Các tiêu chí điểm nhấn cho 'Huyện nông thôn mới' ở Hoằng Hóa

Hoằng Hóa - huyện đồng bằng ven biển vừa được các thành viên Đoàn thẩm định đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) tỉnh bỏ phiếu công nhận hoàn thành 9 tiêu chí của huyện NTM. Đây chính là cơ sở để huyện và tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm định và đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận 'Huyện NTM' cho Hoằng Hóa.

Hạ tầng Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến ngày càng được đầu tư khang trang.

Được coi là mảnh đất khoa bảng của xứ Thanh, địa phương có tới 28 người đỗ tiến sĩ được ghi danh bia ở Văn miếu Quốc Tử Giám đã sẵn có thế mạnh trong phát triển giáo dục cũng như cơ sở hạ tầng giáo dục theo các tiêu chí của huyện NTM. Vùng đất địa linh, nhân kiệt xuôi theo 2 dòng sông lớn nhất tỉnh Thanh cũng chính là vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng với 16 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và 78 di tích cấp tỉnh. Đó chính là tiền đề, là cơ sở cho chính quyền và Nhân dân trong huyện xây dựng tiêu chí số 5 (y tế - văn hóa - giáo dục) trong xây dựng huyện NTM. Năm 2011, khi bắt tay xây dựng NTM, toàn huyện mới có 56/127 trường học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 44,1%. Sau 10 năm, từ nhiều nguồn vốn huy động và đóng góp của Nhân dân, huyện đã đầu tư 525,5 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách huyện là 47,7 tỷ đồng để xây mới 76 công trình trường học với 482 phòng học và 75 nhà hiệu bộ; mua sắm, bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Công tác xã hội hóa được phát huy hiệu quả, cải tạo khuôn viên nhà trường khang trang, sạch đẹp, diện tích phòng học, phòng chức năng, bàn ghế học sinh, giáo viên, bảng viết đúng quy cách, đủ ánh sáng; khu vệ sinh bảo đảm theo quy định. Đến nay, có 124/126 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia của huyện cao hơn bình quân của tỉnh 26%, đặc biệt cấp tiểu học đứng đầu toàn tỉnh, 100% trường đạt chuẩn mức độ 1, trong đó đạt chuẩn mức độ 2 là 28 trường, chiếm 26%.

Về cơ sở vật chất văn hóa, đến năm 2019, 42/42 xã trong huyện đã có trung tâm văn hóa - thể thao, 42 hội trường - nhà văn hóa đa năng, 237 nhà văn hóa thôn được cải tạo và đầu tư xây dựng mới đạt chuẩn theo quy định. Gần 10 năm qua, hàng chục công trình văn hóa tâm linh và các khu di tích lịch sử của huyện được đầu tư tôn tạo, điển hình như: Cồn Ba Cây (xã Hoằng Thắng), Cồn Mả Nhón (xã Hoằng Đạo), đền thờ Tô Hiến Thành (xã Hoằng Tiến), Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường và Tượng Đài chiến thắng Hải Quân (xã Hoằng Trường)... Với dày đặc các quần thể, công trình văn hóa – lịch sử - tâm linh, Hoằng Hóa đang có những thành công bước đầu trong khơi dậy tiềm năng để phát triển du lịch gắn với Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến.

