Các trại di cư ở Italia: Nơi những giấc mơ vụn vỡ

Khi bắt đầu đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Nội vụ Italia hồi tháng 7, ông Matteo Salvini đã làm rõ một điều: Khoảng thời gian tốt đẹp đối với những người xin tị nạn và di cư đã qua. Tuy nhiên, quãng thời gian đẹp đẽ đó chưa bao giờ tồn tại ở San Ferdinando, khu trại của người di cư thuộc phía Nam Italia.

Dòng người ly hương chạy trốn khủng hoảng ở Venezuela Mỹ đẩy mạnh truy quét lao động nhập cư bất hợp pháp

Đây từng là nơi sinh sống của Sacko Soumayla đến từ Mali (quốc gia ở Tây Phi), người luôn nỗ lực đấu tranh cho quyền lợi của những lao động nhập cư. Người đàn ông 29 tuổi đã thiệt mạng do bị bắn vào đầu trong lúc đang tìm kiếm vật liệu sửa chữa nơi ở tạm thời.

San Ferdinando có khoảng 1.000 người di cư, sinh sống trong 400 căn lều được làm từ kim loại, gỗ và nhựa. Những nơi ở tạm bợ này nóng như thiêu đốt vào mùa hè và lạnh tê tái trong suốt mùa đông. Theo The Guardian, phần lớn những người cư trú tại đây đến từ châu Phi hạ Sahara (thuật ngữ địa lý chỉ các quốc gia châu Phi nằm một phần hay hoàn toàn ở phía Nam Sahara). Họ bị nhìn nhận như “những nô lệ mới”, buộc phải lao động với mức thu nhập rẻ mạt dưới 2 euro/giờ tại các trang trại sản xuất nông nghiệp...

Nhiều người di cư tìm đến miền đất hứa châu Âu, trong đó có Italia, với hy vọng đổi đời nhưng thực tế không như kỳ vọng. Ảnh: Sean Smith

Hình thành từ năm 2010, số lượng căn lều tại San Ferdinando gia tăng nhanh chóng do người di cư về đây và nay đã trở thành một khu ổ chuột tồi tàn. Một số người kiếm sống với nghề sửa chữa xe đạp, trong khi số khác kinh doanh thịt hoặc mở quán rượu. Cuộc sống tại đây thật sự buồn tẻ vì không có điện.

Là một trong số nhiều người di cư, Thierno đến từ Senegal đã sống tại San Ferdinando từ năm 2015. Anh có vợ nhưng đã mất sau khi sinh con, con gái anh phải ở với bà nội tại quê nhà. Trong nhiều năm qua, Thierno đã cố gắng sửa chữa căn lều tạm bợ thành ngôi nhà theo quan niệm riêng. Anh đã xây một chiếc cổng có mái che ngay lối ra vào, hay tìm kiếm vật liệu từ bãi rác gần đó để trang bị cho nơi ở, như sử dụng ghế ô tô làm sofa...

Thierno (phải) và người bạn tại căn lều của mình ở khu trại San Ferdinando. Ảnh: Sean Smith

Căn lều của Thierno cũng là địa điểm tụ tập dành cho các bạn anh, những người thường trở về vào chiều muộn sau một ngày lao động mệt nhọc trên các cánh đồng. Với khoảng thời gian ít ỏi, họ chỉ kịp hút vài điều thuốc và trao đổi về tình hình mỗi người. Những điều thường được đưa ra bàn luận là khi nào giới chức Italia xem xét những lá đơn xin tị nạn của họ.

Người đàn ông gốc Senegal cũng cho biết, giới chức Italia vài năm trước đã quyết định công nhận San Ferdinando là nơi cư trú chính thức – một ý tưởng nhằm ngăn những người di cư như Thierno tràn vào các thành phố. Tuy nhiên, San Ferdinando sau đó đã biến thành một khu ổ chuột, nơi hằng năm tiếp tục trở thành điểm đến của di dân.

Cuộc sống thời điểm hiện tại không giống như những gì Thierno và bạn bè hằng mơ ước. Điều khó khăn hơn cả là phải thừa nhận với gia đình nơi quê nhà rằng những giấc mơ của họ đã vỡ vụn.

Khi màn đêm buông xuống, thời điểm những đống lửa nhỏ lan tỏa ánh sáng trong các căn lều, cũng là lúc những người di cư gọi điện thông báo tình hình cho người thân. Asuma Yaw, người sống cạnh Thierno, đã rời Ghana năm 2015 với kỳ vọng tìm được việc làm tại châu Âu để có thể trả tiền cho con gái đang học đại học.

Asuma Yaw đợi cuộc gọi từ vợ và con gái. Người đàn ông 45 tuổi rời quê hương cách đây 3 năm để tới Italia với hy vọng kiếm tiền đóng học cho con gái. Ảnh: Sean Smith

“Tôi ra đi vì con gái, cũng là niềm hy vọng duy nhất. Tôi sẽ phải nói gì nếu một ngày con gái muốn đến châu Âu. Tôi sẽ nói rằng, phải có giấy tờ nếu không muốn rơi vào cái bẫy như thế này (ám chỉ nạn buôn người-PV)”, người đàn ông 45 tuổi giãi bày.

Vấn đề của Asuma Yaw cũng là tình trạng nhiều người di cư phải đối mặt. Tại vùng Sicily, một nhóm khoảng 15 người di cư đang sống trong một nhà máy ở khu ngoại ô gần thị trấn Campobello di Mazara. Họ được giới chức Italia giải cứu trong cuộc đột kích hồi tháng 5 vừa qua, nhằm vào một khu trại trái phép, nơi các lao động nhập cư bị buộc làm việc trong điều kiện không an toàn. Sau khi được giải thoát, những lao động nhập cư này đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương cho phép thuê nhà ở xã hội. Tuy nhiên, “cánh cửa” chưa bao giờ mở ra với họ.

Những lao động nhập cư thường làm việc cho các trang trại địa phương với tiền công rẻ mạt, đôi lúc chỉ nhận được 1 euro/giờ. Ảnh: Sean Smith

The Guardian cho biết, Italia trong 3 năm vừa qua đã phá hủy nhiều khu trại lao động nhập cư trái phép, trong đó có một trại lớn nhất châu Âu với quy mô lên đến 3.000 người. Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nước này, các trại trái phép mới vẫn tiếp tục hình thành... Bởi không có những người nhập cư này, nền nông nghiệp Italia có thể sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.

Các trại di cư ở Italia: Nơi những giấc mơ vụn vỡ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/917233/cac-trai-di-cu-o-italia-noi-nhung-giac-mo-vun-vo