Các tập đoàn lãi tỷ USD ở Việt Nam

Năm 2021, khối doanh nghiệp tư nhân vươn lên mạnh mẽ bất chấp đại dịch Covid-19. Thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp trong danh sách có lợi nhuận hơn tỷ USD.

Nền kinh tế Việt Nam trải qua thêm một năm khó khăn bởi đại dịch Covid-19, nhất là khi các thành phố lớn có nhiều tháng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội thắt chặt. GDP Việt Nam năm ngoái chỉ tăng 2,58%, là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây.

Trong khi các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ và một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề thì thị trường vẫn ghi nhận nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn kinh doanh rất hiệu nhờ mô hình hoạt động ổn định.

Nền kinh tế trong nước ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế lãi với con số hàng tỷ USD và tiếp tục bành trướng về quy mô hoạt động.

Khối tư nhân trỗi dậy

Nếu như trước đây các doanh nghiệp nước ngoài xuất hiện chủ yếu trong danh sách các tập đoàn lãi tỷ USD ở Việt Nam thì các năm gần đây xuất hiện thêm các doanh nghiệp hàng đầu trong nước, đặc biệt là khối tư nhân.

Vinhomes mới đây công bố báo cáo kinh doanh năm 2021 với con số doanh thu thuần hợp nhất tăng trưởng 19% lên mức gần 85.100 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tăng nguồn thu từ chuyển nhượng bất động sản.

Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 48.469 tỷ đồng và lãi ròng 39.017 tỷ đồng (1,7 tỷ USD), tăng tương ứng 33% và 43% so với năm 2020.

Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Con số này cũng là mức cao nhất trong số các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán và kể cả khối doanh nghiệp trong nước.

Trong năm vừa qua, tổng tài sản của Vinhomes cũng được phình to lên hơn 230.000 tỷ đồng (6,5 tỷ USD), tăng gần 7% so với thời điểm đầu năm.

Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long cũng mới báo lãi trước thuế kỷ lục 37.057 tỷ đồng (1,6 tỷ USD), tăng 141% so với năm trước đó và trở thành công ty có lợi nhuận cao nhì sàn chứng khoán.

Năm ngoái tập đoàn thép lớn nhất cả nước cung cấp cho thị trường tổng cộng 8,8 triệu tấn thép bao gồm phôi, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép và tôn mạ, tăng 35% so với cùng kỳ.

Vị thế lớn giúp Hòa Phát ghi nhận doanh thu lên mức kỷ lục trong hoạt động đạt 150.800 tỷ đồng (gần 5,1 tỷ USD). Đây cũng là nguồn thu lớn thứ hai trên sàn chứng khoán, chỉ xếp sau Petrolimex.

Khối ngân hàng tư nhân trong năm vừa qua cũng vươn lên mạnh mẽ. Trong đó Techcombank vừa báo cáo năm làm ăn hiệu quả nhất từ trước đến nay.

Ngân hàng có liên quan đến Masan Group này ghi nhận 37.100 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 35% so với năm liền trước. Nguồn thu chủ yếu đến thu nhập từ hoạt động cho vay khi đóng hơn 26.700 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo Techcombank cho biết ngân hàng đã thu về khoản lợi nhuận trước thuế cao kỷ lục khoảng 23.238 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD. So với năm 2020, mức lãi trước thuế này đã tăng 47%.

Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của Techcombank ước đạt 568.800 tỷ đồng, mở rộng thêm 29% so với thời điểm đầu năm. Trong đó tổng dư nợ tín dụng của khách hàng đạt 388.300 tỷ, tăng trên 22% và tương đương hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp.

Trường hợp đặc biệt năm nay còn có VPBank với kết quả khá bất ngờ ở báo cáo tài chính riêng. Ngân hàng mẹ ghi nhận tổng thu nhập cao gấp 2,5 lần so với năm trước lên tới 51.870 tỷ đồng, tương đương quy mô thu nhập của ngân hàng mẹ nhóm quốc doanh.

Ngoài ra, ngân hàng được điều hành bởi Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng còn có nguồn thu đột biến hơn 20.000 tỷ đồng đến từ thương vụ bán vốn FE Credit.

Cộng thêm các mảng kinh doanh cũng đều tăng trưởng giúp ngân hàng mẹ VPBank đã thu về khoản lợi nhuận trước thuế cao kỷ lục 37.963 tỷ đồng trong năm 2021. Đây là mức lợi nhuận cao nhất tính riêng tại nhóm ngân hàng mẹ.

