Các sự kiện nổi bật của PVN trong tuần từ 4/8 đến 11/8

Tổng hợp các sự kiện nổi bật của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từ ngày 4/8 đến ngày 11/8/2018.

1. PVOIL thông báo thay đổi tên giao dịch và con dấu

Vừa qua, Tổng công ty Dầu Việt Nam - Công ty cổ phần đã gửi thông báo đến các quý cơ quan, đơn vị, quý khách hàng và đối tác về việc chuyển đổi loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tên giao dịch và con dấu.

Chuyển đổi loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh

Tổng công ty Dầu Việt Nam - Công ty TNHH MTV chính thức chuyển đổi thành Tổng công ty Dầu Việt Nam - Công ty cổ phần từ ngày 1/8/2018.

Thông tin giao dịch Tổng công ty Dầu Việt Nam - Công ty cổ phần

Tên tiếng Việt: TỔNG CÔNG TY DẦU VIỆT NAM - CÔNG TY CỔ PHẦN

Tên bằng tiếng nước ngoài: PETROVIETNAM OIL CORPORATION

Tên viết tắt: PVOIL

Địa chỉ trụ sở chính: Tầng 14-18, Tòa nhà Petrovietnam Tower, số 1-5 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM

Điện thoại: 028.3910.6990

Fax: 028.3910.6980

Mã số thuế: 0305795054

Người đại diện theo pháp luật: Ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc

Kể từ ngày 1/8/2018, đề nghị quý cơ quan, đơn vị, quý khách hàng và quý đối tác thực hiện giao dịch, phát hành hóa đơn tài chính cho Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP theo thông tin nêu trên.

2. NMLD Dung Quất luôn là điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường

Ngày 6/8, Đoàn công tác của Cục Cảnh sát Môi trường C49 đến làm việc và kiểm tra thực tế tại Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR). Đoàn công tác đã phối hợp thu thập thông tin, tài liệu, đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường tại BSR.

Đoàn công tác của Cục Cảnh sát Môi trường C49 kiểm tra Hệ thống xử lý nước thải NMLD Dung Quất

BSR đã xây dựng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có hệ thống quản lý môi trường được xây dựng theo tiêu chuẩn ISO 14001. Năm 2017 và 2018, NMLD Dung Quất liên tiếp đạt “TOP 10 Nhà máy xanh thân thiện” do Trung ương Hội Kinh tế Môi trường trao tặng.

Chất thải và công tác xử lý chất thải của nhà máy được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, độ độc hại của các chất thải (khí, lỏng, rắn) đưa ra môi trường bên ngoài hầu hết đều thấp hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định. BSR đã đầu tư các hệ thống trang thiết bị xử lý chất thải hiện đại và BSR thường xuyên tổ chức các chương trình diễn tập xử lý ứng phó sự cố môi trường (ứng phó sự cố tràn dầu, ứng phó sự cố hóa chất, ứng phó sự cố bức xạ, PCCC) theo định kỳ hằng quý và hằng năm với quy mô trong nhà máy, trong khu vực và cấp tỉnh. Các chất thải khi đưa ra môi trường bên ngoài luôn được sự giám sát, kiểm tra và chấp thuận của cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi.

3. PTSC tổng kết thực hiện kế hoạch phối hợp bảo vệ an ninh trật tự, an toàn dầu khí

Chiều ngày 03/8/2018 tại trụ sở Công ty Tàu Dịch vụ Dầu khí, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã tổ chức “Lễ Tổng kết thực hiện Kế hoạch phối hợp bảo vệ an ninh trật tự, an toàn dầu khí số 153/KHPH/CAT-PTSC và ký kết Kế hoạch phối hợp giai đoạn mới”.

Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và PTSC ký kết kế hoạch phối hợp giai đoạn mới

Tại buổi lễ, đại diện Công an tỉnh BR-VT và Tổng công ty PTSC đã trao đổi, tham luận nhằm tổng kết, đánh giá lại những mặt công tác đã làm được cũng như những tồn tại, hạn chế, đưa ra các giải pháp, biện pháp đảm bảo triển khai hiệu quả công tác an ninh trật tự tại địa bàn.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Công an tỉnh BR-VT và Tổng công ty PTSC trong công tác nói trên, đại diện Lãnh đạo Công an tỉnh BR-VT và Tổng công ty PTSC đã ký kết Kế hoạch phối hợp bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí trong giai đoạn kế tiếp.

