Các tỉnh miền trung chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới

Trước dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ trong chiều và tối ngày 9-10, các ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống, nhằm giảm thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra.

Thừa Thiên - Huế cho học sinh năm huyện, thị xã ven biển nghỉ học

Chiều 9-10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn nhằm triển khai các biện pháp, chủ động phòng chống áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương không được chủ quan, theo sát diễn biến của ATNĐ để có phương án chủ động phòng chống. Nắm kỹ tình hình mực nước của các hồ chứa để có phương án điều tiết hợp lý. Phát huy các lực lượng tại chỗ để chủ động phòng, chống, chú trọng quản lý con em trong mùa mưa bão để tránh những trường hợp đuối nước đáng tiếc xảy ra.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng của ATNĐ, từ trưa 9-10, vùng biển Thừa Thiên - Huế có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8. Trên địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to và rất to, lượng mưa đo được phổ biến 200 - 300mm. Các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn bảo đảm an toàn, tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của thời tiết, thực hiện vận hành theo quy trình đã được phê duyệt bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du. Trên địa bàn tỉnh không triển khai công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hoặc xây dựng mới các hồ chứa nước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh đã thu hoạch 100% diện tích; các diện tích còn lại gồm: 146 ha bắp, 374 ha sắn và 1.071 ha rau màu. Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Phan Thanh Hùng cho biết: Để chủ động ứng phó với ATNĐ, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng đã phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh cùng các địa phương ven biển, sử dụng phương tiện thông tin tìm kiếm cứu nạn liên lạc đài trực canh của các đơn vị để kêu gọi tàu thuyền hoạt động đánh bắt trên biển về nơi trú ẩn. Ngay trong sáng 9-10, toàn tỉnh đã kêu gọi 688 tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh TT - Huế Nguyễn Văn Cao chủ trì cuộc họp để đối phó với áp thấp nhiệt đới.

Theo kế hoạch, các huyện, thị xã trong tỉnh đã lên phương án sơ tán, di dời dân khi có bão lụt, lũ quét và sạt lở đất xảy ra với 29.350 hộ/112.309 khẩu. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chủ động với lực lượng quân đội, công an sẵn sàng di dời khi có lệnh.

Để chủ động ứng phó với ATNĐ khả năng mạnh lên thành bão, ngày 9-10, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu các chủ đầu tư công trình xây dựng cơ bản khi đang thi công dang dở, chỉ đạo nhà thầu thi công có phương án bảo vệ các công trình xây dựng, bảo đảm an toàn về người, phương tiện, thiết bị vật tư thi công và các phương tiện tham gia trong các tình huống mưa lớn xảy ra ngập úng; các huyện, thị, thành phố triển các phương án phòng chống ngập cho diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản; phòng chống lũ quét, sạt lở đất; có phương án vận hành hồ chứa thủy lợi và thủy điện bảo đảm an toàn cho vùng hạ du; tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi.

Chiều 9-10, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế Phạm Văn Hùng cũng đã phát đi công văn cho phép học sinh từ mầm non đến cấp THPT tại năm huyện, thị xã ven biển và TP Huế được nghỉ học trong chiều cùng ngày vì áp thấp nhiệt đới gần bờ có nguy cơ gây nguy hiểm. Theo đó, học sinh thuộc các huyện: Phú Lộc, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà được phép nghỉ học chiều 9-10. Tại TP Huế, học sinh cũng được nghỉ học để bảo đảm an toàn cho các em học sinh do lo ngại việc đi lại không an toàn trong mưa lớn khi toàn thành phố vẫn đang triển khai thi công hệ thông cải thiện môi trường nước.

Quảng Trị không cho các tàu thuyền ra khơi

Ngày 9-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng ở tất cả các địa phương, có nơi mưa to đến rất to như các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và TP Đông Hà...

Vào lúc 16 giờ chiều nay, lũ trên các sông đang tiếp tục dâng. Dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt từ 50-70%. Trong đó có ba hồ có dung tích hơn 80% là Hồ Trung Chỉ: 96,4%, Hồ Triệu Thượng 1: hơn 83%, Hồ Triệu Thượng 2: hơn 85%.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, các ngành chức năng và các địa phương đã kêu gọi tàu thuyền vào các cửa biển, cửa sông, lên bờ giằng néo, trú tránh áp thấp nhiệt đới. Tính đến chiều nay 9-10, có 2.310 tàu, thuyền (hơn 7.488 người) neo đậu tại bến tránh trú bão an toàn. Hiện có hai chiếc tàu, với 19 người hoạt động trên khu vực biển Quảng Bình và Thái Bình đang vào các cảng biển neo đậu. Ngoài ra, có 24 tàu thuyền ngoại tỉnh, với 184 người đang neo đậu tại các bến cảng của tỉnh Quảng Trị.

