Các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe sẽ ra sao sau khi chuyển về Bộ Công an?

Sau nhiều ý kiến trái chiều, Luật Giao thông đường bộ vẫn được tách thành hai dự án luật mới để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp gần nhất và việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) sẽ do Bộ Công an phụ trách.

Theo Bộ Công an, tới đây, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe tiếp tục được xã hội hóa. Ảnh: PV

Theo Bộ Công an, tới đây, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe tiếp tục được xã hội hóa. Ảnh: PV

Nhiều giáo viên dạy lái xe lo thất nghiệp

Trong văn bản gửi Bộ Công an để hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đối với vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Bộ GTVT đã thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội phương án 1. Cụ thể, phương án này nêu rõ vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Theo các Bộ Công an, Bộ GTVT và Bộ Tư pháp phương án này sẽ đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp các chuẩn mực quốc tế.

Như vậy, việc Bộ Công an quản lý về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX chỉ là vấn đề thời gian. Câu hỏi đặt ra là 333 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và máy kéo đến 1.000kg cùng 133 trung tâm sát hạch lái xe thuộc các bộ, ngành và địa phương sẽ được quản lý, hoạt động theo mô hình nào?.

Một giáo viên của Trung tâm đào tạo lái xe Sao Bắc Việt (Hà Nội) chia sẻ, anh và nhiều đồng nghiệp dạy lái xe rất quan tâm tới việc mô hình đào tạo, sát hạch và cấp GPLX tới đây có nhiều thay đổi không? Bởi lẽ, phần lớn các anh tự mua xe góp vào trung tâm, học viên đến với anh chủ yếu qua quen biết cá nhân, làm hồ sơ rồi nhờ anh nộp cho trung tâm, sau đó vẫn do anh trực tiếp hướng dẫn. Nếu tới đây các trung tâm trực tiếp do Bộ Công an quản lý, những giáo viên không thuộc biên chế nhà nước như anh có đứng trước nguy cơ thất nghiệp?

"Lĩnh vực sát hạch thi bằng lái bản chất là lĩnh vực dân sự, do vậy chúng tôi mong rằng khi chuyển quản lý từ Bộ GTVT sang Bộ Công an thì cần tính toán kỹ đến các bên bị tác động cắt giảm biên chế, nhân sự. Với công nghệ thông tin phát triển như hiện nay từ hệ thống dữ liệu liên thông từ cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm, xử phạt… thì các Bộ có thể phối hợp với nhau để góp phần cải cách hành chính cũng như nâng cao được chất lượng sát hạch giấy phép lái xe", giáo viên này bày tỏ.

Thống kê từ Bộ GTVT cho thấy, toàn quốc có trên 1.655 sát hạch viên, trong đó có 589 là giáo viên tại các cơ sở đào tạo được cấp thẻ sát hạch viên (không trong biên chế Nhà nước); Tổng cục Đường bộ và các Sở GTVT có 1.066 người. Các sát hạch viên đều kiêm nhiệm công việc khác, không có biên chế riêng. Hiện chỉ có 650 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại 64 đầu mối gồm: Vụ Quản lý phương tiện và người lái thuộc Tổng cục Đường bộ cùng 63 phòng thuộc Sở GTVT các địa phương. Trong đó, có 600 người được cấp thẻ sát hạch viên.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo lái xe

Dư luận kỳ vọng việc chuyển đào tạo, sát hạch lái xe từ Bộ GTVT về Bộ Công an sẽ ngăn chặn được tiêu cực và giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ.

Bàn về phương án để giải quyết công ăn việc làm cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch GPLX sau khi Bộ Công an tiếp nhận lĩnh vực này, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết: "Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ những tác động khi chuyển giao nhiệm vụ. Về biên chế có 650 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại 64 đầu mối gồm: Vụ Quản lý phương tiện và người lái thuộc Tổng cục Đường bộ cùng 63 phòng thuộc Sở GTVT các địa phương sẽ được bố trí lại nhiệm vụ. Còn đối với tổ chức bộ máy của Bộ Công an đã được phân thành 4 cấp (bộ, tỉnh, huyện, xã) trong đó đã bố trí cán bộ làm công tác đăng ký và quản lý phương tiện theo 3 cấp (bộ, tỉnh, huyện) gồm 780 đầu mối nên chỉ thêm nhiệm vụ, không tăng biên chế, hoàn toàn đủ điều kiện tiếp nhận công việc chuyển giao từ 64 đầu mối của ngành GTVT".

Về lo ngại của một số đại biểu Quốc hội khi hàng trăm cơ sở đào tạo lái xe sẽ "đi đâu" và việc Bộ Công an sẽ mở trường đào tạo lái xe như thế nào? Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh: "Không có chuyện Bộ Công an sẽ mở trường đào tạo lái xe. Các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch vẫn thực hiện nhiệm vụ như hiện nay và không "đi đâu". Theo đó, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe tiếp tục được xã hội hóa mạnh mẽ, đảm bảo cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch được tự chủ về hoạt động, đáp ứng yêu cầu xã hội, đúng quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Người dân được tự do lựa chọn về đào tạo, sát hạch, được công khai, minh bạch, công bằng, tiết kiệm được thời gian; Việc tổ chức thực hiện cấp, cấp đổi, cấp lại GPLX sẽ thực hiện đến Công an cấp xã đảm bảo nhanh gọn.

Cũng theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, đối với cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện, hiện nay, Bộ Công an đã được đầu tư, trang bị hệ thống phần mềm đăng ký, quản lý phương tiện bố trí tới cấp huyện, phần mềm in và quản lý GPLX của ngành Công an tại Cục CSGT và Công an 63 địa phương, do đó khi tiếp quản hệ thống quản lý của Bộ GTVT sẽ chủ yếu kết nối, đồng bộ hóa phần mềm ứng dụng sử dụng, không gây tốn kém lớn về chi phí, không gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển giao và triển khai thực hiện.

Một số ý kiến khác cũng cho hay, xử lý hành vi vi phạm về giao thông và công tác cấp, sát hạch GPLX cần có thông tin cơ sở dữ liệu về con người. Hiện nay, Bộ Công an đang tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về công dân nên công an có thông tin xử lý ngay từ đầu dễ dàng hơn khi vi phạm giao thông cũng như thông tin liên quan đến GPLX. Được biết, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV lần này sẽ cho ý kiến lần đầu về các dự luật trên, đến phiên đầu tiên Quốc hội khóa mới 2021- 2025 mới tiến hành biểu quyết.

Mỗi năm có gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến nay, ở Việt Nam đã xảy ra 334.901 vụ tai nạn giao thông, làm chết 101.810 người (trung bình mỗi năm có gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động), bị thương 336.094 người. Nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông là chủ yếu, chiếm trên 90% số vụ. So với thế giới, tai nạn giao thông Việt Nam đang ở mức cao.

Cục CSGT cho rằng, công tác quản lý đào tạo lái xe hiện đang bị buông lỏng, không thực hiện hoặc kiểm soát thường xuyên, dẫn tới nhiều học viên bị "hổng" kiến thức nhưng vẫn được cấp GPLX. Chính vì vậy tại Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới, Bộ Công an đề xuất trong trường hợp tai nạn giao thông xảy ra, ngoài trách nhiệm chính thuộc về tài xế thì trung tâm và thậm chí cả giáo viên đào tạo ra tài xế đó cũng phải có trách nhiệm.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cac-trung-tam-dao-tao-sat-hach-lai-xe-se-ra-sao-sau-khi-chuyen-ve-bo-cong-an-20201012152216284.htm