Các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam chưa nhận thức rõ nguy cơ mất an toàn thông tin

Theo nhận định được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn vào chiều qua, 17/11/2017, hiện nay các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam chưa nhận thức rõ nguy cơ của mất an ninh, an toàn thông tin.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chúng ta có chủ quyền quốc gia về an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng và phải giữ chủ quyền này (Nguồn ảnh: Chinhphu.vn)

Không đảm bảo an toàn thông tin sẽ rất nguy hại

Trong quá trình Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào chiều ngày 17/11/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ thông tin về một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Cùng với các vấn đề về quản lý mạng xã hội, xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng cũng đã làm rõ thêm về công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, an toàn, an ninh thông tin là một vấn đề rất lớn. Theo Phó thủ tướng, như nhiều đại biểu đã thống nhất, chúng ta không thể không ứng dụng CNTT nhưng nếu không đảm bảo an toàn, an ninh thông tin thì sẽ nguy hại vô cùng.

Phó Thủ tướng cho biết, xếp hạng về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, Việt Nam đứng thứ 89 trên thế giới, thuộc nhóm trung bình. Tuy nhiên, về an toàn thông tin, chúng ta đứng trên 100, thuộc nhóm trung bình yếu. “Trong đó, đặc biệt lưu ý có những chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dân thì chúng ta thuộc loại yếu nhất trên thế giới”, Phó Thủ tướng nhận định.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện trên thế giới, cứ 1 giây có 176 sự cố liên quan đến an toàn, an ninh thông tin, có 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích (APT) và có 4 mã độc được phát tán.

Một lần nữa lưu ý xếp hạng chung về an toàn thông tin của Việt Nam đứng khoảng thứ Việt Nam song có một vài chỉ số đứng cuối cùng trên thế giới, Phó Thủ tướng cho hay, đó là chỉ số phát tán thư rác từ Việt Nam. Cụ thể, theo thống kê, cứ một giờ có 200 tỷ thư trên thế giới được phát đi, 53% số đó là thư rác và trong đó nhiều thư chứa mã độc. Và cứ 100 thư rác trên thế giới thì Việt Nam chiếm 11,17%; Trung Quốc chiếm 12,4%; Mỹ chiếm 8,5%. Nhưng nếu tính theo số người thì Việt Nam đứng số 1 về phát tán thư rác, gấp 13,4 lần Trung Quốc và gấp xấp xỉ 8 lần so với Mỹ.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ rõ, tỷ lệ lây nhiễm mã độc từ các thiết bị cá nhân ở Việt Nam cũng cao nhất thế giới. Theo đánh giá tại thời điểm cuối năm 2016, Việt Nam có 71,38% thiết bị bị lây nhiễm mã độc. “Khi phỏng vấn người dân Việt Nam, các hãng nước ngoài vào phỏng vấn, ở các nước 60% số người được phỏng vấn nhận ra nguy cơ từ các thiết bị và chính bản thân cá nhân mình gây ra; ở Việt Nam chỉ có 11% nhận ra nguy cơ đó. Về máy tính cá nhân của từng người dân chúng ta cũng nhiễm cao nhất. Chúng ta có 61% máy tính nhiễm mã độc so với tỷ lệ trung bình trên thế giới là 19%”, Phó Thủ tướng nêu.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng nêu trên, Phó Thủ tướng cho biết, đầu tiên là do chúng ta chưa nhận thức rõ nguy cơ của mất an toàn, an ninh thông tin. Nhận định đây là vấn đề chung từ tổ chức đến cá nhân, theo Phó Thủ tướng, điều này được thể hiện ở 2 chỉ số rất cụ thể: ở các nước, người ta khảo sát cả tổ chức gồm có Chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân, cứ đầu tư cho CNTT 100 đồng thì họ đầu tư từ 15 - 21 đồng cho an toàn, an ninh thông tin. Ở Việt Nam theo khảo sát của Bộ TT&TT, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam thì chúng ta khoảng 5%.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cho hay, như Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nói, lực lượng chuyên được đào tạo kiến thức về an toàn an ninh thông tin sâu là rất ít. Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 500 cán bộ chuyên trách chính thức về an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước, trong khi con số này ở Trung Quốc là 40.000. Các số liệu ở Mỹ và Đức là khác nhau nhưng đều từ 15.000 - 20.000 người.

