Các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó xâm nhập mặn

Ngày 7-4, Viện Công nghệ Nano (INT) - Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã trao tặng Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre. Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động do Viện Công nghệ Nano trực tiếp nghiên cứu chế tạo, sử dụng năng lượng mặt trời và đầu dò cảm biến nano.

Hệ thống cung cấp thông tin về độ mặn của nước sông một cách tức thời và liên tục 24 giờ thông qua điện thoại và mạng in-tơ-nét. Do đó, người dân sẽ được cảnh báo sớm về độ mặn để có thể trữ nước tưới cho sản xuất…

Trước đó, ngày 6-4, Viện Công nghệ Nano cũng tổ chức trao tặng và đưa vào sử dụng ba hệ thống quan trắc, cảnh báo xâm nhập mặn tự động cho huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Việc đưa vào sử dụng hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động sẽ hỗ trợ tích cực cho địa phương trong việc chủ động theo dõi và cảnh báo độ mặn vượt ngưỡng, từ đó có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế tác hại do xâm nhập mặn gây ra.

* Thời gian qua, triều cường dâng cao làm cho bờ biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang bị xói lở, nhiều nhà dân có nguy cơ bị nước biển cuốn trôi; nghiêm trọng nhất là khu vực bãi biển Tân Thành, huyện Gò Công Ðông có nhiều điểm thủy triều xâm thực thêm từ 5 đến 10 m làm gần 10 căn nhà của người dân tại các ấp Cầu Muống, Ðèn Ðỏ, Tân Phú, xã Tân Thành bị nước biển tràn vào nhà. Nhiều hộ dân cho biết, đã có một số biện pháp khắc phục nhưng kém hiệu quả, giải pháp khả thi là di dời nhà đến nơi khác an toàn.

* Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang ở xu thế xuống thấp, lượng nước đổ về các kênh nội đồng trên địa bàn giảm. Hiện xâm nhập mặn chủ yếu qua các sông Cái Lớn, Cái Bé và vàm Bà Lịch, kênh Nhánh với nồng độ cao khi triều cường dâng và giảm khi triều thấp. Ðộ mặn 4,0g/l (bốn phần nghìn) xâm nhập vào các sông, kênh chưa có công trình ngăn mặn. Khu vực bị ảnh hưởng là ven các sông Cái Lớn, Cái Bé từ biển trở vào đến các xã, thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao, huyện U Minh Thượng, huyện Châu Thành...

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ, gây mưa rào và dông diện rộng. Ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ trời rét, vùng núi có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất là 15 độ C, vùng núi 12 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C. Hôm nay (8-4) trời ấm dần.

Ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh; khu vực bắc Biển Ðông ngày có gió đông bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi Trung Bộ và Nam Bộ có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 1.

* Nhiệt độ tại Sa Pa xuống 5,2 độ C, băng giá phủ trắng đỉnh Fansipan: Ngày 7-4, do ảnh hưởng của đợt gió mùa đông bắc mạnh từ phía bắc tràn xuống Lào Cai, nhiệt độ các khu vực đồng loạt giảm thấp gây ra băng giá trên đỉnh Fansipan (Sa Pa), vùng núi rét đậm, các vùng núi cao rét hại. Vào lúc 7 giờ sáng cùng ngày, các trạm khí tượng trong khu vực quan trắc được nhiệt độ thấp nhất ở một số nơi như sau: TP Lào Cai 16,4 độ C; Phố Ràng (Bảo Yên) thấp hơn 16 độ C.

Vùng núi Bắc Hà rét hại 10,6 độ C; Sa Pa nhiệt độ xuống còn 5,2 độ C. Ðỉnh Fansipan nhiệt độ xuống dưới 0 độ C; có thời điểm vào đêm nhiệt độ trên đỉnh Fansipan giảm sâu xuống âm 3 độ C. Tại đây, tiết trời có mưa nhỏ, mưa phùn tạo điều kiện cho băng giá hình thành phủ trắng cành cây, bụi cỏ, chậu hoa cảnh khu du lịch Fansipan Legend.

Đêm ngày 6 và sáng sớm 7-4, khu vực đỉnh núi Fansipan (Sa Pa, Lào Cai) xuất hiện băng giá và mưa tuyết phủ trắng.

* Tối 6-4, tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) có trận mưa lớn kéo dài, đến sáng 7-4 đường Trần Phú biến thành "sông". Hàng loạt người đi xe máy, xe đạp phải dắt bộ băng qua. Người dân phải dậy sớm thu dọn đồ đạc cất lên cao, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn.

* Ngày 7-4, UBND xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, chiều 6-4, một trận mưa to kèm theo sấm sét xảy ra trên địa bàn, bốn con trâu của gia đình ông Lô Văn Ðoàn, trú ở bản Xốp Kho bị sét đánh chết tại khu lán trang trại của gia đình, thiệt hại khoảng 70 triệu đồng. Nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã vào thăm hỏi, động viên và có phương án hỗ trợ gia đình vượt qua khó khăn.

