Các tổ chức nước ngoài đang sử dụng bao nhiêu đất tại Việt Nam?

'Khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh'.

Báo cáo đánh giá: Nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (Ảnh minh họa).

Thực hiện Khoản 3 Điều 200 của Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa gửi Quốc hội báo cáo về hệ thống theo dõi và đánh giá; tổ chức thực hiện đánh giá việc thực thi pháp luật, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tác động của chính sách, pháp luật về đất đai đến kinh tế - xã hội và môi trường trên phạm vi cả nước.

Báo cáo trên cho biết, tổng diện tích đất đã được giao cho các loại đối tượng sử dụng là 26.842.798 ha, chiếm 81,04% tổng diện tích tự nhiên.

Trong đó, hộ gia đình và cá nhân đang sử dụng 15.875.758 ha, chiếm 47,93% tổng diện tích tự nhiên, bằng 59,14% diện tích đất của các đối tượng sử dụng.

Các tổ chức trong nước đang sử dụng 10.568.289 ha, chiếm 31,91% tổng diện tích tự nhiên và bằng 39,37% diện tích đất đã giao cho các đối tượng sử dụng.

Các tổ chức nước ngoài (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức ngoại giao) sử dụng 46.490 ha, chiếm 0,14% tổng diện tích tự nhiên và bằng 0,17% diện tích đất đã giao cho các đối tượng sử dụng.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng 3 ha.

Cộng đồng dân cư và cơ sở tôn giáo đang sử dụng là 352.258 ha, chiếm 1,06% tổng diện tích tự nhiên và bằng 1,31% diện tích đất đã giao cho các đối tượng sử dụng.

Cũng tại báo cáo trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá, khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra.

Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng; đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp.

Bất cập nữa, theo Bộ trưởng, là tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến, nhiều địa phương, đơn vị do lãnh đạo thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng, không đăng ký biến động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không thực hiện nghiêm các nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ trọng lớn (70%), là nguy cơ gây ra những bất ổn trong xã hội - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận.

KHÁNH PHƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/cac-to-chuc-nuoc-ngoai-dang-su-dung-bao-nhieu-dat-tai-viet-nam-3553862.html