Các trường Đại học Pháp tìm cách 'níu chân' sinh viên nước ngoài

Đại dịch Covid-19 khiến gần như mọi mặt của đời sống bị đình trệ, ảnh hưởng đến các kế hoạch của hàng triệu người trên thế giới, trong đó có cả các sinh viên dự định đi du học.

Để có thể duy trì được sự hấp dẫn với các du học sinh nước ngoài, các trường đại học ở Pháp cũng đã áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt khác nhau, như việc kết hợp các hình thức giảng dạy…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bên thiệt thòi nhất

Năm học 2020 khởi đầu có vẻ rất thuận lợi với các trường đại học ở Pháp. Trước đại dịch, số lượng sinh viên nước ngoài đăng ký học tại nước này tăng vọt tới hơn 20% so với năm trước đó. Với 358.000 sinh viên nước ngoài, Pháp nằm trong số 5 nước đứng đầu thế giới về du học sinh năm 2019, sau Mỹ, Anh, Australia và Đức.

Theo một ước tính, khoảng 5% du học sinh cấp đại học trên thế giới học tập tại Pháp. Các trường đại học ở nước này đặc biệt thu hút học sinh từ các nước châu Phi và nhiều nước láng giềng ở châu Âu. Về châu Á, sinh viên đến từ Trung Quốc là đông nhất, tiếp theo là Việt Nam, Ấn Độ...

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến mọi việc thay đổi hoàn toàn. Nhiều quốc gia phải tự phong tỏa, hàng loạt lĩnh vực bị tê liệt, trong đó có giáo dục đại học. Đối với nhiều sinh viên nói chung, việc du học nước ngoài trở thành một giấc mơ dang dở.

Các trường đại học ở Pháp cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng nặng nề. Từ cuối tháng 7/2020, một số chuyên gia dự đoán rằng vào kỳ khai trường của năm học mới, số lượng du học sinh tại Pháp có thể giảm 20% so với dự kiến. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tình hình có thể sẽ còn tệ hơn nhiều.

Bà Christine Fernandez (Hiệu phó phụ trách quốc tế của Đại học Poitiers) cho biết, dù các đại sứ quán của Pháp đều nỗ lực nhưng vẫn có nhiều khó khăn trong việc cấp visa. Giao thông hàng không cũng bị giảm đi nhiều. “Cũng có nhiều trường hợp sinh viên quyết định hủy kế hoạch du học ban đầu do lo sợ khả năng bị kẹt lại nếu họ đến Pháp vào đúng lúc xảy ra một đợt dịch thứ 2. Cũng có trường hợp chính một số đại học không cho phép các sinh viên đến nhập học”, bà Fernandez cho hay.

Còn ông Michael Hauchecorne thuộc mạng lưới các Hiệu phó phụ trách quan hệ quốc tế của các đại học Pháp cho hay, số sinh viên nước ngoài đến Pháp năm nay có thể giảm từ 25% đến 30%, phụ thuộc chủ yếu vào tình hình dịch bệnh tại quê hương của các sinh viên du học, đặc biệt là tình hình dịch bệnh tại châu Phi.

Theo một thăm dò của Đài quan sát Quốc gia về Đời sống Sinh viên của Pháp được tiến hành hồi tháng 6 và tháng 7 vừa qua, trong bối cảnh đại dịch, các sinh viên rơi vào tình cảnh khó khăn chung. Tuy nhiên, các sinh viên nước ngoài là bên thiệt thòi nhất trong cuộc khủng hoảng y tế này do phải xa cách gia đình; điều kiện sống và làm việc bấp bênh.

Sáng kiến giữ chân sinh viên

Để hóa giải tình hình này, cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Đại học Pháp đã công bố chiến lược giảng dạy đại học thời Covid cho sinh viên nói chung và sinh viên nước ngoài nói riêng. Nét chủ đạo trong phương án giảng dạy là kết hợp 2 phương thức học, bao gồm cả học tại chỗ và học từ xa, lấy giảng dạy tại chỗ làm cơ bản nhưng cũng đồng thời có thể linh hoạt theo tình hình dịch bệnh cụ thể và khả năng lựa chọn của mỗi cơ sở đào tạo.

Chiến lược giảng dạy đại học thời Covid-19 của Pháp gồm 4 kịch bản tổ chức học tập, từ học tập tại chỗ với các biện pháp cảnh giác phòng dịch tăng cường đến học tập từ xa tùy theo diễn biến của dịch.

