Các tập đoàn đa quốc gia: Chạy đua vào thị trường Việt

Thị trường trong nước đang đứng trước làn sóng đầu tư mới ồ ạt tràn vào. Theo ông Don Lam, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Vina Capital, tại thời điểm này Việt Nam thật sự là một thị trường mới nổi với nhiều cơ hội đầu tư lớn cho nhà đầu tư.

Nhìn nhận về cơ hội trong đầu tư không ít ông chủ ngoại nhận định, lự hút từ thị trường Việt Nam ngày càng mạnh, không chỉ dừng lại ở những nhà đầu tư truyền thống mà Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư mới.

Amata Corporation Plc của Thái Lan cho biết, Tập đoàn này đang chuẩn bị khởi động đầu tư dự án Khu công nghiệp công nghệ cao và Khu đô thị dịch vụ cao cấp tại tỉnh Đồng Nai. Thỏa thuận hợp tác đầu tư sẽ được ký vào cuối năm nay. Theo đó, dự án trên sẽ được triển khai xây dựng trong năm 2016 trên diện tích 1.285ha tại huyện Long Thành, với tổng vốn đầu tư lên đến 350 triệu USD. Dự án sẽ hoàn thành trong vòng từ 10-15 năm, trong đó, vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản trong khu công nghiệp công nghệ cao Amata sẽ chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư toàn dự án. Ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch Hội đồng quản trị Amata Thái Lan cho rằng, chi phí lao động chỉ một nửa so với tại Thái Lan, do đó các ngành công nghiệp sản xuất vẫn còn rất nhiều tiềm năng mở rộng phát triển.

Một "ông lớn” truyền thống đáng chú kể từ khi gia nhập thị trường đầu tư Việt Nam chính là Singapore. Hiện Singapore đang là đối tác đầu tư FDI thứ 4 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trên 800 triệu USD, chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Theo đó,các tập đoàn tài chính, dịch vụ, phát triển hạ tầng, bất động sản lớn của Singapore đã có nhiều dự án kinh doanh tại Việt Nam. Vừa qua, tỉnh Kiên Giang chủ động "bật đèn xanh” về việc chấp thuận chủ trương đầu tư phát triển một khu công nghiệp VSIP tại huyện đảo Phú Quốc. Trước đó, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VISP) là một trong những điển hình với 6 khu công nghiệp tại Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quang Ngãi đã thu hút được trên 460 dự án đầu tư trong và ngoài nước và đạt gần 6,9 tỷ USD vốn đăng ký đang hoạt động có hiệu quả. Để đuổi kịp các nhà đầu tư khác trong việc tìm kiếm thị trường, Tập đoàn Microchip hàng đầu của Mỹ mới đây đặt vấn đề với lãnh đạo UBND TPHCM về việc mong muốn được đầu tư một khu công nghiệp sản xuất vi mạch điện tử đặt tại huyện Củ Chi.

Theo các chuyên gia kinh tế quốc tế, có nhiều nguyên nhân để dự báo dòng vốn đầu tư quốc tế đang hướng vào Việt Nam. Nguyên nhân căn bản nhất đó là Chính phủ Việt Nam đang rốt ráo thực hiện chính sách cải cách nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Song song đó, Việt Nam rất quyết tâm "chỉnh đốn” mạnh mẽ 3 trụ cột của nền kinh tế, bao gồm: tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng. Đây là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư tại Việt Nam.

TS Marc Faber, chuyên gia tài chính, Chủ tịch điều hành Marc Faber Ltd. tại Chiang Mai (Thái Lan) nhận định, trong vòng 10 năm tới Việt Nam sẽ là một trong những thị trường thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, để có được kết quả tốt trong thu hút đầu tư đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải giảm bớt sự can thiệp hành chính đối với nền kinh tế. Đặc biệt, đẩy mạnh cổ phần hóa hệ thống DNNN.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=88360&menu=1372&style=1