Các thương vụ chạy đua vũ khí hiện đại

Mỹ phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu. Nga đưa vào sử dụng tàu ngầm gián điệp siêu bí mật. Còn Anh triển khai chiến đấu cơ tối tân Typhoon. Các cường quốc đang mở cuộc đua kinh doanh những thương vụ vũ khí hiện đại.

Mỹ phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu :

Trong khi còn rất nhiều trục trặc cần được sửa chữa trên tiêm kích tấn công liên hợp Joint Strike F-35, thì Mỹ đã có dự án chế tạo thế hệ chiến đấu cơ thứ 6. Người phát ngôn của Văn phòng Chương trình Liên hợp Chiến đấu cơ Joe DellaVedova cho biết: “Hiện quá trình chỉnh sửa và nâng cấp 15 chiếc F-35A vẫn đang được triển khai nhanh chóng, dự kiến chúng sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2016”.

Được biết, chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 của Mỹ dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa những năm 2030, chúng sẽ thay thế phi đội F/A-18 vốn dĩ sẽ dừng hoạt động trong năm 2035. Theo các chuyên gia, một trong những tính năng ưu việt của tiêm kích thế hệ mới là chế tạo“vỏ thông minh”, kết hợp các thiết bị cảm ứng và điện tử vào thân máy bay, nhằm giảm tải trọng lượng và lực cản khi nó bay.

Mô hình máy bay thế hệ thứ 6 do tập đoàn vũ khí Northrop Grumman thiết kế (Ảnh: AP).

Việc tìm cách để nâng cấp sự tự động cũng được các kỹ sư quân sự chú ý tới với mong muốn F-35 sẽ là chiếc máy bay người lái cuối cùng của lực lượng không quân Mỹ. Chiến đấu cơ đời mới cũng sẽ được trang bị thêm nhiều hệ thống vũ khí tương lai, bao gồm tên lửa siêu thanh, vũ khí bắn tia laser cũng như hệ thống tấn công điện tử.

Dự tính chi phí để sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 sẽ không ít hơn 1,5 nghìn tỷ USD mà chính phủ Mỹ sẽ phải bỏ ra.

Tàu ngầm gián điệp siêu bí mật của Nga:

Trong giai đoạn gần 2 thập kỷ, chiếc tàu ngầm cỡ lớn Podmoskovie đã được sửa đổi để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt. Vào đầu tháng 10/2016, một chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo (SSBN) của Nga được gọi là Podmoskovie đã rời cảng Severodvinsk lần đầu tiên sau 16 năm. Nhưng BSS-64 Podmoskovie không phải là một chiếc tàu ngầm bình thường. Những hình ảnh về việc tàu Podmoskovie rời khỏi cảng nhà máy để tiến hành đợt thử nghiệm trên biển đã xuất hiện hôm 22/10.

Podmoskovie có nhiều điểm giống với tàu ngầm bí mật USS Jimmy Carter của Hải quân Mỹ, vốn được sửa đổi nhiều từ tàu ngầm thuộc lớp Seawolf để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Podmoskovie được cho là có tính năng tương tự USS Jimmy Carter: được bổ sung thêm 1 module độc đáo dài hơn 30m (Multi-Mission Platform – MMP) cho phép triển khai các phương tiện không người lái và hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm.

Tàu ngầm gián điệp siêu bí mật của Nga Podmoskovie thử nghiệm trên biển (Ảnh Reuters).

Podmoskovie có khả năng triển khai và thu hồi các phương tiện không người lái dưới nước, chẳng hạn như tàu ngầm không người lái Klavesin-1R được Viện công nghệ hàng hải của Nga phát triển. Chiếc tàu ngầm này có thể lặn sâu tới 6.000m, được trang bị nhiều sonar tần số cao và thấp. Podmoskovie được cho là có thể mang theo tàu ngầm hạt nhân mini năng lượng hạt nhân AS-12 Losharik được thiết kế cho các nhiệm vụ tình báo và tác chiến đặc biệt ở độ sâu hơn 6.000m.

Theo các chuyên gia, Podmoskovie cũng có thể mang theo tàu ngầm năng lượng hạt nhân mini thuộc dự án 1851 Paltus và 1910 Kashalot, vừa có vai trò nghiên cứu, vừa phục vụ các hoạt động quân sự. Sau khi hoàn tất các đợt thử nghiệm trên biển, Podmoskovie dự kiến sẽ gia nhập Lữ đoàn tàu ngầm số 29 thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga.

Chiến đấu cơ Anh sắp tới Romania:

Reuters đưa tin chiều 27/10 (giờ VN), Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF) sẽ triển khai máy bay chiến đấu Typhoon tới Romania trong năm 2017, sẽ đóng tại căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu thuộc Đông - Nam Romania trong thời gian khoảng 4 tháng với nhiệm vụ tham gia tuần tra trên không, và ngăn chặn các hoạt động xâm phạm không phận của khối NATO.

Chiến đấu cơ Anh sắp tới Romania bảo vệ không phận (Ảnh: AFP).

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng những nước trong NATO đang họp tại Brussels (Bỉ) trong hai ngày 26-27/10 để thảo luận về việc củng cố sự hiện diện quân sự của liên minh ở khu vực Đông Âu và Biển Đen. Anh là nước thành viên thứ hai trong NATO cam kết triển khai lực lượng quân sự tới Romania, sau Mỹ.

Để có được một lực lượng không quân hùng mạnh, hàng năm chính phủ Anh đã phải chi ra nhiều tỷ bảng. Không những thế, họ còn phải lo chạy “bở hơi tai” trong các dự án mật chế tạo một số vũ khí hiện đại, trong đó có chiến đấu cơ Typhoon.

Anh Dũng (Theo Reuters, 10/2016)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/cac-thuong-vu-chay-dua-vu-khi-hien-dai-d48806.html