Các trường đại học chất lượng kém: Giải thể hay sáp nhập?

Hướng đến mục tiêu các trường đại học (ĐH) có thể bứt phá phát triển hoặc sáp nhập một số trường ĐH tạo nên những ĐH mạnh, Đề án tổ chức lại trường sư phạm sẽ trình Thủ tướng vào quý II; Đề án sáp nhập, giải thể ĐH công lập sẽ trình trong quý III/2019 đang nhận được sự quan tâm của xã hội.

Bài toán nâng cao chất lượng giáo dục ĐH đang được quan tâm.

Bài toán nâng cao chất lượng giáo dục ĐH đang được quan tâm.

Thừa số lượng, thiếu chất lượng

Theo thống kê năm 2017 của Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), nếu không tính các trường thuộc khối quốc phòng - an ninh, cả nước có 235 trường ĐH, học viện (170 trường công lập, 60 trường tư thực và dân lập, 5 trường 100% vốn nước ngoài), 37 viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, 32 trường cao đẳng (CĐ) sư phạm và 2 trường trung cấp (TC) sư phạm.

Nhiều chuyên gia giáo dục đã chỉ ra thực trạng đào tạo, quản lý trường ĐH còn có những bất cập. Chất lượng đào tạo, đóng góp xã hội cũng còn hạn chế. Con số trên 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp cũng là điều đáng phải suy nghĩ.

Đặc biệt, khi số trường được nâng cấp từ CĐ lên ĐH, Học viện quá nhiều trong một thời gian ngắn trong khi gánh nặng ngân sách không thể chi trả đặt ra yêu cầu phải sáp nhập hoặc giải thể để hoạt động chất lượng hơn.

Trong tình hình đó, vấn đề quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đã được đặt ra, trong đó có xu thế sáp nhập các trường ĐH đã được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH vừa được Quốc hội thông qua. Trước đó, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã nhấn mạnh: “Đối với giáo dục ĐH: Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường ĐH, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường ĐH… Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường ĐH công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế”.

Một nghiên cứu thuộc chương trình khoa học và công nghệ quốc gia do Bộ GDĐT chủ trì đã được tiến hành và đang trong quá trình hoàn thiện. PGS.TS Hoàng Minh Sơn- Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chủ nhiệm đề tài “Cơ sở khoa học của quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam” cho biết: Qua thu thập những dữ liệu quan trọng về nhiều mặt hoạt động của 217/235 trường, cả công lập và tư thục, nghiên cứu đã cho thấy trong bức tranh giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay, vẫn còn khá nhiều trường thiếu thốn về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, chất lượng và hiệu quả hoạt động kém.

“Nhiều trường có quy mô nhỏ (dưới 5.000 sinh viên) hoặc rất nhỏ (dưới 2.000 sinh viên) hoạt động không hiệu quả. Đây là hệ quả của giai đoạn số lượng trường tăng nhanh trong khi nguồn lực (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên) không tăng kịp”- PGS Sơn nhận xét.

Không phải cứ yếu kém là giải thể ngay

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội, Bộ đã xây dựng dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và đào tạo giáo viên với cách tiếp cận dựa trên chuẩn chất lượng (chuẩn trường ĐH, chuẩn trường sư phạm), sau đó sẽ rà soát và lên phương án tiếp tục đầu tư trọng tâm để phát triển thành trường hàng đầu trong hệ thống. Việc sáp nhập hoặc giải thể sẽ được đặt ra đối với cơ sở đạt chuẩn theo từng mức độ. Bộ GDĐT cũng định kỳ công khai kết quả kiểm định chất lượng trên Cổng thông tin, yêu cầu các trường báo cáo tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm, tạo cơ sở cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo các chuyên gia, trên thực tế, lựa chọn giải thể với các đơn vị công là rất khó. Chỉ còn 2 hình thức là sáp nhập, hoặc một trường nhỏ trở thành phân hiệu của trường lớn; hoặc 2-3 trường ghép vào với nhau thành 1 trường… Nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể. Hàng loạt vấn đề cần phải tính đến như nhân sự, lộ trình chuẩn hóa, lương bổng, cơ sở vật chất… Đó là chưa kể rất nhiều trường đang trực thuộc các bộ ngành khác nhau… Cái nào cũng khó khăn, không dễ tìm được sự đồng thuận từ các cơ sở giáo dục. Chính vì vậy, một chuyên gia đề xuất trước hết không thể thực hiện việc sáp nhập theo kiểu cơ học mang tính hành chính mà phải xem xét về tính phù hợp và quan trọng là nhu cầu tự thân của các trường. Chỉ khi có sự tự nguyện, hiểu để cùng thực hiện thì việc này mới có thể thuận lợi tiến hành.

Trong khi đó, PGS Sơn cho biết nghiên cứu đã đề xuất bộ tiêu chí phân loại, đánh giá chất lượng, hiệu quả các trường từ các góc độ: Điều kiện đảm bảo chất lượng (bao gồm cơ sở vật chất, tài chính và con người); Chất lượng, hiệu quả đào tạo; Nghiên cứu; Hợp tác kết nối cộng đồng (bao gồm đóng góp cho xã hội, hợp tác quốc tế); và Năng lực quản trị. Theo đó, các trường được phân thành 4 mức: Không đạt; Đạt tối thiểu; Đạt khá; Đạt cao.

Từ đó, nghiên cứu đề xuất, các trường không đạt chuẩn tối thiểu sẽ cùng cơ quan chủ quản xây dựng đề án và chọn phương án sắp xếp, tái cấu trúc để cải thiện hoạt động. Khẳng định “không phải hễ không đạt thì sáp nhập hay giải thể ngay”, PGS Sơn đưa ra 4 phương án khác nhau để các trường lựa chọn tùy từng điều kiện cụ thể…

Một mùa tuyển sinh ĐH, CĐ nữa đang đến gần. Trong khi nguồn tuyển sinh được đánh giá là không thiếu nhưng liệu kịch bản có lặp lại giống các năm trước khi nhiều trường “trắng” thí sinh, phải tuyển bổ sung đến cả đợt 2, đợt 3 vẫn chưa đủ chỉ tiêu? Bài toán nâng cao chất lượng giáo dục ĐH theo hướng sáp nhập các trường để phát triển thành ĐH mạnh được đặt ra với nhiều kỳ vọng nhằm thay đổi bức tranh giáo dục ĐH trong nước.

Lam Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/cac-truong-dai-hoc-chat-luong-kemgiai-the-hay-sap-nhap-tintuc438177