cơ sở trong hệ thống để xây dựng quy hoạch. Khi đó, quy mô đào tạo giáo viên được kiểm soát, có kế hoạch và tránh lãng phí ngân sách trong đào tạo. Như vậy, có thể nói quy hoạch sẽ giải quyết được thực trạng thừa thiếu giáo viên, tránh được sự lãng phí trong công tác đào tạo, tập trung nguồn lực đầu tư góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đáp ứng tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vừa nâng cao vị thế, vai trò của đội ngũ giáo viên; tạo niềm tin, huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ và đồng hành cùng sự phát triển của giáo dục Việt Nam.

Đối với các trường sư phạm, quy hoạch sẽ giúp nâng cao năng lực tự chủ, quản trị và hiệu quả sử dụng các nguồn lực để phát triển nhà trường; xác định được chức năng, vai trò và nhiệm vụ của từng trường trong một chỉnh thể thống nhất có sự liên thông, kết nối, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác đào tạo; nâng cao hiệu quả đào tạo của các trường sư phạm, bảo đảm số lượng tuyển sinh phù hợp với nhu cầu sử dụng và năng lực đào tạo của từng trường.

Đối với ngành giáo dục, quy hoạch sẽ hình thành được hệ thống các trường sư phạm bao gồm các đại học sư phạm trọng điểm và các vệ tinh theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, kết hợp với mô hình quản trị hiện đại, hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, tránh lãnh phí nguồn lực đầu tư của nhà nước; phân định rõ chức năng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đối với từng cơ sở đào tạo; tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa các trường sư phạm và cơ sở sử dụng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giảng viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đối với xã hội, quy hoạch bảo đảm niềm tin của xã hội vào chất lượng đào tạo giáo viên trên cơ sở đảm bảo cân đối cung cầu trong đào tạo nhân lực giáo viên; thu hút được học sinh giỏi, có năng lực vào học các ngành đào tạo; đảm bảo cho người học sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm đúng ngành, giảm tỉ lệ thất nghiệp của ngành sư phạm và nâng cao vị thế của nghề giáo viên trong xã hội.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ rõ việc thực hiện quy hoạch đồng thời gắn liền với đổi mới phương thức đào tạo giáo viên theo “định hướng năng lực”, phải tạo điều kiện để các giáo viên tương lai rèn luyện trong 5 lĩnh vực hoạt động cơ bản: hoạt động trên lớp, hoạt động cấp trường; hoạt động ngoại khóa; các hoạt động liên quan đến việc tiếp xúc và hợp tác với các phụ huynh học sinh; các hoạt động liên quan đến việc tiếp xúc và hợp tác với cộng đồng. Đặc biệt, đề cao 5 lĩnh vực trách nhiệm của người giáo viên tương lai: Trách nhiệm với học sinh; trách nhiệm với xã hội; trách nhiệm với nghề nghiệp; trách nhiệm đối với việc hoàn thành tốt công việc; trách nhiệm đối với các giá trị cơ bản của con người.

Đi liền với sự đổi mới phương thức đào tạo cần phải có sự điều chỉnh phù hợp về cơ chế chính sách vị trí việc làm và chế độ làm việc phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và điều kiện giảng dạy phù hợp với những diễn biến thực tế trong đời sống, phòng chống dịch bệnh.

Ngọc Quang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cac-truong-su-pham-tren-toan-quoc-se-quy-hoach-theo-mo-hinh-nao-post216721.gd