Các tỉnh Tây Nam bộ - Liên kết chặt chẽ để nâng cao chuỗi giá trị du lịch

Đã đến lúc các tỉnh Tây Nam bộ cần có liên kết chặt chẽ trong việc nhận diện nguồn lực phát triển và khả năng liên kết vùng để kiến tạo các dịch vụ và sản phẩm du lịch. Từ đó, nâng cao chuỗi giá trị du lịch của tiểu vùng duyên hải phía Đông của Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh.

Là thông tin được ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết tại Hội thảo Khoa học “Định hướng liên kết phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra ngày 17/11 tại Trà Vinh.

Đại biểu tham dự hội thảo

Theo ông Trần Anh Dũng, hội thảo khoa học được tổ chức trong bối cảnh, du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung cà tiểu vùng duyên hải phía Đông của khu vực này chưa tận dụng được các tài nguyên, tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch, trong khi việc liên kết giữa các tỉnh, thành đem lại kỳ vọng tạo ra khác biệt, đóng góp chung vào tổng GDP của toàn vùng ĐBSCL.

Ông Dũng cho rằng, đã đến lúc các tỉnh Tây Nam bộ cần có liên kết chặt chẽ trong việc nhận diện nguồn lực phát triển và khả năng liên kết vùng để kiến tạo các dịch vụ và sản phẩm du lịch, dự báo xu thế nhu cầu hưởng thụ du lịch của du khách nội địa và quốc tế. Từ đó, nâng cao chuỗi giá trị du lịch của tiểu vùng duyên hải phía Đông của ĐBSCL, bao gồm Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh.

Khu du lịch Vinh Sang tỉnh Vĩnh Long phát triển mô hình "Tát ao bắt cá" đặc trưng của vùng để thu hút khách.

Theo PGS.TS Phan An, nhà nghiên cứu từ TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo của 4 địa phương trong tiểu vùng cần sớm có các kế hoạch cụ thể cho việc liên kết phát triển vùng, trong đó có lĩnh vực du lịch. Ông Phan An cũng nhấn mạnh rằng, dọc ven biển của các tỉnh như Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang có rất nhiều các đình chùa, tín ngưỡng thờ, các hoạt động lễ hội của người Việt, Khmer, Chăm, Hoa,… có thể đưa vào việc quảng bá, phát triển thành các loại hình, sản phẩm du lịch mang tính đặc thù để thu hút du khách.

Giáo sư Chung Hoàng Chương, từ Đại học USSH nêu ý kiến: Các tỉnh trong tiểu vùng duyên hải có không gian văn hóa sông nước, gắn với các giá trị của các nền văn hóa biển và văn hóa lúa nước, chính là các tài nguyên riêng có, hiếm nơi nào có được, và cần được phát huy để liên kết.

Tại hội thảo khoa học, nhiều chuyên gia, học giả cũng chỉ ra những nguyên nhân, thực trạng của việc khách du lịch đến với tiểu vùng duyên hải phía Đông của ĐBSCL còn thấp và góp ý giải pháp liên kết, nâng cao vị thế và phát huy giá trị tài nguyên du lịch cho các địa phương trong vùng, là nhu cầu cấp thiết và quan trọng trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay.

Theo đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến 2020, phân vùng lãnh thổ du lịch sẽ được phân làm 4 cụm du lịch, trong đó tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL được dự báo sẽ phát triển được các sản phẩm chủ đạo, bao gồm du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân (homestay), tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Các đề xuất liên quan đến đề án, cũng gợi ý về mô hình phát triển “con đường bích họa” trong việc liên kết phát triển du lịch của tiểu vùng duyên hải rộng lớn phía Đông của ĐBSCL. Hiện nay việc thực hiện mô hình này đã có tỉnh Trà Vinh triển khai, bước đầu có những hiệu quả đáng ghi nhận, cần nghiên cứu và nhân rộng ra toàn vùng.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-tinh-tay-nam-bo-lien-ket-chat-che-de-nang-cao-chuoi-gia-tri-du-lich-111941.html