Các trường sốt ruột chờ SGK mới

Dự thảo thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông đã được Bộ GD&ĐT công bố lấy ý kiến nhưng hiện nay các trường vẫn chưa tiếp cận được SGK mới.

Sáng 1-12, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông, lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trước khi ban hành để triển khai SGK cho chương trình mới từ năm học 2020-2021. Các góp ý gửi về bộ đến hết ngày 30-1-2020.

Hội đồng chọn SGK mỗi trường có đại diện phụ huynh học sinh

Theo dự thảo thông tư, tiêu chí lựa chọn SGK phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại các trường.

Hội đồng lựa chọn SGK do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập. Mỗi trường tiểu học, THCS, THPT thành lập một hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng.

Trong hội đồng lựa chọn SGK, ngoài cán bộ quản lý của cơ sở giáo dục còn có đại diện giáo viên dạy các môn học, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên. Người đã tham gia biên soạn, thẩm định SGK của các nhà xuất bản không được tham gia hội đồng.

Trên cơ sở đề xuất của hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông ban hành quyết định danh mục SGK được lựa chọn sử dụng trong cơ sở.

Cùng đó phải công bố công khai danh mục SGK được lựa chọn để sử dụng và niêm yết tại cơ sở trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là năm tháng.

Các đại biểu tham khảo các bộ SGK lớp 1 do NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập NXB Giáo dục Việt Nam tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Các đại biểu tham khảo các bộ SGK lớp 1 do NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập NXB Giáo dục Việt Nam tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Mong đượctiếp cận SGK càng sớm càng tốt

Liên quan đến vấn đề này, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 12 bày tỏ nội dung dự thảo thông tư chu đáo, dân chủ, khách quan và phù hợp với đặc thù vùng miền.

“Tuy nhiên, thực tế hiện nay các trường đều chưa tiếp cận được các bộ SGK thì làm sao có thể chọn lựa. Trong khi đó, theo dự thảo thông tư, các trường phải công bố công khai danh mục SGK được chọn lựa để sử dụng và niêm yết tại cơ sở trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất từ năm tháng. Các trường phải có sách thì mới có thể lập ra hội đồng, nghiên cứu để chọn lựa” - vị này nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo, quận 3, chia sẻ tới thời điểm này các trường vẫn chưa được tiếp cận các bộ SGK mới. Dù có dự thảo thông tư nhưng phải có SGK để nghiên cứu, thẩm định, so sánh mới chọn được bộ sách phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, chia sẻ dự thảo thông tư trên phù hợp với Nghị quyết 88 của Quốc hội và có lợi cho công việc dạy và học. Bởi từng cơ sở giáo dục, cụ thể là giáo viên sẽ nắm rõ ở từng môn học quyển sách nào có nội dung bài học, phương ngữ phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, vùng, miền mà học sinh dễ tiếp thu nhất. Tuy nhiên, để việc lựa chọn SGK có hiệu quả thì cần phải làm tốt các vấn đề sau.

Sở GD&ĐT từng địa phương cần có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện có hiệu quả thông tư của bộ; giám sát quá trình thực hiện của hội đồng chọn SGK ở cơ sở và theo dõi, giúp đỡ các cơ sở trong quá trình triển khai SGK đã chọn.

Thành viên từng hội đồng ở mỗi cơ sở phải phân công từng tổ/nhóm đọc hết các đầu SGK đã được hội đồng trung ương thẩm định để tư vấn cho hội đồng chọn được quyển SGK tốt nhất cho từng môn.

Học sinh chỉ mua quyển SGK được chọn; còn giáo viên thì cần đọc hết các quyển SGK của từng môn được thẩm định để có được bài giảng tốt nhất cho học sinh. Cuối cùng, một việc quan trọng là quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy theo SGK mới, vì SGK có hay nhưng giáo viên không được chuẩn bị tốt sẽ khó chuyển tải cái tốt đến học sinh.

SGK không mang tính pháp lệnh

Các trường cần tuyên truyền để người dân, cha mẹ học sinh và học sinh hiểu rằng SGK chỉ là tài liệu tham khảo chính - một tài liệu cụ thể hóa chương trình - không còn mang tính pháp lệnh như nhiều người nghĩ. Chỉ có chương trình khung từng môn mới là văn bản thống nhất trên toàn quốc. Nội dung các loại đề kiểm tra, đề thi các bậc học, cấp học phổ thông đều kiểm tra kiến thức theo chương trình thống nhất nên học sinh học theo SGK nào cũng có đủ kiến thức để làm bài.

Ông NGUYỄN VĂN NGAI, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Giáo viên phải đọc hết các bộ sách đã thẩm định

Năm bộ SGK được thẩm định bộ nào cũng có nét hay riêng, việc lựa chọn sách là quyền của đơn vị trường học. Sở GD&ĐT định hướng, các bộ SGK do Bộ GD&ĐT thẩm định, các trường phải mua cho tủ sách dùng chung và giáo viên phải đọc hết các bộ sách để tham mưu với hiệu trưởng trong việc lựa chọn sách. Từ đó mới quyết định chọn bộ sách nào trong năm bộ sách mà bộ đã công bố.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/cac-truong-sot-ruot-cho-sgk-moi-874193.html