Bộ trưởng Đại học Pháp Frédérique Vidal nhấn mạnh hiệu quả của việc kết hợp 2 phương thức học tập là tại chỗ và từ xa. “Trước đó, chúng tôi bắt đầu quá trình chuyển đổi trên phương diện giảng dạy, với nhiều dự án giảng dạy qua mạng do các cơ sở đào tạo thiết kế.

Với quyết định phong tỏa, mọi người đã bắt tay vào cuộc. Nhiều giảng viên ban đầu lưỡng lự nhưng về sau cũng đã phát hiện ra những lợi thế của việc giảng bài qua mạng cũng như việc thảo luận với sinh viên. Đó cũng là một phương thức để truyền thụ kiến thức”, bà nói.

“Tình hình hiện nay không ảnh hưởng đến mong muốn học tập ở nước ngoài các sinh viên. Chúng tôi không ghi nhận việc có ít hồ sơ đăng ký hơn so với các năm trước. Chúng tôi sẽ cố gắng để một sinh viên nước ngoài một khi đã được chấp nhận vào một cơ sở đào tạo của Pháp thì việc cấp thị thực nhập cảnh sẽ diễn ra gần như là tự động.

Trên thực tế, việc đi lại bằng đường hàng không khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, chúng tôi đã tạo điều kiện cho việc đào tạo từ xa. Có tổng cộng 7 khu đào tạo đại học nối mạng được mở ra tại các nước đối tác. Các sinh viên nước ngoài được bảo đảm rằng dù họ có thể không có mặt ngay vào thời điểm khai giảng nhưng họ vẫn sẽ có điều kiện đến Pháp sau đó”, bà Vidal cho biết thêm.

Ngoài ra, do được trao quyền tự quyết định nên mỗi trường đại học ở Pháp cũng có thể lựa chọn phương thức tiếp nhận sinh viên theo tiến độ riêng. Ví dụ, trường Kinh doanh Rennes tổ chức 10 đợt khai giảng khác nhau để bảo đảm việc tiếp đón sinh viên tuân thủ các quy định về phòng dịch. 55% trong số 4.500 học sinh của nhà trường là du học sinh nước ngoài. Người phụ trách quốc tế của trường cho biết, đa số sinh viên nước ngoài được lùi dịp khai giảng đến tận tháng 1 năm sau.

Giám đốc nhà trường Thomas Froehlicher cũng cho biết, các sinh viên có thể bắt đầu năm học mới bằng các buổi học từ xa và họ sẽ sang Pháp khi có đủ điều kiện. Với 20 phòng học được trang bị camera và micro, chương trình Elive của trường cho phép các sinh viên nước ngoài dự giờ từ xa nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả như khi họ nghe giảng trực tiếp tại giảng đường.

Học viện Khoa học Chính trị Paris cũng áp dụng 2 hình thức khai giảng, bao gồm phương thức tập trung và qua mạng internet. “Chúng tôi làm như vậy để duy trì sức thu hút của trường”, đại diện của trường cho hay. Học viện này cũng dự kiến sẽ vẫn đảm bảo thu hút được số sinh viên tương tự như năm học trước.

Trường Bách Khoa của Pháp cũng cho biết, trong năm học này, chiến lược của nhà trường là khuyến khích giảng dạy từ xa đối với các buổi học trên giảng đường lớn trong khi các lớp đào tạo với số lượng nhỏ và làm bài tập có hướng dẫn sẽ được tổ chức tại trường. Trường cũng ưu tiên nâng cấp các hình thức đào tạo qua mạng (e-learning) với nhiều phương pháp sư phạm mới

Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có nhiều sinh viên đã quyết định chấm dứt việc học tại Pháp do thất vọng vì điều kiện học tập thay đổi với việc học qua mạng là chủ yếu cùng với những khó khăn về tài chính, visa... “Với việc đồng tiền mất giá, học phí tăng cao, tôi thấy rằng trả một cái giá đắt đỏ cho cuộc sống tại Paris chỉ để theo học trên mạng thật không hợp lý”, một sinh viên người Brazil cho biết.

Hà Lê

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/cac-truong-dai-hoc-phap-tim-cach-niu-chan-sinh-vien-nuoc-ngoai-d136970.html