Các tôn chỉ của thiên tài quân sự

Là một nhân vật đa tài nhưng không thể phủ nhận Napoleon Bonaparte được biết đến và được quan tâm nhiều nhất trong vai trò một trong những thiên tài quân sự xuất sắc nhất từng được biết đến trong lịch sử nhân loại.

Vào cuối năm 1816, một chiếc tàu hiếm hoi rời khỏi hòn đảo heo hút Saint Helene nằm trơ trọi giữa muôn trùng sóng nước Thái Bình Dương chở theo trên boong của nó một vị khách đặc biệt, Emmanuel, bá tước de Las Cases, một trong những người đồng hành chịu cảnh lưu đày với Napoleon Bonaparte, vị cựu hoàng đế thất thế từng vang bóng một thời. Trong hành lý Las Cases mang theo trong chuyến hải hành sẽ đưa ông tới mũi Hảo Vọng, chặng đầu tiên trong cuộc hành trình dài dằng dặc quay lại châu Âu, có những tập bản thảo viết tay, kết quả của những ngày tháng Napoleon đọc cho Las Cases chép lại những hồi ức, nhận định của ông về các chiến dịch trong binh nghiệp lừng danh ông đã trải qua.

Để rồi đến năm 1823, hai năm sau khi cựu hoàng đế qua đời, Las Cases cho xuất bản Le memorial de Saint-Helene, một tác phẩm bán chạy kỷ lục và đem về cả gia tài cho tác giả của nó, đồng thời cũng khơi dậy sự quan tâm rộng khắp cho các tác phẩm có liên quan tới Napoleon Bonaparte, nhân vật có một không hai trong lịch sử châu Âu và thế giới, người đã chỉ trong một thời gian ngắn làm cho châu Âu thay đổi theo chiều hướng không thể nào đảo ngược được. Thậm chí ngay cả ở nước Anh, kẻ thù dai dẳng và quyết liệt nhất của Napoleon, các tác giả cũng say sưa tìm hiểu và viết về kẻ cựu thù trứ danh, như bộ tiểu sử đồ sộ về Napoleon được Walter Scott xuất bản năm 1827.

Người ta tìm hiểu, nghiên cứu, viết và xuất bản về Napoleon nhiều tới mức khó tin, và từ nhiều góc độ, chủ đề từ tổng quan tới cụ thể, từ cả sự nghiệp tới một biến cố hay một trận đánh cụ thể... Trong cả binh nghiệp dài đầy biến động với đủ cung bậc từ những chiến thắng oanh liệt như Austerlitz, Friedland cho tới những thảm bại ghê gớm như trận Leipzig hay chiến dịch Nga, Napoleon đã có cơ hội chứng kiến, chiêm nghiệm đủ mọi vị thế một thống soái có thể trải qua. Và như những người cận kề bên ông ghi nhận, vào những thời điểm như thế, Napoleon không khỏi đưa ra những bình luận đúc rút từ tư duy quân sự sắc bén của mình.

Những câu bình luận, tổng kết như thế được đưa ra rải rác trong suốt sự nghiệp của Napoleon, có khi là những câu nói miệng với các thuộc cấp, có khi được viết trong các lá thư, các bản nhật lệnh, được ghi lại trong chính hồi ký của Napoleon hay trong những hồi ký của các tướng lĩnh, chính khách, tùy tùng từng gần gũi hoàng đế. Thế rồi, đúng 10 năm sau khi ông qua đời, thú vị thay lại là một người Anh, đại tá Sir George D’Aguilar, đã tìm tòi, tổng hợp chúng lại từ các tư liệu đã được công bố và dịch sang tiếng Anh để xuất bản dưới tên Napoleon’s Maxims of War (Các tôn chỉ về chiến tranh của Napoleon) vào năm 1831. Được tập hợp lại trong cuốn sách là 78 câu tôn chỉ (hay phương châm) liên quan tới chiến tranh đã được D’Aguilar sưu tập từ các nguồn tư liệu ông này tìm hiểu.

Trong các ấn bản của cuốn sách này, D’Aguilar luôn nhận mình là dịch giả, còn tác giả là Napoleon. Khó nói điều này xuất phát từ sự tôn trọng vị đại tá Anh dành cho cựu thù của nước Anh, hay xuất phát từ hiệu ứng kinh doanh tích cực mà thương hiệu của Napoleon có thể đem lại. Nhưng điều chắc chắn là D’Aguilar đã đóng góp phần xứng đáng của mình cho cuốn sách. Không chỉ đơn thuần chuyển ngữ các tôn chỉ quân sự của Napoleon sang tiếng Anh, mà với mỗi tôn chỉ, D’Aguilar lại cung cấp một ví dụ minh họa cho sự đúng đắn và tầm quan trọng của tôn chỉ đó.

