Các tỉnh phía Nam: 'Dựng rào' chặn hàng lậu

Năm 2017, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, tuy nhiên trên thị trường, các loại hàng hóa kinh doanh trái phép vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịp cuối năm.

Tiêu hủy hàng lậu

Nhức nhối hàng lậu, hàng giả

Năm 2017, các điểm nóng về buôn lậu, kinh doanh hàng giả vẫn tập trung tại các thành phố lớn và khu vực biên giới Tây Nam. Hàng lậu tràn qua biên giới với số lượng lớn chủ yếu là thuốc lá, đường cát, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc tây, đồ dùng điện tử... Hành vi vận chuyển, buôn bán hàng lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái phát sinh nhiều thủ đoạn tinh vi và chuyên nghiệp hơn.

Nhận xét về thực trạng này, ông Châu Thanh Long - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Tây Ninh - cho biết, năm 2017, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu trên các tuyến biên giới Tây Ninh vẫn còn diễn biến phức tạp. Mặt hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá và đường cát. Hoạt động vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu diễn ra trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là tuyến biên giới huyện Bến Cầu, Trảng Bàng, ranh giới tỉnh Tây Ninh và Long An.

Theo ông Long, đối tượng buôn lậu sử dụng xe gắn máy xoáy lòng chạy tốc độ cao, luôn có người theo sát lực lượng chống buôn lậu để đối phó và gây cản trở

Ông Long cho hay, tháng 11/2017, QLTT Tây Ninh đã phát hiện 62 vụ vi phạm. Chỉ riêng mặt hàng thuốc lá lậu, đã phát hiện 16 vụ, tịch thu 2.960 bao; phát hiện 9 vụ buôn lậu đường cát, tạm giữ 1.250 kg đường cát.

Tỉnh biên giới Long An vẫn luôn là điểm nóng của thuốc lá, đường cát nhập lậu từ biên giới. Hàng hóa từ biên giới ồ ạt tuồn vào mùa nước nổi, dịp cuối năm, đặc biệt gần đây còn nổi lên tình trạng buôn lậu ngoại tệ qua biên giới. Theo ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương Long An - 11 tháng năm 2017, lực lượng 389 của tỉnh đã xử lý 3.608 vụ vi phạm, thu 196 tỷ đồng. Riêng hàng hóa bị tịch thu nhiều nhất là thuốc lá với 2,37 triệu bao cùng 1.029 xe máy, 155 ôtô.

Với thuốc lá, Giám đốc Sở Công Thương Long An đánh giá, mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý nhiều vụ nhưng vẫn không thể kiểm soát hết được tình trạng buôn lậu qua biên giới. Thuốc lá sau khi mang vác qua biên giới, chuyển lên xe ôtô 4 -12 chỗ đưa về các tỉnh tiêu thụ. Các đối tượng này khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ thì không chấp hành mà rất manh động, lao thẳng xe vào lực lượng chức năng để chạy thoát.

Ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, hàng giả, hàng lậu không chỉ nóng ở khu vực có biên giới mà còn “hot” ngay chính thị trường nội địa. Tại Cần Thơ, 10 tháng đầu năm, lực lượng 389 đã xử lý 3.166 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 150 tỷ đồng, tịch thu hơn 2,1 triệu bao thuốc lá lậu. Theo Ban chỉ đạo 389 Cần Thơ, hàng lậu, hàng giả, đặc biệt là những mặt hàng như: Phân bón, thực phẩm gần đây phát hiện số lượng lớn, hình thức vi phạm tinh vi, được sản xuất rất chuyên nghiệp từ nhiều nơi đổ về thành phố. Những con số trên cho thấy hàng lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiếp tục gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Chung tay “dựng rào”

Trước thực trạng hàng lậu, hàng giả hàng nhái tràn lan, ông Phan Hoàn Kiếm - Chi Cục trưởng Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - nhấn mạnh, 1 năm qua, thành phố đã tăng cường lực lượng, tần suất kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đặc biệt, để tăng cường hiệu quả công tác này, Chi cục đã phối kết hợp với các cơ quan chức năng của một số địa phương lân cận như: Tây Ninh, Long An, Đồng Nai… Các bên thường xuyên trao đổi thông tin, lập phương án đấu tranh, truy tìm các đầu mối buôn lậu, sản xuất hàng giả với mục tiêu “bịt đường” của các đối tượng này.

Theo ông Kiếm, để kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết 2018, đầu tháng 10/2017, Chi cục đã lên phương án tổ chức đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại. “Các đội QLTT cơ động được phân công theo từng địa bàn để rà soát các mục tiêu trọng điểm, đối tượng đầu nậu, ổ nhóm, áp dụng biện pháp nghiệp vụ xây dựng phương án kiểm tra, xử lý; báo cáo đề xuất phương án phối hợp QLTT các tỉnh khi cần thiết để truy xét nơi xuất hàng, hoặc kho hàng, điểm trữ, chứa hàng ngoài TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời hỗ trợ truy xét kịp thời các mục tiêu phát sinh ngoài địa bàn”- đại diện QLTT TP. Hồ Chí Minh khẳng định.

Ông Long cho biết thêm, tỉnh Tây Ninh sẽ tập trung kiểm tra hàng cấm, hàng lậu, chủ yếu hướng vào các mặt hàng như thuốc lá, đường; kiểm tra các bến bãi, điểm lên xuống hàng hóa, các xe tải hàng hóa từ biên giới vào nội địa. “Chú ý nắm các đối tượng, tuyến đường vận chuyển hàng hóa vào nội địa, nơi tập kết hàng lậu, dứt khoát không để xảy ra điểm nóng. Muốn kiểm soát được thị trường, lực lượng QLTT phải phối hợp chặt với công an, biên phòng, hải quan trên địa bàn để triệt phá các băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp” - ông Long cho hay.

Để tăng cường hiệu quả công tác chống hàng lậu, hàng giả, các cơ quan chức năng cần thường xuyên trao đổi thông tin, lập phương án đấu tranh, truy tìm các đầu mối buôn lậu, sản xuất hàng giả.

Trần Thế - Nguyễn Phượng

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/cac-tinh-phia-nam-dung-rao-chan-hang-lau.html