Các tỉnh miền núi phía bắc khắc phục hậu quả mưa, lũ

Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) cho biết, mưa lũ những ngày qua tại hai tỉnh Lào Cai, Lai Châu đã làm một người chết, ba người bị lũ cuốn trôi. Ngoài ra, lũ cuốn trôi bảy nhà dân và 24 nhà dân bị ngập nước; 46 ha lúa, hoa màu bị vùi lấp, cuốn trôi; 500 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, tổng thiệt hại khoảng 22 tỷ đồng.

Lực lượng dân quân xã Bản Hồ, huyện Sa Pa (Lào Cai) giúp dân khắc phục hậu quả do mưa lũ.

Lực lượng dân quân xã Bản Hồ, huyện Sa Pa (Lào Cai) giúp dân khắc phục hậu quả do mưa lũ.

Ðể chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đề nghị các địa phương bị thiệt hại khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, khát; kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân; bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ…

* Hiện nay, huyện Mường Tè đang huy động lực lượng giúp các gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao di chuyển đến nơi an toàn; tiếp tục tìm kiếm ba nạn nhân bị lũ cuốn mất tích; san gạt đất đá sạt lở, bảo đảm thông đường. Tại xã Pa Vệ Sử hiện vẫn có tám bản với 1.500 người đang bị cô lập do đất đá sạt lở và gãy cầu. UBND xã cho biết, người dân chỉ đủ nhu yếu phẩm để sử dụng trong 10 ngày nữa cho nên chính quyền xã sẽ vận chuyển nhu yếu phẩm vào tiếp tế cho bà con.

* UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp phòng chống; rà soát, lập danh sách những gia đình có nhà nằm trong khu vực nguy cơ bị ảnh hưởng bởi dông lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; đồng thời xác định nơi an toàn để sẵn sàng di dời…

Tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán dân khi có mưa, lũ; kiểm tra, canh gác tại các hồ chứa, nhất là các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn...

Tỉnh Hà Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương theo dõi diễn biến mưa, lũ để thông tin người dân sinh sống tại nơi có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, ngập úng; rà soát các điểm thi THPT quốc gia để có phương án đối phó khi có lốc, gió giật và mưa lớn có thể xảy ra.

* Bộ Tài chính vừa có các văn bản gửi sáu địa phương là Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Ðịnh, Quảng Ninh về việc tạm cấp tổng kinh phí 1.270 tỷ đồng hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Số tiền này được trích từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2019. Ðây là những địa phương có bệnh xảy ra ở phạm vi rộng, kéo dài, có nhu cầu hỗ trợ tiêu hủy lợn nhiễm bệnh lớn, vượt quá mức dự phòng của ngân sách địa phương.

* Theo Cục Thú y, đến nay DTLCP đã xảy ra tại 4.401 xã, 459 huyện của 60 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,8 triệu con. Trong đó, Bà Rịa-Vũng Tàu và Lâm Ðồng là hai địa phương mới nhất vừa thông báo có ổ dịch. Ðã có 359 xã đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Theo Cục Thú y, DTLCP vẫn đang có diễn biến hết sức phức tạp và có thể bùng phát bất cứ lúc nào, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch.

* Tại Ðồng Nai, DTLCP đã xuất hiện ở 24 xã thuộc tám huyện, thị xã. Ðáng chú ý, trên địa bàn đã xuất hiện ổ dịch lớn tại trại lợn có gần 20.000 con. Toàn tỉnh đã tiêu hủy khoảng 25.000 con. Tỉnh đang đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ lợn. Trong khi đó, tại tỉnh Bình Phước đã có 25 phường, xã có DTLCP. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy hơn 2.200 con lợn với tổng trọng lượng hơn 100 tấn.

Tại tỉnh Bình Thuận, DTLCP cũng đã lan ra ba huyện là: Tánh Linh, Ðức Linh, Hàm Thuận Bắc và thị xã La Gi với tổng số lợn tiêu hủy là gần 1.100 con. Tỉnh đang triển khai các biện pháp dập dịch, không để lây lan ra diện rộng.

Tại Ninh Thuận, dù chưa xuất hiện DTLCP nhưng cơ quan chức năng đã thành lập bốn chốt kiểm dịch động vật để kiểm soát.

* Tỉnh Lâm Ðồng vừa phát hiện ổ DTLCP đầu tiên tại xã Liên Hiệp, huyện Ðức Trọng, số lợn chết và tiêu hủy là 82 con. Tỉnh thành lập 14 chốt kiểm dịch động vật tạm thời để kiểm soát dịch bệnh.

* Trong khi DTLCP vẫn lây lan mạnh ở các tỉnh phía nam thì ở nhiều địa phương phía bắc, dịch có dấu hiệu suy giảm. Trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh, DTLCP đã xuất hiện tại 214 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố. Tổng số lợn chết, tiêu hủy 226.493 con. Ðến nay, có sáu xã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới; nhiều xã, phường đã cơ bản khống chế được dịch.

Tại tỉnh Hà Giang xuất hiện ổ DTLCP đầu tiên tại xã Sơn Vĩ vào ngày 24-5, sau đó lây lan sang các xã Niêm Sơn, Giàng Chu Phìn và Xín Cái, huyện Mèo Vạc. Nhờ các cơ quan chức năng và chính quyền các xã nỗ lực dập dịch, đến nay, huyện Mèo Vạc cơ bản khống chế DTLCP. Ngày 25-6, UBND huyện Si Ma Cai (Lào Cai) vừa công bố hết DTLCP tại ba xã: Lùng Sui, Cán Cấu và Si Ma Cai.

* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay (26-6), do ảnh hưởng của rìa phía nam rãnh áp thấp nối vùng áp thấp nóng phía tây với đới gió tây nam cho nên nắng nóng mở rộng ra khu vực Bắc Bộ với nhiệt độ phổ biến 34 đến 37oC, có nơi hơn 37oC. Khu vực Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 đến 39oC, có nơi hơn 40oC. Nắng nóng ở Bắc Bộ sẽ trở lại và khả năng kéo dài nhiều ngày tới.

Hỗ trợ gạo cho đồng bào thiểu số tự nguyện trồng, chăm sóc rừng Tại Quyết định số 771/QÐ - TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 4.830 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Bắc Giang hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở huyện Lục Ngạn và huyện Lục Nam tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực giai đoạn từ năm 2019 đến 2023. Ðồng thời, yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang hỗ trợ gạo kịp thời, đúng đối tượng, đúng thời gian được hưởng hỗ trợ, không trùng lặp các chính sách hỗ trợ khác trên địa bàn…

Tại Quyết định số 777/QÐ-TTg, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp bổ sung 4.948 tấn gạo cho tỉnh Thanh Hóa, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Thường Xuân.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40654802-cac-tinh-mien-nui-phia-bac-khac-phuc-hau-qua-mua-lu.html