Các tổ chức quốc tế tiếp tục có đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam

- Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện với gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, gần 20 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế tiếp tục có đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, trong đó tổ chức xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực

Tại buổi họp Tổ công tác liên Bộ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước) vừa tổ chức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế vĩ mô trong những tháng đầu năm 2019 đã tiếp tục chuyển biến tích cực.

Cụ thể, môi trường vĩ mô ổn định, tỷ lệ lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, tỷ giá và lãi suất cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước tăng khá so với cùng kỳ và bảo đảm dự toán đề ra. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 100 tỷ USD (tăng 6,7%), trong đó khu vực trong nước tăng 11,6%, cao hơn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong 5 tháng đầu năm 2019, khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%; vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD (tăng 27,1%) và vốn FDI thực hiện đạt 7,3 tỷ USD (tăng 7,8% so với cùng kỳ); góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 7,65 tỷ USD (tăng gấp 2,8 lần).

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện với gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, gần 20 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế tiếp tục có đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, trong đó tổ chức xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.

Bên cạnh những chuyển biến biến tích cực trong 5 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra những đánh giá về bối cảnh kinh tế thế giới trong 6 tháng cuối năm 2019 và những tác động của một số cú sốc bên ngoài ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Đồng thời đánh giá tác động của việc tăng giá điện, giá xăng, dầu lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Từ đó, đưa ra những vấn đề cần quan tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới liên quan đến tăng trưởng GDP, điều hành tỷ giá, kiểm soát lạm phát, thương mại, đầu tư.

Vốn đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục về dự án

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục khởi sắc với mức kỷ lục về cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới. Cụ thể, tính đến thời điểm 20/5/2019, số dự án cấp mới là 1.363 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 6,5 tỷ USD, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/5/2019 thu hút 1.363 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 6.457,9 triệu USD, tăng 26,7% về số dự án và tăng 38,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 505 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2.628,8 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng đầu năm đạt 9.086,7 triệu USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước tính đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 5 tháng còn có 3.160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 7,65 tỷ USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 614 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 5,33 tỷ USD và 2.546 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,32 tỷ USD.

Trong 5 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 4.744,4 triệu USD, chiếm 73,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 742,3 triệu USD, chiếm 11,5%; các ngành còn lại đạt 971,2 triệu USD, chiếm 15%.

Trong số 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.561,4 triệu USD, chiếm 24,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1.047 triệu USD, chiếm 16,2%; Singapere 842,7 triệu USD, chiếm 13%; Tiếp theo sau là dặc khu Hành chính Hồng Công (TQ); Nhật Bản; Thái Lan; Đài Loan …

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201906/cac-to-chuc-quoc-te-tiep-tuc-co-danh-gia-tich-cuc-ve-trien-vong-kinh-te-viet-nam-635513/