Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất xây dựng đế chế tình báo theo kiểu Mỹ

Những khóa huấn luyện của công ty CAGN Global dành cho điệp viên ở UAE gần như là bản sao chính xác chương trình huấn luyện ở 'The Farm' của CIA.

Trại huấn luyện “The Academy” và vai trò của Larry Sanchez

Một tòa nhà hiện đại nằm cách không xa cảng nước sâu nhân tạo Mina Zayed phía bắc Tiểu vương quốc Abu Dhabi là nơi huấn luyện điệp viên của Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) cách sử dụng những công cụ gián điệp.

Ngoài ra, một trung tâm huấn luyện điệp viên khác - được xây dựng theo kiểu trại “The Farm” của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Camp Peary, miền nam bang Virginia (Mỹ) - cũng là nơi người Mỹ đào tạo những kỹ năng đặc biệt cho người UAE. Những chương trình huấn luyện điệp viên này phục vụ cho nỗ lực xây dựng đế chế tình báo của UAE theo kiểu phương Tây và Mỹ.

Theo nhiều nguồn thông tin, nhân vật chính đằng sau chiến dịch huấn luyện và xây dựng lực lượng tình báo cho UAE là Larry Sanchez, một cựu sĩ quan tình báo CIA tạo lập mối quan hệ hợp tác với Sở Cảnh sát New York (NYPD) trong nỗ lực giám sát các đối tượng cực đoan. Không chỉ có Sanchez mà còn có nhiều chuyên gia an ninh khác hoạt động tại UAE như là Erik Prince – người thành lập công ty an ninh tư nhân nhiều tai tiếng Blackwater.

Erik Prince – người thành lập công ty an ninh tư nhân nhiều tai tiếng Blackwater.

Hay Richard Clarke, cựu chuyên gia chống khủng bố ở Nhà Trắng (dưới các thời tổng thống George W. Bush và Bill Clinton) và CEO Công ty Quản lý Nguy cơ An ninh Good Harbor. Theo các chuyên gia phân tích, UAE thuê mướn đội ngũ sĩ quan tình báo phương Tây (bao gồm Australia và Anh) mà trong đó chủ yếu là người Mỹ nhằm mục đích tạo dựng một tổ chức tình báo hùng mạnh trong khu vực. Trong thời gian phục vụ CIA, Larry Sanchez cũng hoạt động ngầm cho các cơ quan tình báo và tổ chức khác.

Năm 2002, không lâu sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, Giám đốc CIA lúc đó là George Tenet biệt phái Larry Sanchez đến New York để giúp đỡ NYPD thu thập thông tin tình báo về Al - Qaeda. Trong thời gian làm việc tại trụ sở NYPD, Sanchez phát triển mối quan hệ thân thiết với giới chức cao cấp UAE, kể cả tổng thống Khalifa bin Zayed Al Nahyan.

Khi Tòa tháp Đôi (Trung tâm Thương mại Thế giới – WTC) đổ sụp ở New York năm 2001, chính quyền UAE bắt đầu thấy lo ngại về chủ nghĩa khủng bố cho nên đó là lý do thúc đẩy họ có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng tình báo với sự trợ giúp từ phương Tây và Mỹ - theo Jon Alterman, giám đốc Chương trình Trung Đông Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) đặt trụ sở tại Mỹ. Hơn nữa, UAE cũng muốn xây dựng chiến lược quốc phòng theo kiểu các quốc gia phương Tây như là Australia và Anh.

Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed Al Nahyan tham dự cuộc triển lãm hàng không Dubai Airshow 2017.

Trong các năm 2001 và 2011, khi chính quyền Iran nỗ lực phát triển khả năng tấn công và phòng thủ mạng, giới chức chính quyền cùng với các nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng bay đến UAE để giúp đào tạo nhân viên an ninh mạng và tổ chức chiến dịch phòng thủ mạng cho nước này.

Cuối năm 2011, các cố vấn và nhà thầu quốc phòng Mỹ giúp UAE thành lập một tổ chức tình báo tín hiệu - tương đương với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) – với tên gọi là Cơ quan An ninh Điện tử Quốc gia (NESA) và hiện đổi tên thành Cơ quan Tình báo Tín hiệu (SIA).

Cũng trong khoảng thời gian này, Larry Sanchez – với vai trò chủ tịch nhà thầu tình báo CAGN Global USA Ltd đặt trụ sở tại Baltimore thuộc bang Maryland (Mỹ) - bắt đầu tổ chức các khóa huấn luyện kỹ năng do thám nội địa cho UAE. Trợ giúp Sanchez còn có một số cựu sĩ quan tình báo và quân đội phương Tây. Sanchez cũng dạy cho điệp viên UAE “nghệ thuật quan sát” và cách phát hiện những “mục tiêu tiềm tàng”.

Chương trình huấn luyện giống như CIA

Những khóa huấn luyện của công ty CAGN Global dành cho điệp viên ở UAE gần như là bản sao chính xác chương trình huấn luyện ở “The Farm” của CIA.

Một cựu nhân viên công ty của Larry Sanchez thừa nhận “chính xác đó là những gì mà điệp viên được dạy tại Farm… với tài liệu giảng dạy giống nhau”. Ví dụ, trong một khóa học, các cựu sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Mỹ Delta Force giảng dạy những kỹ năng bán quân sự cho người UAE. Theo một nguồn giấu tên, chính chương trình huấn luyện sao chép Farm đã khiến cho giới chức CIA giận dữ.

Ông Ahmed Mansoor.