Dù vậy đây chỉ là lợi nhuận trên báo cáo tài chính riêng. Còn về hợp nhất thì VPBank vẫn chưa ghi nhận kết quả từ thương vụ bán FE Credit nên chỉ có lãi trước thuế 14.580 tỷ đồng, tăng tương ứng gần 12%.

Tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt trên 547.600 tỷ đồng, tăng gần 31% so với thời điểm đầu năm. Hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất là tiền gửi khách hàng và cho vay khách hàng đạt lần lượt 241.800 tỷ và 355.300 tỷ đồng, cao hơn 3,6% và 22,2% so với cuối năm trước đó.

PVN vượt lợi nhuận Viettel

Khối doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế cũng có một năm kinh doanh tăng trưởng bất chấp những khó khăn đến từ đại dịch.

Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), tổng doanh thu của nhóm công ty mẹ của 19 tập đoàn và tổng công ty nhà nước đạt hơn 816.000 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2020.

Trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam - PVN) hưởng lợi rất lớn khi các hoạt động chính như khai thác dầu, sản xuất phân bón đều tăng trưởng rất tích cực trong năm vừa qua. Các chỉ tiêu sản xuất phần lớn đều vượt kế hoạch 14-40 ngày.

PVN theo đó ghi nhận tổng doanh thu 620.200 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2020. Mức lãi trước thuế 45.000 tỷ đồng, vượt 2,6 lần kế hoạch năm và tăng 2,2 lần so với năm trước đó.

Lợi nhuận cao đột biến trong năm 2021 nhờ giá dầu diễn biến tích cực đã giúp PVN trở thành doanh nghiệp nhà nước có lãi cao nhất toàn khối. Hiện phần vốn nhà nước tại PVN thuộc quản lý của CMSC.

 PVN vượt Viettel trở thành doanh nghiệp nhà nước lãi lớn nhất năm 2021.

PVN vượt Viettel trở thành doanh nghiệp nhà nước lãi lớn nhất năm 2021.

Trong khi đó Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng có tăng trưởng trong năm đại dịch. Quy mô doanh thu đạt khoảng 274.000 tỷ đồng, tăng trưởng 3,3% so với năm 2020.

Lợi nhuận trước thuế theo đó đạt 40.100 tỷ đồng, tăng trưởng 2% so với năm liền trước và bị PVN vượt qua. Giá trị nộp ngân sách gần 32.000 tỷ đồng.

Hiện phần vốn Nhà nước tại Viettel thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng. Viettel vẫn đang duy trì vị thế dẫn đầu lĩnh vực viễn thông, là nhà cung cấp phủ sóng 5G lớn nhất trong nước và mở rộng hoạt động tại nhiều khu vực trên thế giới.

Ngân hàng quốc doanh Vietcombank tiếp tục lọt vào danh sách lãi tỷ USD với lợi nhuận trước thuế 27.376 tỷ, cao hơn 19% so với năm liền trước (tương đương mức tăng ròng hơn 4.300 tỷ đồng).

Xét riêng khối ngân hàng, Vietcombank vẫn là đơn vị có lợi nhuận trước thuế hợp nhất cao nhất hệ thống. Nhà băng này có lãi hợp nhất lớn thứ 3 trên sàn chứng khoán.

Ngoài khối doanh nghiệp trong nước thì khối doanh nghiệp FDI cũng có quy mô đáng kể. Trong đó Samsung Việt Nam vẫn có vị thế rất lớn với doanh thu năm ngoái đạt 74,2 tỷ USD, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm 2020 và tương đương 20% GDP của Việt Nam.

Samsung đang vận hành tất cả 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM, một trung tâm R&D và một pháp nhân bán hàng. Tổ hợp này đã có lợi nhuận năm 2020 vào khoảng 4 tỷ USD (chưa công bố năm 2021), cao nhất trong các khối doanh nghiệp.

Bên cạnh Samsung thì khối nước ngoài còn một số cái tên đáng chú ý khác như Honda Việt Nam lãi trên 1 tỷ USD cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021 hay C.P. Group (Thái Lan) năm 2020 cũng đã tiệm cận mức này.

Huy Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-tap-doan-lai-ty-usd-o-viet-nam-post1293386.html