Tàu, thuyền vào các cửa biển, cửa sông giằng néo, trú, tránh bão.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để thông báo cho nhân dân biết và khẩn trương chuẩn bị đầy đủ các phương án để ứng phó. Đặc biệt lưu ý đến khả năng mưa lớn gây lũ cục bộ, lũ ống, lũ quét ở một số nơi; quản lý chặt chẽ tàu thuyền của ngư dân địa phương đang ở vùng biển nguy hiểm.

Thông báo nguy cơ xuất hiện lũ ống, lũ quét ở miền núi, cảnh báo những vùng có nguy cơ sạt lở và không để người, phương tiện vào vùng nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi và vận hành xả lũ an toàn theo quy trình, không để xảy ra tình huống bất ngờ. Di dời dân ở vùng thấp trũng, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn; duy trì lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. Thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các đồn Biên phòng ven biển Cửa Việt, Cửa Tùng triển khai lực lượng giúp dân neo đậu tàu thuyền vào nơi quy định; quản lý các phương tiện tàu thuyền không cho ra khơi. Bộ đội Biên Phòng tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các đơn vị chủ động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị; trực 24/24 giờ sẵn sàng giúp dân ứng phó với mưa lũ. Bên cạnh đó, theo dõi diễn biến thời tiết và sẵn sàng triển khai công tác ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Trong quá trình triển khai, các ngành, địa phương cần chú trọng công tác thông tin, phối hợp và tham mưu để bảo đảm tốt các mục tiêu và yêu cầu đề ra.

Hà Tĩnh hoãn các cuộc họp không cần thiết để ứng phó áp thấp nhiệt đới

Tàu thuyền về tránh trú áp thấp nhiệt đới ở Cửa Sót, Lộc hà, Hà Tĩnh.

Tính đến 17 giờ ngày 9-10, Hà Tĩnh có 234 phương tiện đang hoạt động trên biển (đã nhận được thông tin diễn biến áp thấp nhiệt đới và bão). Hiện các phương tiện tàu, thuyền đang khẩn trương về các điểm tránh trú bão hoặc đi ra khỏi khu vực xuất hiện áp thấp nhiệt đới.

Theo ông Ngô Đức Hợi - Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Hà Tĩnh, để chủ động đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, nhằm bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động đánh bắt cá trên biển. Ngoài ra, các đoàn công tác của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã về các địa phương tiến hành thông tin, chỉ đạo người dân ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Đồng thời hoãn các cuộc họp không cần thiết trong ngày 10-10 để tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Điều đáng lo ngại, do tác động của cơn bão số 10 vừa qua, nhiều công trình hạ tầng trên địa bàn Hà Tĩnh, đặc biệt là hệ thống đê biển đang bị hư hỏng chưa được sửa chữa (đê Hoàng Đình, Kỳ Hà, Hòa Lộc, thị xã Kỳ Anh; đê biển Cẩm Nhượng, Lộc Hà, Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên; đê Tả Nghèn, huyện Lộc Hà; đê Hữu Phủ, huyện Thạch Hà; đê biển Hội Thống, huyện Nghi Xuân) đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với người và tài sản của người dân khu vực phía trong đê.

Để bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng cho người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các địa phương lên phương án sơ tán dân, chủ động cho học sinh nghỉ học. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới (bão); cảnh báo và thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh. Tổ chức sơ tán dân, khách du lịch ra khỏi các khu vực ven biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản, tại những khu vực thấp trũng ven biển. Đề phòng mưa lớn xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi, các địa phương chủ động soát xét và có phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định và chịu trách nhiệm trong việc cho học sinh nghỉ học để hạn chế việc đi lại trong mưa lũ.

CÔNG HẬU - NGUYỄN VĂN HAI - NGÔ TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34344102-cac-tinh-mien-trung-chu-dong-ung-pho-ap-thap-nhiet-doi.html