Trong khi đó, một cựu giảng viên người Mỹ lập luận rằng, mặc dù chương trình dạy có giống nhau, nhưng thực ra các khóa học đơn giản hơn. Hơn nữa, một vấn đề đặt ra cho Sanchez cũng như các nhà thầu tình báo và quân sự Mỹ là liệu những gì họ thực hiện tại UAE có hoàn toàn hợp pháp hay không bởi vì luật pháp Mỹ có những quy định giới hạn chặt chẽ đối với hoạt động “xuất khẩu” những chương trình huấn luyện như thế ra nước ngoài. Do đó, những người Mỹ vi phạm luật có nguy cơ cao bị truy tố trước tòa án.

Về mặt luật pháp, từ lâu công ty CAGN Global của Sanchez được Bộ Ngoại giao Mỹ cấp giấy phép xuất khẩu chương trình huấn luyện tình báo và an ninh cơ bản ra nước ngoài. Nhưng trong năm 2017, vài cơ quan chính quyền Mỹ - trong đó bao gồm CIA và cả Bộ Ngoại giao - bắt đầu có động thái xem xét lại giấy phép.

May mắn là sau đó tính hợp pháp của giấy phép được công nhận. Các khóa huấn luyện tình báo của Sanchez tập trung vào kỹ năng gián điệp trong nước cũng như đối phó với những mối đe dọa từ các nhóm Hồi giáo nằm trong danh sách tổ chức khủng bố như Al-Islah ở UAE được cho là có quan hệ với nhóm Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood) ở Ai Cập.

Chính quyền UAE đặc biệt lo ngại trước những mối đe dọa đến từ một số quốc gia láng giềng. Ví dụ, UAE đánh giá Yemen là “quốc gia thất bại” trước Al Qaeada đồng thời lo sợ trước tình trạng bất ổn kéo dài ở Somalia và Oman. Mặc dù xem Mỹ và phương Tây là bạn bè song giới chức UAE cũng thận trọng đề phòng vào một ngày nào đó họ sẽ bị những nước này bỏ rơi. Đó là lý do mà hiện nay UAE ráo riết dựa vào sự giúp đỡ từ phương Tây để đào tạo thế hệ điệp viên mới phục vụ kế hoạch xây dựng đế chế tình báo và an ninh đủ mạnh để tự vệ.

Một vụ việc nổi bật là vụ chính quyền UAE bị cáo buộc sử dụng một số công cụ gián điệp nhập khẩu từ phương Tây để giám sát nhà hoạt động nhân quyền đòi dân chủ Ahmed Mansoor trong thời gian dài và người này bị cầm tù từ tháng 4 đến tháng 11/2011 vì tội nói xấu Hoàng gia UAE. Trong khi đó, giới chức tình báo UAE luôn khẳng định họ chỉ tập trung đối phó với những mối đe dọa từ nước ngoài mà không hề chọn mục tiêu là những người có quan điểm chính trị đối lập.

Citizen Lab - công ty nghiên cứu an ninh mạng ở Canada - cũng xác định các email gửi đến Ahmed Mansoor chứa phần mềm gián điệp DaVinci của Hacking Team bán cho UAE.

Theo nghiên cứu do Công ty an ninh mạng Kaspersky Lab tiến hành, công ty Hacking Team của Italia bán công nghệ dùng để tạo ra các email gửi đến các mục tiêu tiềm năng mời mọc họ nhấp chuột vào đường liên kết hay file đính kèm để sau đó cài đặt công cụ gián điệp gọi là “Hệ thống Kiểm soát từ xa” (RCS) vào máy tính của đối tượng.

Phần mềm RCS - cũng được gọi là DaVinci - có thể sao chép lịch sử duyệt web của các mục tiêu, bật microphone và webcam máy tính để theo dõi họ cũng như bí mật ghi lại những giao tiếp thực hiện trên các ứng dụng phổ biến như Skype.

“The Farm” của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Camp Peary, miền nam bang Virginia (Mỹ).

Eric Rabe, luật sư trưởng và giám đốc phụ trách truyền thông của Hacking Team, tuyên bố: "Bọn tội phạm và khủng bố sử dụng Internet và các công nghệ di động hiện đại để hoạt động và đe dọa tất cả chúng ta.

Do đó, công nghệ của chúng tôi cho phép các chính quyền ngăn chặn hữu hiệu mọi âm mưu của bọn tội phạm và khủng bố. Nếu như nghi ngờ có sự lạm dụng xảy ra, chúng tôi sẽ tiến hành điều tra. Nếu phát hiện hợp đồng bị vi phạm, chúng tôi sẽ cho ngưng ngay sự hỗ trợ đối với phần mềm. Nếu không có sự hỗ trợ này thì phần mềm sẽ nhanh chóng bị vô hiệu hóa".

Rabe cũng khẳng định trước khi bán công nghệ, Hacking Team đều quan tâm xem xét khách hàng có khả năng lén lút sử dụng phần mềm để vi phạm nhân quyền hay không, đồng thời các sản phẩm cũng được tích hợp chức năng đặc biệt không tắt được giúp cho công ty thường xuyên giám sát công cụ được khách hàng sử dụng như thế nào và khi nào.

Rabe cũng báo cáo Hacking Team có sự quan tâm điều tra về vụ lạm dụng phần mềm được cho là đã xảy ra ở Morocco và UAE nhưng công ty "sẽ không chia sẻ kết quả điều tra cũng như không công bố biện pháp xử lý được thi hành sau đó".

Trang Thuần (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/cac-tieu-vuong-quoc-arap-thong-nhat-xay-dung-de-che-tinh-bao-theo-kieu-my-476162/