Hệ thống hạ tầng giao thông với những chuyển biến tích cực là yếu tố dễ nhận thấy của huyện Hoằng Hóa trong những năm qua, nhất là các tuyến đường liên huyện, liên xã. Đây chính là tiêu chí số 2 của huyện NTM, mà Hoằng Hóa có những thành tựu vượt xa mong đợi. Con đường giao thông mới được đầu tư xây dựng nối xã Hoằng Đạo với xã Hoằng Thành, phá vỡ thế “cô lập” cho các xã phía Đông Nam của huyện. Tuyến đường đôi từ thị trấn Bút Sơn đến Ngã tư Chợ Quăng cũng được đưa vào sử dụng, đem lại diện mạo mới và cơ hội phát triển cho một vùng quê. Tuyến đường đôi Goòng - Hải Tiến cũng chính là bước đột phá giao thông cho các xã vùng biển trong huyện, mở ra cơ hội phát triển cho Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến. Đến nay, hệ thống mạng lưới giao thông nông thôn huyện Hoằng Hóa tương đối hoàn chỉnh, một số tuyến đường được đầu tư quy mô lớn theo hướng đô thị. Nhiều tuyến giao thông liên xã cũng được xây mới hoặc mở rộng, nâng cấp, góp phần quan trọng để huyện hoàn thành và vượt tiêu chí số 5 này. Có thể kể đến đường Thịnh - Đông, đường Đạo - Thành - Tân, đường Quỳ - Xuyên, đường Phú - Giang, đường 22m - Khu du lịch Hải Tiến, đường Lộc - Lưu, đường Vinh - Lưu - Đạo, đường Lưu - Phong - Châu, đường Thắng - Thái - Thịnh - Lộc, đường Kim - Xuân - Sơn... Tổng hợp từ UBND huyện Hoằng Hóa, giai đoạn 2011 đến nay, tổng nguồn vốn huy động để làm đường giao thông liên huyện, liên xã trên địa bàn đạt hơn 1.311 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động để xây dựng các tuyến đường xã, đường trục thôn, liên thôn, ngõ xóm và đường nội đồng từ năm 2011 đến 2019 là 993,5 tỷ đồng.

Khơi dậy được những tiềm năng sẵn có, Hoằng Hóa đã gặt hái được những thành công trong phát triển các mô hình sản xuất - thuộc tiêu chí số 6 của huyện NTM. Từ một nghề phụ, đến nay, hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Địa phương có 18 xã trong vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ với tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản 1.832,4 ha, khu vực Cồn Trường với diện tích hơn 300 ha đang nuôi trồng thủy sản hiệu quả. Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đã mang lại thu nhập cao, năm 2019 diện tích nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng đạt 126 ha, gấp 2,5 lần so với năm 2011, năng suất đạt từ 20 đến 30 tấn/ha/vụ, mỗi năm 2 vụ. Đã có 3,1 ha được đầu tư nhà màng để nuôi thâm canh theo hướng công nghệ cao cho năng suất đạt 35 đến 40 tấn/ha/vụ và có thể nuôi 3 vụ trong năm, cho thu nhập từ 3,5 đến 4 tỷ đồng/ha/vụ. Giá trị thu nhập trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản toàn huyện đã đạt 176,3 triệu đồng/ha, tăng 53,5 triệu đồng/ha so với năm 2011.

Phát triển kinh tế du lịch của Hoằng Hóa đã trở thành điển hình trong tỉnh những năm qua. Từ năm 2011 đến nay, Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến đã thu hút nguồn vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó có tập đoàn lớn như Flamingo đến đầu tư. Đến nay, toàn khu du lịch đã có 5.830 phòng nghỉ, năm 2019 đón được 1,5 triệu lượt khách (tăng 30 lần so với năm 2012), doanh thu đạt 1.725 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 3.500 lao động ở các địa phương trong huyện. Hiện du lịch Hải Tiến đã và đang kết nối với các điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện như Khu Văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường (xã Hoằng Trường), Khu Di tích quốc gia Bảng Môn Đình và cụm di tích xã Hoằng Lộc, đền Tô Hiến Thành, xã Hoằng Tiến, chùa Hồi Long, xã Hoằng Thanh, phủ Vàng, xã Hoằng Xuân...

Qua xây dựng NTM, Hoằng Hóa đã có diện mạo khang trang, đời sống Nhân dân ngày càng khá giả. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân, doanh nghiệp và thuộc tốp dẫn đầu các huyện trong tỉnh. Thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt hơn 45,6 triệu đồng/người/năm, gấp hơn 3,6 lần so với năm 2011, cao hơn so với mức bình quân chung của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,03%... Phấn đấu đến năm 2025, mỗi xã trên địa bàn có ít nhất 1 thôn đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu; 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 xã đạt NTM kiểu mẫu trở lên.

Bài và ảnh: Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/cac-tieu-chi-diem-nhan-cho-huyen-nong-thon-moi-o-hoang-hoa/119522.htm