Các tỉnh, thành miền Trung triển khai các hoạt động ứng phó với bão số 5

Bão số 5 dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung sau 24 giờ tới. Để chủ động phòng, chống cơn bão này, nhiều địa phương tại miền Trung đã chỉ đạo, triển khai các hoạt động ứng phó với cơn bão.

Ngay trong sáng 17/9, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng và kiểm tra công tác phòng, chống bão số 5 tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang, khu vực neo đậu tàu thuyền tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Công trình 15.

Tại buổi làm việc, Đại tá Trần Công Thành, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Đà Nẵng báo cáo về tình hình triển khai hoạt động phòng, chống bão số 5 của BĐBP Đà Nẵng.

Theo đó, BĐBP Đà Nẵng đã quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản của cấp trên về triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 5. BĐBP Đà Nẵng thực hiện trực 100% quân số, sử dụng 20 tàu, xuồng và 15 ô tô tham gia, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức tăng cường lực lượng cho địa bàn trọng điểm là âu thuyền Thọ Quang, khu vực cửa khẩu cảng Đà Nẵng.

Các đồn Biên phòng Sơn Trà, Phú Lộc đã liên lạc được với 100% phương tiện của Đà Nẵng, những phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được vị trí, hướng di chuyển của bão để ra khỏi vùng nguy hiểm.

Theo BĐBP Đà Nẵng, trước 15h ngày hôm nay (17/9), các phương tiện đang trên đường về đất liền sẽ vào tới âu thuyền Thọ Quang. Đồn Biên phòng Sơn Trà phối hợp với Ban Quản ly âu thuyền, cảng cá Thọ Quang hướng dẫn, bố trí, sắp xếp các phương tiện neo đậu hợp lý để tránh hư hỏng, mất mát. Sáng nay, BĐBP Đà Nẵng đã ra lệnh cấm biển, các phương tiện không được ra khơi.

Trên cơ sở tình hình phương tiện đang neo đậu và hoạt động tại khu vực biển Đà Nẵng, trong đó có 30 tàu vận tải, chở hàng đang neo đậu trên vịnh Đà Nẵng, để tránh tình trạng như trước đây đã xảy ra tình trạng tàu hàng bị đứt neo, trôi dạt, chìm, đại diện lãnh đạo BĐBP Đà Nẵng kiến nghị TP chỉ đạo, triển khai các phương án neo đậu, yêu cầu các thuyền viên phải rời tàu để đảm bảo an toàn tính mạng.

Đối với 16 phương tiện kinh doanh dầu trong âu thuyền Thọ Quang, BĐBP Đà Nẵng đề nghị TP có phương án neo đậu ở nơi khác để đảm bảo an toàn về cháy nổ. Đối với các tàu du lịch đang nên neo đậu dưới hạ lưu sông Hàn, BĐBP Đà Nẵng lưu ý không nên neo đậu tại đây bởi hiện tại bão bắt đầu gây mưa to, lũ từ thượng lưu sẽ đổ về dễ làm đứt neo, trôi dạt ra biển.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Quảng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của BĐBP Đà Nẵng, đã nhanh chóng triển khai các biện pháp, hỗ trợ ngư dân và nhân dân trên địa bàn quản lý ứng phó với bão số 5.

Đối với các kiến nghị của BĐBP Đà Nẵng về các tàu vận tải và kinh doanh dầu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng rất xác đáng và cần thực hiện ngay, bởi vậy sẽ nhanh chóng chỉ đạo Sở Công thương và Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng có phương án di chuyển và bố trí neo đậu an toàn. Theo dự báo, bão số 5 đang tăng tốc hướng vào đất liền, đặc biệt là lượng mưa rất lớn, bởi vậy các đơn vị phải lưu ý, theo sát tình hình trước và sau bão. BĐBP Đà Nẵng sẵn sàng con người, phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn.

*Tại tỉnh Quảng Ngãi, cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã triển khai công tác ứng phó bão số 5. Theo đó, tính đến sáng cùng ngày, số tàu cá Quảng Ngãi đang hoạt động trên các vùng biển là 1.064 tàu với 8.362 lao động. Trong đó, tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa có 247 tàu/1.611 lao động; vùng biển quần đảo Trường Sa: 208 tàu/3.288 lao động; vùng biển các tỉnh phía Bắc: 125 tàu/823 lao động; vùng biển các tỉnh phía Nam: 147 tàu/911 lao động; vùng biển tỉnh Quảng Ngãi: 319 tàu/1.729 lao động.

*Còn theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, hiện tổng số tàu cá của tỉnh này đang hoạt động trên biển là 318 tàu với 3.752 lao động. Trong đó, số tàu đang hoạt động xa bờ là 173 tàu/3.050 lao động, số tàu đang hoạt động gần bờ là 145 tàu/702 lao động.

Trước tình hình khẩn cấp của bão số 5, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đang tập trung các biện pháp kêu gọi tàu thuyền vào bờ; cấm người dân ở lại trên các phương tiện và lồng bè; yêu cầu người dân chằng chống nhà cửa…

*Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, sáng 17/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại các xã ven biển huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà và chợ Đông Ba (thành phố Huế).

Tại các địa phương đến kiểm tra, đồng chí Phan Ngọc Thọ đề nghị chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Đồng chí yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, các sở, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động chỉ đạo và triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng, ngành thủy sản, ngành giao thông và gia đình các chủ tàu tiếp tục tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, phương tiện; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú.

Hướng dẫn, hỗ trợ người dân di dời, gia cố hoặc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với ngành nuôi trồng thủy, hải sản, nhất là diện tích nuôi tôm; vận động, tổ chức di dời người dân hoạt động trên biển vào đất liền trước khi bão đổ bộ vào, trường hợp cần thiết cần tổ chức cưỡng chế để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng tâm bão dự kiến đổ bộ vào khẩn trương rà soát phương án và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án sơ tán dân cư tại khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và du khách, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của nước dâng, sóng lớn, sạt lở, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, các nhà ở, cơ sở lưu trú không an toàn.

Hướng dẫn người dân gia cố bảo vệ nhà cửa; chỉ đạo triển khai các biện pháp gia cố, bảo vệ trường học, cơ sở y tế, các tháp cao, khu kinh tế, khu du lịch, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển; bảo vệ đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. Đối với khu vực miền núi, tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, hướng dẫn, kiểm soát giao thông tại khu vực nước ngập sâu để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân...

Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại chợ Đông Ba (thành phố Huế). Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu Ban Quản lý chợ có phương án chủ động phối hợp với tiểu thương bảo vệ tài sản, di dời ngay vật tư, thiết bị công trình hàng hóa tại chợ, tránh thiệt hại không đáng có khi bão đến../.

Đình Tăng

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/xa-hoi/cac-tinh-thanh-mien-trung-trien-khai-cac-hoat-dong-ung-pho-voi-bao-so-5-563724.html