Lẽ dĩ nhiên, rất nhiều trong những ví dụ này được lấy trực tiếp từ cuộc đời binh nghiệp của chính Napoleon. Nhưng D’Aguilar cũng là một tác giả tinh tế. Độ thuyết phục các tôn chỉ được tập hợp trong sách với độc giả sẽ tăng hơn nhiều nếu tính đúng đắn của chúng được phản ảnh trong binh nghiệp của các tướng soái lỗi lạc khác. Bởi thế, nếu đọc Napoleon’s Maxims of War, độc giả sẽ có dịp làm quen với rất nhiều tên tuổi lừng danh nữa trong lịch sử quân sự phương Tây.

Đó là vua Phổ Frederick Vĩ đại, người đã gần như đơn thương độc mã đứng vững trước liên quân mạnh vượt trội của Pháp, Áo và Nga trong Chiến tranh Bảy năm nhờ tài thao lược. Là các thống chế nổi tiếng Maurice de Saxe, Turenne, Villars và Hoàng thân Condé của Pháp, là Hoàng thân Eugene xứ Savoy, là thống chế nổi tiếng Raimondo Montecuccoli, danh tướng đã phụng sự triều đình Habsburg nước Áo suốt nửa thế kỷ 17 với vô vàn chiến công...

78 tôn chỉ (hay phương châm) này bàn về những chủ đề hết sức đa đạng của chiến tranh, từ các chướng ngại tự nhiên (tôn chỉ 1) đến các hình thức tác chiến như tiến công (tôn chỉ 6,19), phòng thủ (38, 40), rút lui (25), hay thậm chí cả… đầu hàng (45), từ yếu tố tinh thần (7, 60, 61) đến phẩm chất của các cấp chỉ huy khác nhau (56, 65, 66). Có thể nói đây là một tuyển tập bàn một cách khá toàn diện về hầu như mọi mặt của chiến tranh vào thời của Napoleon, được trình bày ngắn gọn qua các câu tôn chỉ của một thống soái thiên tài, mà rất nhiều điều cho tới nay vẫn chưa hề lỗi thời kể cả với chiến tranh hiện đại ngày nay.

Không phải ngẫu nhiên, tác phẩm của D’Aguilar được nhiều quốc gia khuyến cáo là một nguồn thông tin tham khảo các sĩ quan nên đọc. Từ khi được xuất bản lần đầu năm 1831, cuốn sách đã được tái bản nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, để phục vụ những bạn đọc thích tìm hiểu về Napoleon, về lịch sử nói chung, trong đó có nghệ thuật quân sự, nhà xuất bản Arcturus Publishing Ltd (APL) đã ấn hành một ấn bản rất ấn tượng tác phẩm của D’Aguilar. Các tôn chỉ quân sự của Napoleon được đồng hành bằng những bức họa tuyệt đẹp lấy chủ đề từ sự nghiệp của Napoleon, cũng như từ chủ đề liên quan tới các danh tiếng D’Aguilar lựa chọn làm minh họa cho các tôn chỉ ông lựa chọn.

Những minh họa được lựa chọn hết sức đắt giá khớp với nội dung những tôn chỉ tương ứng sẽ giúp người đọc hiểu và hào hứng hơn. Thêm vào đó, tổng thể được thiết kế chu đáo, hoàn thiện của cuốn sách sẽ khiến phiên bản của APL là một ấn phẩm thú vị để hiện diện trên giá sách của bất cứ ai ưa thích nghệ thuật quân sự, Napoleon hay chỉ đơn giản là yêu thích những cuốn sách đẹp, giá trị cả về hình thức lẫn nội dung. Cơ hội này càng gần và thuận lợi hơn bao giờ hết với bạn đọc Việt Nam khi bản Việt ngữ hoàn toàn trung thành với bản gốc tiếng Anh về thiết kế được xuất bản với tiêu đề Napoleon – Nghệ thuật quân sự và Quyền lực đích thực. Một cuốn sách đáng đọc và sở hữu.

Dịch giả Lê Đình Chi

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/sach/cac-ton-chi-cua-thien-tai-quan-su-806773.html