4. Lấy ý kiến bổ sung thuế dầu thô và khí thiên nhiên vào Luật Quản lý thuế

Ngày 7/8, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Tư vấn thuế tổ chức Hội thảo góp ý về Luật Quản lý thuế. Đặc biệt, Ban soạn thảo đã bổ sung thuế về dầu thô và khí tự nhiên vào chương trình nhằm mục đích đảm bảo sự minh bạch và tránh tình trạng thuế chồng thuế đối với ngành Dầu khí.

Toàn cảnh Hội thảo góp ý về Luật Quản lý thuế.

Trao đổi với phóng viên Petrotimes, Vụ trưởng Vụ Chính sách Lưu Đức Huy cho biết thêm, việc đưa thuế về dầu thô và khí thiên nhiên vào Luật Quản lý thuế sẽ làm rõ ràng, minh bạch về thuế đối với khai thác dầu thô và khí thiên nhiên, tránh hiện tượng thuế chồng thuế như phản ánh của các doanh nghiệp thăm dò và khai thác dầu khí trong nhiều năm qua.

Có thể thấy rằng, việc công khai, minh bạch đối với các chính sách thuế là đặc biệt cần thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, thuế đối với thăm dò khai thác dầu khí là việc cấp bách để ngành Dầu khí có thể hoạt động ổn định, bền vững trong tương lai.

5. Giữ nhịp sản xuất, PVN nộp ngân sách Nhà nước 61,8 ngàn tỷ, vượt 46% kế hoạch 7 tháng

Trong tháng 7, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tiếp tục được triển khai theo kế hoạch đề ra với 1 phát hiện dầu khí mới tại giếng Mèo Trắng Đông-1X (lô 09-1, VSP). Tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 7 đạt 2,04 triệu tấn, tính chung 7 tháng đạt 14,48 triệu tấn.

Người lao động PVGAS

Sản xuất đạm tháng 7 đạt 142,2 ngàn tấn, tính chung 7 tháng đạt 969 ngàn tấn. Sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn tháng 7 đạt 975 ngàn tấn, trong đó: Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đạt 391 ngàn tấn; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt 539 nghìn tấn. Tính chung 7 tháng đầu năm, sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn đạt 4,85 triệu tấn. Sản xuất sợi các loại tháng 7 đạt 200 tấn, tính chung từ 20/4 (thời điểm đưa 3 dây chuyền sợi của Nhà máy Xợi Đình Vũ vào sản xuất) đến nay đạt 640 tấn. Đến ngày 24/7/2018 đã xuất bán 246 tấn sợi, với doanh thu đạt 9,5 tỷ đồng. Kế hoạch tháng 8 dự kiến sản xuất 265 tấn sợi DTY. Sản lượng điện sản xuất của Tập đoàn đạt 1,68 tỷ kWh trong tháng 7. Tính chung 7 tháng, sản xuất điện của PVN 13,48 tỷ kWh.

Về chỉ tiêu tài chính, tổng doanh thu toàn Tập đoàn 7 tháng đạt 332,2 ngàn tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn 7 tháng đạt 61,8 ngàn tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế 7 tháng đạt 17,8 ngàn tỷ đồng, vượt 32% so với kế hoạch 7 tháng và bằng 94% kế hoạch năm.

6. PV Power nâng cao kinh nghiệm triển khai nhà máy điện khí LNG

Ngày 8/8/2018, tại Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) đã tổ chức Hội thảo “Mô hình đầu tư các nhà máy điện (NMĐ) sử dụng khí LNG nhập khẩu”.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu về chuỗi dự án khí LNG Thị Vải – nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 tới các đối tác, các đơn vị tư vấn, các ngân hàng/tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để trao đổi kinh nghiệm về công nghệ nhà máy điện khí, công tác quản lý đầu tư xây dựng, công tác thu xếp vốn cho dự án.

