Các tỉnh ven biển chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, hồi 19 giờ ngày 31-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 19,0 độ vĩ bắc, 120,5 độ kinh đông, ngay phía bắc đảo Lu-dông (Phi-li-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Nước sông Cầu Chày dâng cao khiến nhiều ngôi nhà ở xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) bị ngập sâu. Ảnh: HỒNG ĐỨC

Nước sông Cầu Chày dâng cao khiến nhiều ngôi nhà ở xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) bị ngập sâu. Ảnh: HỒNG ĐỨC

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, hồi 19 giờ ngày 31-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 19,0 độ vĩ bắc, 120,5 độ kinh đông, ngay phía bắc đảo Lu-dông (Phi-li-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ sau đó, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20 đến 25 km, khoảng đêm 1-9 sẽ đi vào Biển Đông sau đó có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ hôm nay 1-9, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 19,2 độ vĩ bắc, 116,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 520 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm do ATNĐ trên Biển Đông tính đến 19 giờ ngày 1-9 (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): phía đông kinh tuyến 114,0 độ kinh đông, phía bắc vĩ tuyến 17,0 độ vĩ bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19 giờ ngày 2-9, vị trí tâm bão ở khoảng 18,8 độ vĩ bắc, 111,4 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 100 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 đến 48 giờ sau đó (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): phía đông kinh tuyến 109,5 độ kinh đông, phía bắc vĩ tuyến 17,0 độ vĩ bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km.

* Ngày 31-8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) có Thông báo số 422 gửi Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa về việc ứng phó ATNĐ trên Biển Đông, đề nghị các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo và diễn biến của ATNĐ, thông báo, hướng dẫn cho tàu, thuyền trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; duy trì thông tin liên lạc để xử lý kịp thời các tình huống xấu.

* Theo báo cáo tổng hợp thiệt hại do bão số 4 gây ra mới nhất, tính đến chiều 31-8, bão số 4 đã làm ba người chết (Hà Nội một người, Quảng Bình một người, Hòa Bình một người), bốn người bị thương, phải điều trị tại bệnh viện. Mưa lũ khiến 1.132 nhà ở bị hư hại, tốc mái (Lào Cai 97 nhà, Yên Bái 652 nhà, Hòa Bình 26 nhà, Phú Thọ 115 nhà, Thanh Hóa 107, Nghệ An 73, Hà Tĩnh 41, Quảng Bình 20, Quảng Trị 1); 282 nhà bị ngập (Thanh Hóa). 6.267 ha lúa bị đổ, giảm năng suất. 185 ha hoa màu bị hư hại và 2.100 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, chủ yếu ở Thanh Hóa.

Cơn bão đã làm hai tàu bị chìm (QB 98799 TS và BĐ 30538 TS), các thuyền viên được đưa vào bờ an toàn. Hai tàu bị hỏng máy (BĐ 94204 TS và QB 91124 TS) được lực lượng cứu hộ lai dắt về bờ. Tàu vận tải Thái Thụy 88 có 10 thuyền viên chở than, hỏng máy ở khu vực giữa Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, đến nay, 10 thuyền viên đã được cứu đưa vào bờ.

* Tổng công ty Điện lực miền bắc (EVNNPC) vừa cho biết, tính đến ngày 31-8, có tổng số 553.946 khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 4, trong đó tại Thanh Hóa là 85.445 khách hàng; Nghệ An: 242.781; Hà Tĩnh: 153.515; Hòa Bình: 2.800; Sơn La: 12.695.

Tổng số đường dây trung áp bị sự cố là 83, trong đó có hai đường dây vẫn bị mất điện; ba trạm biến áp bị hư hỏng, 12 cột gãy đổ, 17 cột bị nghiêng, 227 sứ bị hỏng. Đối với lưới điện hạ áp có 1.539 cột gãy đổ, 541 cột nghiêng, 17.541m đường dây dẫn hỏng; 136 hòm đồng hồ đo điện bị hỏng. Sự cố đường dây điện tại các tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa sẽ được khắc phục trong ngày 31-8. Các đơn vị của EVNNPC tiếp tục nỗ lực kiểm tra hiện trường để khôi phục lại lưới điện cho khách hàng trong thời gian sớm nhất.

* Chiều ngày 31-8, mực nước trên sông Thao tại Lào Cai là 79,05 m (dưới BĐ1: 0,95 m), tại Yên Bái là: 31,00 m (ở mức BĐ2). Dự báo: Mực nước sông Thao tại Yên Bái tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh ở mức 31,30 m (trên BĐ2: 0,30 m) vào đêm về sáng 1-9. Đến 7 giờ 1-9, mực nước tại Yên Bái: 31,00 m (ở mức BĐ2). Đến 19 giờ ngày 1-9, mực nước tại Yên Bái: 30,30 m (vượt BĐ1: 0,3 m). Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Tuyên Quang.

* Từ đêm 31-8 đến ngày 1-9 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 40 đến 70 mm/24 giờ). Tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa 70 đến 150 mm/24 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.Cảnh báo từ ngày 2 đến 6-9, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 300 đến 500 mm/đợt).

Do mưa lớn, nhiều hồ phải xả tràn. Khu vực Bắc Bộ hiện có 19 hồ xả. Khu vực Bắc Trung Bộ có bảy hồ, khu vực Tây Nguyên có sáu hồ xả qua tràn. Tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có một hồ xả tràn.

* Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, rạng sáng 31-8, Lào Cai có mưa, mưa rào trên diện rộng, nhiều nơi mưa rất to gây lũ ở hầu khắp các sông, suối. Tại huyện Văn Bàn, lũ đột ngột xuất hiện, dâng cao vào sáng 31-8 trên suối Nhù, đoạn chảy qua các xã Liêm Phú, Chiềng Ken, Văn Sơn gây thiệt hại hoa màu của người dân.

* Chiều và tối ngày 30-8, tại tỉnh Thái Nguyên có mưa dông, sét đánh chết hai người dân. Dông lốc làm 13 ngôi nhà bị tốc mái, một điểm trường bị ảnh hưởng, gãy đổ 13 cây xanh đô thị và khoảng 200 m2 nhà lưới trồng rau bị hư hỏng.

* Ngày 31-8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tỉnh Hòa Bình có mưa to đến rất to, ngập úng, sạt lở đất đá, gây ách tắc nhiều tuyến đường giao thông tại một số địa bàn. Nghiêm trọng nhất tại Km 140+80, quốc lộ 6 thuộc địa phận xóm Phiêng Sa, xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu (Hòa Bình), do mưa lớn kéo dài, khoảng 1.000 m3 đất đá đã sạt lở xuống đường, gây ách tắc giao thông từ khoảng 6 giờ sáng đến 11 giờ cùng ngày mới có thể lưu thông trở lại.

* Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, từ đêm 29 đến sáng 31-8, ở Phú Thọ có mưa, dông lốc cục bộ làm tốc mái, hư hỏng, thiệt hại 115 nhà dân; tám điểm trường với 21 phòng học và phòng công vụ, sáu cơ sở y tế, văn hóa, trụ sở UBND xã bị tốc mái. Tại huyện Thanh Thủy đã có một người chết do sét đánh, mưa bão cũng đã làm 23,7 ha lúa, 11,5 ha cây lâm nghiệp và hàng chục cây bưởi lâu năm ở huyện Đoan Hùng bị gãy đổ...

* Tại Thanh Hóa, bão số 4 gây mưa to, làm sập hoàn toàn bốn nhà ở, tốc mái 103 nhà, ngập 282 nhà dân. Toàn tỉnh có 4.520 ha lúa, hơn 1.000 ha cây trồng bị gãy đổ. Các tuyến quốc lộ bị sạt lở 27.650 m3 ta-luy dương, các tuyến tỉnh lộ sạt lở 2.270 m3. Ngành giao thông tỉnh huy động tối đa nhân lực, phương tiện khắc phục các sự cố.

Trong cơn bão số 4, tại Thanh Hóa xảy ra sự cố sạt lở mái đê thượng lưu đoạn từ K1+050 – K1+100 đê hữu Mã, chiều dài sạt lở 50 m. Địa phương đã tổ chức triển khai xử lý theo phương châm bốn tại chỗ, đến nay đã xử lý xong sự cố.

* Đêm 30-8, lực lượng cứu hộ huyện Quế Phong (Nghệ An) giải cứu thành công bốn nam thanh niên (xã Châu Kim, huyện Quế Phong) đi câu cá tại khu vực sông Nậm Giải bị mắc kẹt khi lũ từ thượng nguồn bất ngờ đổ về. Đến 22 giờ cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận các nạn nhân, chuyển tới cơ sở y tế để chăm sóc.

* Từ tối ngày 29 đến 31-8, đã có 58 m đường ven kênh Rạch Vọp tại chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng bị sạt lở sâu từ 3 đến 5 m, nhấn chìm chín căn nhà bán kiên cố. Toàn bộ đường nội bộ khu chợ Cầu Lộ bị sạt lở gây khó khăn trong việc đi lại. Tổng thiệt hại về tài sản ước hơn một tỷ đồng.

* Sáng 31-8, Công ty Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Đác Nông cho biết, trong đêm 30 và rạng sáng 31-8, do mưa lớn kéo dài nên lượng nước đổ về lớn, khiến công trình đập thủy lợi thôn 2, xã Trường Xuân, huyện Đác Song, tỉnh Đác Nông có nguy cơ bị vỡ.

Cứu hộ tàu cá cùng ba ngư dân

Chiều 31-8, thông tin từ Đồn Biên phòng Lăng Cô, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị vừa cứu hộ thành công tàu cá cùng ba ngư dân bị sóng đánh trôi dạt vào ghềnh đá ở đảo Sơn Chà, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế). Được biết, trước đó vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 30-8, tàu cá mang số hiệu ĐNa 91083 TS, do anh Lê Văn Huy, làm thuyền trưởng, cùng hai thuyền viên trên tàu đang neo đậu tránh bão số 4 tại đảo Sơn Chà, sóng to, gió lớn đã làm tàu bị đứt dây neo trôi dạt vào ghềnh đá tại đảo. Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Lăng Cô đã huy động cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Trạm kiểm soát đảo Sơn Chà tiến hành cứu hộ. Đến 21 giờ cùng ngày, tàu cá cùng ba ngư dân đã được cứu hộ đưa tới khu vực an toàn.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41418702-cac-tinh-ven-bien-chu-dong-ung-pho-ap-thap-nhiet-doi-co-the-manh-len-thanh-bao.html