Các tôn giáo tích cực chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Thời gian qua, vai trò của nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo bước đầu đã được phát huy trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần và vận động hiến tặng mô, tạng...

Sư thầy Thích Nữ Diệu Nhân (chùa Hà Tiên, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) thăm khám cho bệnh nhân.

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, hằng năm Bộ Y tế và UBTƯ MTTQ Việt Nam đều ký kết các văn bản, chương trình để phối hợp triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe trong toàn quốc, nhằm phát huy vai trò và những thành quả đã đạt được của các tôn giáo trong công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Sở y tế và các cơ quan chính quyền ở các địa phương đều rất quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ cho việc khám chữa bệnh, hỗ trợ việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý tại các phòng khám chữa bệnh của các tôn giáo. Nhìn chung các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc các tổ chức tôn giáo đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về đăng ký hoạt động, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh...

Có thể thấy các mô hình, tổ chức cá nhân tiêu biểu hoạt động tích cực trong thời gian qua như: Phòng khám đa khoa từ thiện chùa Hà Tiên, xã Định Trung, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã khám và cấp thuốc miễn phí trên 400 triệu đồng từ năm 2015-2017. Tổ chức khám kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các cháu trường mầm non trên địa bàn TP Vĩnh Yên, lập hồ sơ theo dõi định kỳ cho 690 cháu. Điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền cho hàng ngàn người cao tuổi trong 2 năm 2016, 2017 với kinh phí thực hiện là 350 triệu đồng…

Bên cạnh đó, Phòng khám đa khoa Nhân Đạo Kinh 7, xã Thạnh Đông A - Huyện Tân hiệp, tỉnh Kiên Giang khám chữa trị cho hơn 200 bệnh nhân đến từ khắp các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, và từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk… và bà con kiều bào. Phòng khám không phân biệt lương giáo, dân tộc, giai cấp, nuôi ăn ở bệnh nhân và nuôi gần 500 người mỗi ngày. Nơi đây phục vụ theo tinh thần: Thầy thuốc lấy y đức làm nhân bản - Lấy bệnh nhân làm trung tâm - Lấy xã hội để phục vụ - Lấy khoa học làm nền tảng, và lấy lời Bác trong thư gửi cán bộ y tế ra thực hành “Phải coi bệnh nhân như người nhà ruột thịt của mình”, và tinh thần Đại đoàn kết dân tộc của Cương lĩnh MTTQ Việt Nam.

Phòng khám Nội Nhân Đạo Xuân Hòa huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai mỗi ngày tiếp nhận khoảng từ 40 đến 150 bệnh nhân, trung bình mỗi năm tiếp nhận khoảng 9.000 bệnh nhân. Khám chữa bệnh và phát thuốc hoàn toàn miễn phí phục vụ chủ yếu: Bệnh nhân nghèo, người già neo đơn, khuyết tật, người ở nhà trọ, những người lang thang cơ nhỡ, hoàn cảnh khó khăn. Phòng khám còn thực hiện công tác tư vấn, chữa trị các bệnh xã hội, hỗ trợ người nhiễm HIV, hỗ trợ cai nghiện ma túy, thuốc lá và tổ chức các đoàn đi khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa 2 lần/1 năm. Số tiền chi trong năm 2018 là hơn 1 tỷ đồng do Tòa Giám Mục của giáo phận gửi tặng và 121.019.000 đồng do các ân nhân gần xa tặng Phòng khám.

Phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh Đường chùa Kỳ Quang II, quận Gò Vấp, TP HCM đã khám và chữa trị miễn phí cho bệnh nhân trong cả nước , kể cả bệnh nhân từ nước ngoài với nhiều loại bệnh. Đặc biệt tư vấn, hỗ trợ chăm sóc và điều trị miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS bằng nguồn thảo dược thiên nhiên của Việt Nam. Trong năm 2018, có gần 82.000 bệnh nhân đến khám và điều trị; trong đó có trên 200 lượt bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Với gần 25.000 kg thuốc các loại, tổng trị giá trên 13 tỷ đồng. Qua thực hiện tốt hoạt động, Y sư Nguyễn Viết Sô đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và các ngành Thành phố tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh Đường chùa Kỳ Quang II được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3.

Phòng chẩn trị Nam Y hảo thí Hưng Minh Tự, phường 10, Quận 6, TP HCM không chỉ khám và điều trị, Phòng chẩn trị còn có một kho thuốc nam với đủ loại dược liệu. Hằng ngày, sau khi kết thúc buổi thăm khám, các cư sĩ và thầy thuốc lại cùng nhau phân loại rồi chế biến thuốc. Trong năm 2018, Phòng chẩn trị Nam Y hảo thí Hưng Minh Tự khám, châm cứu, điều trị và cấp thuốc cho gần 86.000 lượt bệnh nhân với tổng số tiền trên 860 triệu đồng.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh, các vị chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo cùng các tín đồ đã nhiệt tình, tích cực, có những mô hình hoạt động hay, thiết thực và đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng các cấp tổ chức thực hiện và duy trì thường xuyên liên tục các hoạt động nhân đạo - từ thiện trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, không phân biệt thành phần tín ngưỡng cũng đã góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, công tác an sinh xã hội tại địa phương trong thời gian qua.

Cùng với đó, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh được đảm bảo từ nguồn tự chủ và sự đóng góp của các nhà hảo tâm, đội ngũ thầy thuốc có nhiều cố gắng trong việc kế thừa, phát huy kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực y học cổ truyền, kết hợp với tây y trong khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là người nghèo vùng nông thôn, được nhân dân tín nhiệm.

* Ngày 19/1, tại TP HCM, Bộ Y tế phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần... nhằm báo cáo tình hình, kết quả hoạt động của các tôn giáo tham gia công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng ở nước ta hiện nay.

Dịp này, Bộ Y tế, UBTƯ MTTQ Việt Nam biểu dương cơ sở trực thuộc các tổ chức tôn giáo và các cá nhân tiêu biểu trong tôn giáo có nhiều thành tích trong tham gia chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hội nghị cũng sẽ thảo luận, bàn giải pháp để các tôn giáo tiếp tục phát huy vai trò trong việc tham gia chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng trong thời gian tới.

Hạnh Nhân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ton-giao/cac-ton-giao-tich-cuc-cham-soc-suc-khoe-cong-dong-tintuc427989