Các thầy cô giáo trên thế giới được tri ân như thế nào?

'Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý'. Chính vì vậy không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới cũng có những ngày lễ tôn vinh thầy cô giáo. Hãy cùng tìm hiểu xem có gì khác biệt giữa từng quốc gia nhé!

Từ năm 1994, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã lấy ngày 5/10 hàng năm là Ngày Nhà giáo thế giới, với mục đích thu hút sự chú ý của xã hội đến tình trạng của các nhà giáo, vai trò của họ trong việc hình thành và phát triển xã hội, đồng thời huy động sự hỗ trợ cho các giáo viên và để đảm bảo rằng các nhu cầu của các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục được các giáo viên đáp ứng.

Hiện nay, khoảng 100 quốc gia tham gia kỷ niệm Ngày Nhà giáo thế giới. Ngoài ra, nhiều quốc gia còn tổ chức ngày nhà giáo của riêng mình.

Hoa Kỳ

(Ảnh: Pinterest)

Tổ chức giáo dục Liên bang (National Education Association - NEA) đã chọn ngày 6/5 hàng năm để tôn vinh những người làm công việc "gõ đầu trẻ" tại đất nước này. Thậm chí, tuần lễ xuất hiện ngày 6/5 cũng được coi là Tuần Nhà giáo Hoa Kỳ.

Ấn Độ

(Ảnh: Robomate Plus)

Tại Ấn Độ, ngày của giáo viên được tổ chức vào ngày 05/09 – trùng ngày sinh của Tiến sỹ Sarvepalli Radhakrishnan, Tổng thống thứ hai của Ấn Độ. Ngày này, sinh viên trong trường học có trách nhiệm giảng dạy đàn em của họ cách thức bày tỏ, lòng biết ơn tới các giáo viên.

Hàn Quốc

(Ảnh: Kore Asian Media)

Từ năm 1965, Hàn Quốc tổ chức Ngày Nhà giáo vào ngày 15/5 là sinh nhật của Sejong Đại đế - người đã có công đưa bảng chữ cái tiếng Triều Tiên vào sử dụng. Vào ngày này, các học sinh tặng thầy cô giáo của họ những bông hoa cẩm chướng để biểu hiện tình yêu và lòng tôn kính. Hiện nay nhiều trường học ở nước này đóng cửa vào Ngày Giáo viên trước tình trạng học sinh tặng những món quà đắt tiền cho giáo viên.

Trung Quốc

(Ảnh: China.org.cn)

Đến ngày 21/02/1985, quốc gia này đã thống nhất chọn ngày 10/09 năm là ngày Hiến chương Nhà giáo của mình. Ngày nay, nhiều người Trung Quốc muốn chuyển ngày lễ này sang ngày 28/09 là ngày sinh của Khổng Tử. Là một quốc gia phương Đông vốn có truyền thống coi trọng đạo lý “tôn sư trọng đạo”, nhiều thế hệ học sinh cũng như các bậc ông bà, cha mẹ Trung Quốc đến viếng thăm các đền miếu thờ những vị hiền triết có công tạo dựng nền giáo dục và triết lý sống nhân sinh quan của Trung Quốc như Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử...

Thái Lan

(Ảnh: Pinterest)

Tại Thái Lan, ngày của giáo viên được tổ chức vào ngày 16/01. Trong ngày này, tất cả các trường đều cho học sinh nghỉ học và tổ chức mít-tinh, biểu diễn văn nghệ chào mừng.

Đặc biệt nhiều trường phổ thông còn tổ chức những buổi lễ kỷ niệm đậm màu sắc tôn giáo, các nhà sư sẽ cầu nguyện cho toàn thể giáo viên và học sinh dâng hoa lên những người thầy của mình.

Nga

(Ảnh: Shutterstock)

Ở Nga, từ năm 1965 - 1994, ngày Nhà giáo là ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 10. Từ năm 1994, ngày Nhà giáo Nga được lấy theo ngày Nhà giáo Quốc tế 5/10. Đây là ngày học sinh Nga tặng hoa và quà cho giáo viên.

Iran

(Ảnh: ISNA)

Ở Iran, ngày Nhà giáo là ngày 2/5, ngày tưởng niệm sự hy sinh của Morteza Motahari - một giáo sĩ, triết gia, giảng viên, và chính trị gia Iran. Ông bị ám sát ngày 1/5/1979 khi đang giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Cách mạng Hồi giáo Iran.

Phillipines

(Ảnh: Inquirer News)

Ở Philippines, ngày Nhà giáo chính thức là ngày 5/10, nhưng thường được tổ chức vào những ngày khác nhau trong khoảng tháng 9 hay tháng 10 tùy theo các trường. Vào ngày này, các thầy cô thường được học sinh, sinh viên tặng quà và các học sinh cũng thường tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ.

Chile

(Ảnh: Isuchile16)

Ở Chile, vào năm 1975, ngày 10/12 được chọn làm ngày Nhà giáo vì đây là ngày nhà thơ Chile Gabriela Mistrall đoạt Giải Nobel năm 1945. Đến năm 1977, ngày Nhà giáo lại chuyển sang ngày 16/10, ngày mà trường Cao đẳng Sư phạm Chile được thành lập.

CH Séc

(Ảnh: Pinterest)

Ở CH Séc, ngày Nhà giáo là ngày 28/3, ngày sinh của Comenius - triết gia, nhà giáo dục và nhà thần học thời Trung cổ. Thông thường thì không có hoạt động kỷ niệm chính thức trong ngày Nhà giáo của CH Séc, nhưng các thầy cô giáo cũng tặng quà cho nhau trong ngày này.

Ba Lan

(Ảnh: Comenius Project)

Tại Ba Lan, ngày 14/10 được coi là Ngày Nhà giáo, để kỷ niệm thành lập Ủy ban Giáo dục Quốc gia ngày 14/10/1773 qua sáng kiến của vua Stanisoaw Poniatowski. Vào ngày này, học sinh thường tặng hoa và kẹo cho giáo viên. Ngoài ra còn học sinh còn diễn kịch và các hoạt động khác.

Peru

(Ảnh: Developing World Connections)

Ở Peru, ngày Nhà giáo là ngày 6/7. Ngày này bắt nguồn từ sự kiện trong cuộc Chiến tranh giành độc lập Peru, vào ngày 6/7/1822, nhà lãnh đạo José de San Martín đã thành lập trường học đầu tiên (dành cho nam giới) dựa vào nghị quyết được thông qua bởi Hầu tước xứ Torre Tagle José Bernardo de Tagle.

Nhật Bản

Điều bất ngờ là tại một quốc gia lớn như Nhật Bản, ngày Nhà giáo lại không thịnh hành và rất ít người quan tâm. Người Nhật quan niệm nếu tổ chức ngày Giáo viên thì sẽ khơi dậy trong dư luận sự đố kỵ giữa các nghề nghiệp khác. Không chỉ có nghề giáo mà còn nghề Y, nghề Luật sư, Kỹ sư... cũng đáng vinh danh.

Huyền Trang / MASK Online

Nguồn ĐẹpPlus: http://depplus.vn/73/cac-thay-co-giao-tren-the-gioi-duoc-tri-an-nhu-the-nao-61362