Các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to đến rất to

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với rìa phía bắc của rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Nam Trung Bộ, cho nên từ nay đến hết ngày 4-10 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông.

Nông dân xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) phun thuốc phòng trừ rầy nâu. Ảnh: MINH ĐẠT

Riêng từ đêm nay (2-10) đến sáng ngày 4-10 ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến từ 80 đến 150mm/24 giờ).

* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, trong tháng 10, không khí lạnh từ phía bắc có xu hướng hoạt động mạnh dần; miền bắc nước ta sẽ chịu tác động của ba đến bốn đợt không khí lạnh. Tháng 10 cũng là thời kỳ mùa mưa bắt đầu ở miền trung. Các đợt mưa lớn sẽ tập trung trong nửa đầu tháng, nhưng không kéo dài. Cường độ các đợt mưa cũng không lớn như năm 2017. Ngoài ra, trong tháng, có khả năng xuất hiện từ một đến hai cơn bão trên Biển Đông.

* Mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên theo triều cường: Dự báo, mực nước sông Cửu Long trong những ngày tới tiếp tục xuống, sau đó lên lại theo triều cường vào ngày 4-10. Đến ngày 10-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 3,92 m (dưới báo động 2 là 0,08 m); tại Châu Đốc ở mức 3,6 m (trên báo động 2 là 0,1m); mực nước tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên lại ở mức báo động 2 và báo động 3.

* Ngày 1-10, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai có Công văn số 160/TWPCTT gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai vào ngày 13-10-2018 với chủ đề “Giảm thiểu thiệt hại kinh tế do thiên tai”. Ban Chỉ đạo đề nghị các tỉnh, thành phố phổ biến tới cán bộ, người lao động về tình hình thiên tai thế giới và trong nước; nhận định tình hình thời tiết, xu thế thiên tai năm 2018 và các giải pháp phòng, chống thiên tai các tháng cuối năm; phối hợp ngành giáo dục tại địa phương triển khai hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thiên tai và kỹ năng ứng phó thiên tai cho học sinh trong trường học…

* Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cho biết, hiện nay khu vực Bắc Bộ có 185 trong tổng số 289 hồ chứa lớn và 2.133 trong tổng số 2.696 hồ chứa nhỏ tích đầy nước. Khu vực Bắc Trung Bộ có 33 trong tổng số 135 hồ chứa lớn và 1.185 trong tổng số 1.785 hồ chứa nhỏ tích đầy nước. Trong đó, vận hành xả lũ của các hồ có cửa van là hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) xả 170m3/s (bao gồm xả qua tràn 100 m3/s), hồ Tả Trạch (Thừa Thiên - Huế) xả qua phát điện 15m3/s.

* Phòng, chống dịch, bệnh trên cây trồng, vật nuôi: Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong tuần qua nhiều diện tích lúa đang bị sâu, bệnh gây hại. Trong đó, rầy với diện tích nhiễm 42.358 ha, nhiễm nặng 3.137 ha; bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá diện tích nhiễm 150 ha; bệnh lùn sọc đen diện tích nhiễm 526,15 ha; bệnh đạo ôn hại lá diện tích nhiễm 4.707 ha; đạo ôn cổ bông diện tích nhiễm 2.004 ha. Phân bố chủ yếu tại các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Trà Vinh, Tây Ninh, Long An…

* Cục Thú y cho biết, đến nay trên cả nước có một ổ dịch cúm gia cầm A (H5N6) tại phường Duyệt Trung, TP Cao Bằng (Cao Bằng) (đã qua 16 ngày không phát sinh ca bệnh mới). Theo dự báo, một số chủng vi-rút cúm gia cầm có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam. Vì vậy, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời; chủ động triển khai giám sát dịch bệnh từ đó phát hiện sớm, cảnh báo và thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có dịch bệnh hoặc có mẫu giám sát cho kết quả dương tính với các chủng vi-rút cúm gia cầm có nguy cơ gây bệnh ở gia cầm và ở người.

* Ngày 1-10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây trồng vụ đông năm 2017, bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2018. Năm 2017, diện tích cây trồng vụ đông của tỉnh đạt 9.072 ha; giá trị sản xuất đạt bình quân 80 triệu đồng/ha; tổng giá trị ước đạt 700 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là có 765 ha thực hiện theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp với người dân có giá trị sản xuất đạt bình quân 92 triệu đồng/ha…

Nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai, từ ngày 1 đến 5-10, tại TP Đà Nẵng, Tổng cục Phòng chống thiên tai phối hợp UNICEF tổ chức hội thảo tập huấn “Lập bản đồ và phân tích tính dễ bị tổn thương lấy trẻ em làm trung tâm”. Đây là hoạt động nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho các cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai trong việc lập bản đồ đánh giá tính dễ tổn thương trước rủi ro thiên tai.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/37791102-cac-tinh-tu-quang-tri-den-khanh-hoa-co-mua-vua-mua-to-den-rat-to.html