Các trường được chọn SGK lớp 1: Quy trình ra sao?

Theo Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ 1-7-2020 quy định: UBND tỉnh, TP quyết định việc lựa chọn SGK mới. Nhưng dự kiến tháng 3-2020 các địa phương phải chọn xong SGK cho năm học mới. Chính vì vậy, năm học đầu tiên thay SGK lớp 1, UBND tỉnh, TP chưa có thẩm quyền chọn SGK, vậy việc quyết định chọn SGK lớp 1 sẽ giao cho ai và quy trình thực hiện như thế nào?

Chọn sách lớp 1 sẽ do các trường thực hiện

Sau ngày 1-7-2020, Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, thì “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn” (điểm c khoản 1 Điều 32).

Trong khi đó, việc tổ chức lựa chọn SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới để áp dụng cho năm học 2020 - 2021 phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trước tháng 3-2020 để các nhà xuất bản có SGK được chọn tổ chức in ấn, phát hành, tập huấn cho giáo viên sử dụng SGK, kịp thời phục vụ cho khai giảng năm học vào tháng 9-2020. Vì vậy, để việc tổ chức lựa chọn SGK được ổn định, thống nhất, bảo đảm thời gian cần thiết để các địa phương triển khai thực hiện, Chính phủ đề xuất cho phép thực hiện điểm c khoản 1 Điều 32 của Luật Giáo dục (sửa đổi) từ ngày 1-1-2020.

Vì thế, Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo dự thảo này, Hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục phổ thông do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập, giúp cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn SGK. Mỗi trường tiểu học, trường THCS, trường THPT thành lập 1 Hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 Hội đồng.

Hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) có SGK lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.

Kết quả của mỗi cuộc họp Hội đồng được ghi thành biên bản và được công khai tại cơ sở giáo dục phổ thông. Biên bản phải có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các ủy viên tham dự.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT thì: trước khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, việc lựa chọn SGK theo Nghị quyết 88 khác ở chỗ, một bên là việc lựa chọn SGK thuộc về nhà trường, một bên là UBND tỉnh. Vì vậy, sau khi ban hành thông tư hướng dẫn, các trường lựa chọn SGK theo Nghị quyết 88, Bộ tiếp tục hoàn thiện thông tư lựa chọn SGK trong năm tới theo Luật Giáo dục để có tính tiếp nối và kế thừa.

Việc chọn SGK lớp 1 năm 2020 được dự thảo sẽ do các trường thực hiện. Ảnh: T.F

Việc chọn SGK lớp 1 năm 2020 được dự thảo sẽ do các trường thực hiện. Ảnh: T.F

Quy trình lựa chọn SGK sẽ thế nào?

Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK, đề xuất với Hội đồng bằng văn bản danh mục lựa chọn SGK.

Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá đề xuất danh mục lựa chọn SGK của các tổ chuyên môn theo các nguyên tắc quy định và tiêu chí lựa chọn SGK do sở GD&ĐT địa phương quy định để bỏ phiếu lựa chọn SGK bằng hình thức bỏ phiếu kín; SGK được lựa chọn phải được trên 50% (năm mươi phần trăm) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn. Hội đồng tổng hợp kết quả thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các thành viên tham dự.

Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông ban hành quyết định danh mục SGK được lựa chọn sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai danh mục SGK được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông và niêm yết tại cơ sở giáo dục phổ thông trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là 5 tháng.

Tiêu chí lựa chọn SGK bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. GĐ Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể tiêu chí để lựa chọn SGK phù hợp với địa phương. Đến thời điểm này, ý kiến từ các một số trường cho rằng: Các giáo viên đang chờ bản mẫu SGK đã được phê duyệt, để có sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Việc tổ chức lựa chọn SGK phải đảm bảo các nguyên tắc: SGK thuộc danh mục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng; công khai, minh bạch, đúng pháp luật; sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông. SGK được lựa chọn phải đảm bảo các yêu cầu: Phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học; chọn đủ SGK cho các môn học, hoạt động giáo dục ở các khối lớp. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục chọn ít nhất 1 cuốn SGK.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cac-truong-duoc-chon-sgk-lop-1-quy-trinh-ra-sao-172366.html