* Sáng 7-4, tàu HQ 365 Hải quân đã lai dắt tàu cá bị nạn cùng 12 ngư dân trên tàu vào cập đảo Lý Sơn an toàn. Trước đó, khoảng 11 giờ ngày 6-4, tàu HQ 365 đang làm nhiệm vụ thì nhận được thông tin của tàu cá QNg 94635 TS, do ngư dân Phạm Lệ (42 tuổi, trú ở xã Phổ Quang, huyện Ðức Phổ, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, trên tàu có 12 ngư dân đang khai thác hải sản cách đảo Lý Sơn khoảng 110 hải lý về phía đông bắc bị hỏng máy chính phải thả trôi tự do trên biển. Sau khi nhận được thông tin, Vùng 3 Hải quân đã điều tàu HQ 365 đang làm nhiệm vụ trên biển khẩn trương tiếp cận để lai dắt tàu bị nạn vào bờ.

* Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, diện tích lúa bị nhiễm dịch hại từ đầu vụ đông xuân 2017 - 2018 đến nay là 89.005 ha, với các đối tượng dịch hại chính như rầy nâu hơn 19.742 ha, hiện đang bị nhiễm mức độ nhẹ và trung bình; muỗi hành 8.452 ha; trong đó, bị nhiễm nặng 2.619 ha... Ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu, bệnh cho các trà lúa đang làm đòng, trổ bông, mà đối tượng gây hại chính là rầy nâu.

* Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến thời điểm này các địa phương đã chỉ đạo bà con nông dân thực hiện phun thuốc phòng trừ nên dịch bệnh đạo ôn lá trên lúa đã được khống chế. Hiện cả tỉnh còn 950 ha lúa bị nhiễm bệnh.

* Tỉnh Quảng Bình hiện có gần 1.000 ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn, tập trung chủ yếu tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và Tuyên Hóa, tỷ lệ bệnh phổ biến từ 15 đến 20%, nơi cao từ 40 đến 50% diện tích đồng ruộng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng trừ, ngăn chặn bệnh lây lan.

* Từ đầu tháng 4 đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế có hàng nghìn héc-ta lúa vụ đông xuân 2017 - 2018 bị sâu bệnh gây hại; trong đó, bệnh khô vằn gây hại hơn 2.600 ha, với tỷ lệ bệnh phổ biến từ 10 đến 25%, tăng tới hơn 740 ha so với cuối tháng 3 vừa qua. Nặng nhất ở các xã: Quảng An, Quảng Lợi thuộc huyện Quảng Ðiền và huyện Phú Lộc. Nhiều diện tích bị nhiễm bệnh khô vằn nặng với tỷ lệ lên hơn 40%. Ngoài ra, hàng trăm héc-ta lúa vụ đông xuân 2017 - 2018 ở Thừa Thiên - Huế còn bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh khác.

* Thời gian gần đây, nghêu nuôi tại các hợp tác xã trên địa bàn huyện Ba Tri và Bình Ðại (tỉnh Bến Tre) bị chết hàng loạt với tổng thiệt hại khoảng 218 tấn, giá trị ước tính hơn 5,6 tỷ đồng. Cơ quan chuyên môn đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau và các địa phương có nghêu chết, tiến hành khảo sát để tìm nguyên nhân.

Cháy lớn ở Khu Bảo tồn thiên nhiên rừng Tà Cú

Sáng 7-4, một đám cháy bất ngờ bùng phát và nhanh chóng lan rộng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, tỉnh Bình Thuận. Theo đó, đám cháy bùng phát tại tiểu khu 296 B, thuộc địa bàn xã Hàm Minh, Hàm Thuận Nam. Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú đã huy động lực lượng và phương tiện tại chỗ cùng với sự hỗ trợ của lực lượng quân sự địa phương để chữa cháy. Tuy nhiên, do gió lớn, địa hình hiểm trở, lại đang là mùa khô nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Ðến 19 giờ cùng ngày, đám cháy đã cơ bản được khống chế, nhưng nhiều điểm vẫn âm ỉ, có nguy cơ bùng phát trở lại. Theo thống kê ban đầu, đã có khoảng 30 ha rừng bị ảnh hưởng.

Cháy lớn ở Khu Bảo tồn thiên nhiên rừng Tà Cú

Sáng 7-4, một đám cháy bất ngờ bùng phát và nhanh chóng lan rộng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, tỉnh Bình Thuận. Theo đó, đám cháy bùng phát tại tiểu khu 296 B, thuộc địa bàn xã Hàm Minh, Hàm Thuận Nam. Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú đã huy động lực lượng và phương tiện tại chỗ cùng với sự hỗ trợ của lực lượng quân sự địa phương để chữa cháy. Tuy nhiên, do gió lớn, địa hình hiểm trở, lại đang là mùa khô nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Ðến 19 giờ cùng ngày, đám cháy đã cơ bản được khống chế, nhưng nhiều điểm vẫn âm ỉ, có nguy cơ bùng phát trở lại. Theo thống kê ban đầu, đã có khoảng 30 ha rừng bị ảnh hưởng.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/36021502-cac-tinh-thanh-pho-o-dong-bang-song-cuu-long-chu-dong-ung-pho-xam-nhap-man.html