Hội thảo đã được nghe các diễn giả đến từ các đơn vị như PVGAS, Poyry, SS&A, Citibank trình bày các nội dung quan trọng đối với việc phát triển dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu như thông tin về Dự án kho chứa LNG Thị Vải; phương án cung ứng LNG nhập khẩu cho NMĐ Nhơn Trạch 3&4; kinh nghiệm triển khai các dự án điện sử dụng LNG; công nghệ turbine khí áp dụng cho NMĐ khí sử dụng LNG; kinh nghiệm thu xếp vốn cho các dự án điện.

7. Thủ tướng kết luận về Dự án Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang ngày 9/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với chủ trương Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chuyển giao Dự án Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, Tiền Giang về tỉnh tiếp tục quản lý, sử dụng.

Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, Tiền Giang do Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), đơn vị thành viên của PVN làm chủ đầu tư có diện tích gần 285ha, nằm trên địa bàn các xã Gia Thuận, Vàm Láng thuộc địa bàn huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Trong quá trình làm chủ đầu tư Dự án từ năm 2010 đến nay, PVC đã triển khai đầu tư san lấp mặt bằng và thi công xây lắp một số hạng mục công trình.

Đồng chí Nguyễn Hùng Dũng- Thành viên HĐTV PVN báo cáo với Thủ tướng về việc chuyển giao dự án Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp

Thủ tướng chỉ đạo các vấn đề sau: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhanh chóng giải quyết dứt điểm nghĩa vụ tài chính liên quan với Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và nhận lại dự án từ PVC để thực hiện chuyển giao lại cho tỉnh Tiền Giang. Thủ tướng giao các Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, cùng Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức bàn giao Dự án theo đúng quy định của pháp luật. Phía tỉnh Tiền Giang thực hiện thu hồi đất Dự án, quản lý, sử dụng, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án theo đúng quy định và sau đó thực hiện thanh toán lại cho PVN các chi phí đã thực hiện tại dự án theo kết quả kiểm toán.

8. DMC trao quyết định bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng

Ngày 6/8 tại Hà Nội, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (Tổng công ty DMC) đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và một số vị trí lãnh đạo chủ chốt nhằm kiện toàn bộ máy tổ chức của Tổng công ty.

Lãnh đạo Tập đoàn và DMC trao quyết định bổ nhiệm cho ông Trương Việt Phương và ông Trần Văn Trinh

Tại buổi lễ, đại diện DMC đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trương Việt Phương - cán bộ Ban Tài chính Kế toán PVN, nguyên Phó Trưởng Ban Tài chính PVN làm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty DMC và ông Trần Văn Trinh - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Tài chính Kế toán giữ chức vụ Kế toán trưởng.

Cũng tại buổi lễ, Tổng công ty DMC đã công bố và trao quyết định bổ nhiệm ông Hoàng Việt Hưng - Phó ban Kỹ thuật và An toàn môi trường giữ chức Trưởng Ban, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh - Trợ lý HĐQT giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng và ông Phạm Quang Văn - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hóa phẩm Dầu khí DMC - Miền Trung giữ chức vụ Phó Giám đốc Chi nhánh DMC-ITS.

9. Nhà máy LHD Nghi Sơn hướng tới vận hành 100% công suất

Hiện nay, Nhà máy LHD Nghi Sơn đang trên lộ trình hướng tới vận hành công suất tối đa (200.000 thùng dầu thô mỗi ngày). Dự kiến trong tháng 9/2018 Nhà máy sẽ đạt công suất tối đa, sau đó sẽ tiến hành các cuộc kiểm nghiệm và hoàn tất các thủ tục cần thiết để chính thức đi vào hoạt động thương mại vào giữa tháng 11/2018.

Toàn cảnh Nhà máy LHD Nghi Sơn.

Nhà máy dự kiến sẽ có thể xuất khẩu các sản phẩm nhiên liệu vào tháng 9 và tháng 10 tới, có thể là tới các thị trường ở châu Á, sau đó sẽ chuyển hướng hoàn toàn tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam.

Nhà máy LHD Nghi Sơn cũng sẽ bắt đầu sản xuất polypropylene và các sản phẩm hóa dầu khác từ năm 2019, và sẽ xuất bán cho các đối tác Nhật Bản và Kuwait. Nhà máy dự kiến sẽ tạm dừng để bảo dưỡng định kỳ vào tháng 4 và tháng 5 năm 2019.

H.A

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/cac-su-kien-noi-bat-cua-pvn-trong-tuan-tu-48-den-118-511257.html