Các tỉnh phía Nam nỗ lực kích cầu nông sản

Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản, các tỉnh/thành phố tại khu vực phía Nam đã triển khai nhiều giải pháp kết nối doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất với các kênh phân phối hiện đại và truyền thống; đồng thời hỗ trợ DN tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Tích cực kết nối doanh nghiệp

Điển hình phải kể đến tỉnh Đồng Tháp, để kích cầu cho các mặt hàng nông, thủy sản của địa phương, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp kết nối các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh với kênh phân phối hiện đại như Saigon Co.op, Hapro, SATRA, Big C, Lotte, Vinmart, Siêu thị Tứ Sơn... Bên cạnh việc đẩy mạnh đưa các sản phẩm nông thủy sản vào kênh phân phối hiện đại, tỉnh Đồng Tháp cũng triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để đưa hàng hóa của tỉnh vào các chợ truyền thống, chợ đầu mối, nhà hàng, các đại lý phân phối, các thương nhân đầu mối.

Hàng nông sản của các tỉnh/thành phố phía Nam được tiêu thụ mạnh tại hệ thống siêu thị TP. Hồ Chí Minh

Ngoài ra, để tìm đầu ra cho nông sản, tỉnh Đồng Tháp còn thường xuyên tổ chức các đoàn khảo sát tìm kiếm thị trường tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc. Tổ chức cho các đơn vị sản xuất tham gia các đoàn xúc tiến thương mại, hội chợ, hội nghị, hội thảo, diễn đàn... để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm kết nối giao thương với các DN trong và ngoài nước.

Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp - đánh giá, với nhiều giải pháp được triển khai quyết liệt - đồng bộ, hoạt động tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh cả ở nội địa và xuất khẩu đã đạt được những kết quả tích cực. Số lượng DN tham gia vào chương trình liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo không ngừng tăng lên hàng năm, năm 2015: 27 DN, 2016: 59 DN, 2017: 80 DN.

Đơn cử Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương, nếu như trong năm 2017 mới chỉ cung ứng xuất khẩu sang Nga 3,5 tấn xoài thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018 ngoài tiếp tục xuất qua Nga, đã cung ứng qua thị trường Úc 20 tấn. Năm 2017 thông qua Công ty Vĩnh Thành Đạt, một cơ sở sản xuất tại tỉnh Đồng Tháp cũng đã xuất bán được 1 triệu quả trứng vịt vào thị trường TP. Hồ Chí Minh...

Liên kết tiêu thụ sản phẩm

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông sản, tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 85 loại sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường. Trong đó có khoảng hơn 58.000ha trồng rau, sản lượng 2,2 triệu tấn; hoa có hơn 7.325ha, sản lượng khoảng 2 tỷ cành; chè có hơn 21.000ha... Trong những năm qua, để ổn định đầu ra cho các mặt hàng nông sản, Sở Công Thương Lâm Đồng đã liên kết với 13 địa phương trên cả nước trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản.

Cùng với các hoạt động xúc tiến hỗ trợ DN sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng năm tỉnh Lâm Đồng đều tổ chức cho các DN, cơ sở sản xuất tham gia trưng bày, giới thiệu, kết nối với nhà phân phối, nhà tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam. Qua đó các DN quảng bá, kết nối phân phối và tiêu thụ rất tốt.

Thống kê của Sở Công Thương Lâm Đồng cho thấy, tại hội nghị năm 2016, 2017, DN Lâm Đồng đều có các hợp đồng tiêu thụ, hợp tác, thậm chí có cả các hợp đồng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Lâm Đồng và TP. Hồ Chí Minh còn có các buổi làm việc, tháo gỡ khó khăn cho các thương nhân, nhà sản xuất rau, hoa; định kỳ tổ chức đoàn DN TP. Hồ Chí Minh khảo sát thực tế cơ sở sản xuất, chế biến tại tỉnh Lâm Đồng, giúp các DN yên tâm hợp tác.

Với nhiều hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ, thị trường TP. Hồ Chí Minh đang chiếm từ 50-80% sản lượng tiêu thụ hàng nông sản của tỉnh Lâm Đồng tại thị trường nội địa.

Giữ vai trò là thị trường tiêu thụ lớn nhất, trong những năm qua, TP. Hồ Chí Minh rất tích cực triển khai các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, tính đến nay thành phố và các tỉnh, thành đã phối hợp tổ chức thành công 6 hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa với quy mô ngày càng được mở rộng, thu hút ngày càng nhiều địa phương, DN tham gia.

Cụ thể, nếu như năm 2012 mới chỉ có 198 DN tham gia từ 14 tỉnh, thành khu vực Đông - Tây Nam bộ thì đến năm 2018, đã có hơn 2.700 DN đến từ 40 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia với tổng số hợp đồng đã ký kết là 2.283 hợp đồng.

Thông qua hoạt động kết nối cung - cầu, nhiều sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành, các vùng miền đã được đưa vào hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Nhiều DN các địa phương không ngừng gia tăng sản lượng cung ứng và trở thành nhà cung cấp chiến lược, sản xuất nhãn hàng riêng cho các hệ thống phân phối lớn của thành phố.

Không chỉ phân phối nội địa, các hệ thống phân phối lớn như Saigon Coop, Metro, BigC, Lotte… còn lựa chọn nhiều mặt hàng có tiềm năng để xuất khẩu ra nước ngoài thông qua kênh phân phối của các hệ thống này. Cụ thể, Saigon Co.op xuất khẩu vải, bưởi da xanh... qua Singapore thông qua liên kết với đối tác Fairprice; Lotte xuất khẩu hàng chục mặt hàng tiêu dùng, đặc sản của các tỉnh, thành phía Nam thông qua hệ thống siêu thị Lotte tại Hàn Quốc...

Minh Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-tinh-phia-nam-no-luc-kich-cau-nong-san-111376.html