Đề cập đến ý thức an toàn, an ninh thông tin của người dân, Phó Thủ tướng cho biết, khi ông hỏi dùng từ nào để đánh giá về người dân Việt Nam, các chuyên gia quốc tế cho rằng từ chuẩn nhất là “dễ dãi”. Nhiều người dân gần như không nhận thức được nguy cơ từ điện thoại, máy tính của mình. Ví dụ như, khi có tin nhắn, thư điện tử gửi đến, nhiều người đều lập tức bấm vào ngay mà không đọc kỹ thông điệp trên máy tính, điện thoại.

Giữ chủ quyền về an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng

Nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là có chủ quyền quốc gia về an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng và chúng ta phải giữ chủ quyền này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải thích thêm, chủ quyền không gian mạng thì không phụ thuộc vào tọa độ địa lý như các chủ quyền khác và thế giới đã thống kê có những biểu hiện cơ bản về an toàn, an ninh của một chủ quyền không gian mạng quốc gia qua mấy việc như thông tin bôi nhọ, nói xấu; lộ bí mật, bị lấy mất thông tin; phá hoại thông tin, phá hoại hệ thống; chiếm quyền kiểm soát hệ thống.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, xếp hạng về an toàn thông tin, Việt Nam đứng trên 100 - thuộc nhóm trung bình yếu, và đặc biệt là có những chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dân thì chúng ta thuộc loại yếu nhất trên thế giới (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Phó Thủ tướng cho rằng, nguy hiểm nhất hiện nay ở Việt Nam chính là “đội quân ngầm” mã độc đang “ém quân chờ thời” trong các máy tính của chúng ta. Đánh giá đây là điểm phải mất nhiều năm mới gỡ hết được, song Phó Thủ tướng cho rằng nếu chúng ta không ý thức từ bây giờ thì sẽ vô cùng nguy hiểm.

Để làm được điều này, Phó Thủ tướng chỉ rõ, cùng với việc nhận thức được rủi ro, chúng ta cần phải có các công cụ, phải chuẩn bị lực lượng; phải xây dựng hệ thống tạm gọi là cảnh giới; phải có khả năng ứng phó khi có sự cố xảy ra; đồng thời phải khôi phục lại được trạng thái ban đầu.

Cũng theo Phó Thủ tướng, nhận thức là quan trọng nhưng có một điểm cũng vô cùng quan trọng là năng lực ứng phó. Và vì ứng phó việc này được tính bằng giây nên các cơ cấu, quy định phải rất rõ ràng, cụ thể. Đây cũng là lý do vì sao sau khi Luật An toàn thông tin ra đời năm 2015 thì Chính phủ đã ký 2 Nghị định và Thủ tướng đã ký 4 Quyết định rất chi tiết.

Phó Thủ tướng lưu ý, khi nói về an toàn, an ninh thông tin cả thế giới đều nói về những yêu cầu, những nguyên tắc, đó là toàn vẹn, là bí mật, đặc biệt có một yêu cầu là phải truy được trách nhiệm, truy được dấu vết.

“Vì tội phạm trên mạng vô cùng tinh vi, không như tiêu cực của một con đường, một ngôi nhà hay một công trình thì ai cũng thấy. Tội phạm trên mạng, những sự cố chúng tôi xử lý một sự việc nhiều cơ quan điều tra khác nhau, anh em chuyên viên các nhóm khác nhau ra các nghi phạm khác nhau thì phải có nhiều người phân công cùng làm để cùng kiểm chứng, đây là điều vô cùng quan trọng”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một lần nữa nhấn mạnh: “Phải đặt quyết tâm đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và liền với nó là phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Bởi vì sau này khi chúng ta làm lên dịch vụ cấp 4, tức là có thanh toán qua mạng, nếu mất an toàn, an ninh thì điều đầu tiên người dân mất là mất tiền, chưa nói đến mất những thứ khác to lớn hơn về chính trị, về an toàn xã hội”.

Vân Anh

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/bao-mat/cac-to-chuc-ca-nhan-tai-viet-nam-chua-nhan-thuc-ro-nguy-co-mat-an-toan-thong-tin-161309.ict