Các trách nhiệm nhà sản xuất pate Minh Chay có thể gánh

Nếu cơ quan tố tụng không 'cột' được trách nhiệm hình sự thì nhà sản xuất phải bồi thường cho người tiêu dùng theo pháp luật dân sự.

Vụ việc sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới (gọi tắt là công ty) có vi khuẩn Clostridium botulinum làm hàng chục người bị ngộ độc, phải nhập viện, phát sinh nhiều vấn đề pháp lý.

Vậy công ty này phải chịu các loại trách nhiệm pháp lý nào?

Hình sự: Phải chờ kết luận điều tra

Theo TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM: Dựa vào kết luận của các cơ quan y tế thì nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm trong vụ việc trên là do trong sản phẩm pate Minh Chay của công ty có vi khuẩn yếm khí gây độc tố Clostridium botulinum cho người sử dụng.

Do đó, việc đầu tiên là cơ quan chức năng cần phải điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc pate nhiễm khuẩn từ khâu nào: Nguyên liệu đầu vào, sản xuất, đóng gói, bảo quản, vận chuyển, sử dụng…? Trên cơ sở đó sẽ biết được công ty có hành vi vi phạm nào về pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP). Từ đó mới có thể xác định việc gây ngộ độc này sẽ bị xử lý hình sự hay hành chính.

Theo quy định tại Điều 317 BLHS về tội vi phạm quy định về ATTP thì việc gây ngộ độc của công ty muốn xử lý hình sự cần phải làm rõ công ty có các hành vi vi phạm được liệt kê tại khoản 1 điều luật này.

Chẳng hạn, công ty có chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về ATTP... để dẫn đến nhiễm khuẩn.

“Những vi phạm chi tiết này nếu không dựa vào kết quả điều tra một cách chi tiết, cẩn trọng và chỉ ra vi phạm cụ thể tại văn bản pháp luật nào về ATTP thì không thể kết luận việc gây ngộ độc của công ty vi phạm pháp luật hình sự” - TS Phan Anh Tuấn nói.

Hậu quả của vụ ngộ độc đến thời điểm này là hàng chục người bị ngộ độc, trong đó có nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe. Dấu hiệu về hậu quả của vụ ngộ độc có thể xử lý hình sự nếu chứng minh được hành vi vi phạm quy định về ATTP được liệt kê tại khoản 1 Điều 317 BLHS.

TS Phan Anh Tuấn phân tích thêm: Nếu chứng minh được nguyên nhân gây nhiễm khuẩn có liên quan đến quá trình sản xuất, phân phối... của công ty nhưng hành vi gây nhiễm khuẩn đó không được liệt kê tại khoản 1 Điều 317 BLHS thì không xử lý người có trách nhiệm về tội này.

Khi đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà những người này có thể bị xử lý về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 138 BLHS), hoặc tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 139 BLHS).

Một số ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng yêu cầu công ty ngừng sản xuất pate Minh Chay từ ngày 20-8 nhưng công ty này vẫn kéo dài thời gian sản xuất đến ngày 28-8. Về vấn đề này, TS Phan Anh Tuấn nói: Hành vi này do chưa xác định chính xác hậu quả nên chỉ bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định số 115/2018 (quy định xử phạt về ATTP).

Bộ Công an tiếp tục điều tra

Bộ Công an chỉ đạo giao cho Công an TP Hà Nội chủ trì xử lý vụ việc, tập hợp báo cáo. Trong đó, yêu cầu phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội trực tiếp chỉ đạo để làm rõ vụ việc... Nếu có đủ căn cứ thì khởi tố vụ việc để điều tra, nếu chưa đủ căn cứ để khởi tố thì tiến hành các thủ tục tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm để kiến nghị.

Bộ Công an tập trung xác minh làm rõ các vi phạm trong quy trình nếu có như khâu mua nguyên liệu đầu vào, sản xuất, đóng gói, bảo quản, vận chuyển. Bộ cũng trao đổi phối hợp với Cục ATTP Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục làm rõ về nguyên nhân ngộ độc, các vi phạm và các nguyên nhân dẫn đến hậu quả như trên.

Thiếu tướng Tô Ân Xô thông tin tại buổi họp báo Chính phủ

thường kỳ chiều 4-9

Dân sự: Công ty phải bồi thường toàn bộ

Về trách nhiệm dân sự trong trường hợp người tiêu dùng (NTD) bị ngộ độc thực phẩm, ThS Huỳnh Thị Nam Hải (giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) cho biết: Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 (Luật BVQLNTD) quy định rõ NTD được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Cạnh đó, khoản 1 Điều 9 Luật ATTP 2010 quy định NTD được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra. Đồng thời, Điều 3 và Điều 53 Luật ATTP cũng quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, tổ chức (hoặc cá nhân) cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự (khoản 1 Điều 584 BLDS).

Mặt khác, Điều 608 BLDS quy định về bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của NTD cũng quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho NTD thì phải bồi thường”.

“Như vậy, nếu có kết luận chính thức từ phía cơ quan chức năng xác định công ty có sản phẩm pate Minh Chay không đảm bảo yêu cầu về ATTP thì các nạn nhân bị ngộ độc có quyền yêu cầu công ty bồi thường thiệt hại thực tế theo nguyên tắc được quy định tại Điều 585 BLDS. Các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc bồi thường. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết” - ThS Nam Hải nói.

Lãnh án vì cố ý rửa củ cải bằng hóa chất

Ngày 11-3, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm một năm sáu tháng tù đối với Bùi Văn Sáng (SN 1983) về tội vi phạm các quy định về ATTP.

Theo hồ sơ, ngày 13-4-2018, cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện cơ sở chế biến nông sản do Sáng làm chủ ở phường Tam Bình (quận Thủ Đức, TP.HCM) đang rửa thực phẩm bằng hóa chất. Tháng 11-2017, Sáng thuê ba người mua hóa chất (Na2SO4) để rửa và ngâm củ cải cho khách, giá rửa 1 kg củ cải là 500 đồng. Mỗi muỗng cà phê hóa chất rửa được 50 kg củ cải. Mỗi ngày cơ sở của Sáng dùng hóa chất ngâm 7-8 tấn củ cải, thu lợi 3,5-4 triệu đồng.

Thời điểm bị phát hiện, cơ sở của Sáng đã rửa 3,1 tấn củ cải bằng hóa chất sodium dithionete và sodium sulfate là hai chất nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Ngày 1-11-2019, TAND quận Thủ Đức xử sơ thẩm tuyên phạt Sáng một năm sáu tháng tù

Tại tòa, Sáng khai rửa củ cải bằng hóa chất để cho rau củ sáng, sạch, bản thân cũng có ăn những rau củ này. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận lời giải thích này.

HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng, vi phạm quy định của Nhà nước, gây mất trật tự xã hội, cấp sơ thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội. Bị cáo từng bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng lại không chấp hành nộp phạt, tiếp tục sử dụng hóa chất cấm để kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm.

MINH CHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/cac-trach-nhiem-nha-san-xuat-pate-minh-chay-co-the-ganh-936787.html