Các startup Đông Nam Á sao chép mô hình Trung Quốc

Ra mắt tuần trước, Habitat ở Singapore được xem như là siêu thị thực phẩm của tương lai, nơi hội tụ các trải nghiệm thực tế của khách hàng với sự thuận tiện trong các khâu phục vụ do công nghệ mang đến.

Khách hàng chọn mua thực phẩm trong siêu thị Habitat ở Singapore.

Khách hàng đi thơ thẩn trong siêu thị rộng 6.000 m2, lướt nhìn những giá hàng chứa các sản phẩm nhập khẩu, nhặt đồ cần thiết vào xe đẩy. Tại khu vực tính tiền, không có những nhân viên thu ngân cùng những dòng người đứng xếp hàng chờ thanh toán. Khách đẩy xe lên băng chuyền nhìn hàng của mình biến mất sau những cánh cửa kim loại. Phía sau cánh cửa đó, hàng được tính tiền và đóng gói.

Trong lúc chờ lấy hàng, khách hàng có thể trải nghiệm ẩm thực Nhật, Ý, Hàn… ở các nhà hàng bên ngoài khu vực siêu thị, hoặc chờ mua hải sản tươi sống được lột vỏ tại chỗ và ướp đá chanh mang về.

Ý tưởng của Habitat gần giống với hệ thống siêu thị Hema ở Trung Quốc, được vận hành bởi người khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử Alibaba: Mua hàng ở siêu thị hoặc đặt hàng đem đến nhà? Có. Trả tiền qua điện thoại di động? Có.

Habitat cũng chỉ là một trong số những ý tưởng các công ty Đông Nam Á được sao chép từ những mô hình kinh doanh đã thành công từ Trung Quốc như WeChat của Tencent, hoặc Taobao và Alipay của Alibaba. Cách đây một thập kỷ, các công ty Trung Quốc sao chép mô hình từ Mỹ, khi nước đông dân nhất thế giới này vẫn còn đang chập chững những bước đầu tiên vào kỷ nguyên công nghệ mới. Và bây giờ, mô hình Trung Quốc lại được các nước khác sao chép.

Trào lưu “copy from China” thịnh hành ở Đông Nam Á là do khu vực này có những điểm tương đồng với Trung Quốc: dân số đông, tỷ lệ dùng smartphone lớn, và kết nối Internet lần đầu trực tiếp qua smartphone, trong khi hầu hết dân phương Tây bắt đầu cuộc sống online của họ với những chiếc máy tính. Đó là nhận xét của Hian Goh, người sáng lập công ty đầu tư Openspace Ventures ở Singapore, trên tờ báo SCMP.

Nền tảng chợ bán hàng điện tử CarouSell ở Singapore mới đây cũng vừa ra mắt hệ thống thanh toán CarouPay đóng vai trò như một bên trung gian thanh toán giữa người mua và người bán. Thông thường, khi mua bán online, người mua không muốn trả tiền trước khi nhận hàng, người bán không muốn giao hàng khi chưa thấy tiền. CarouPay đứng giữa, thu tiền của người mua giữ ở đấy, bao giờ người mua nhận được hàng, CarouPay mới chuyển tiền cho người bán.

CarouPay chẳng khác gì Alipay, đóng vai trò trung gian giữa người mua và người bán trên nền tảng thương mại điện tử Taobao của Alibaba. Mà Alipay thì lại nhái từ PayPal ở Mỹ. Các nước Đông Nam Á khác cũng đã đua nhau phát triển mô hình trung gian kiểu này.

Các công ty công nghệ làm trong những lĩnh vực dịch vụ khác như Grab, Go-Jek xem ra lấy cảm hứng từ Didi Chuxing và Meituan Dianping hơn là từ Uber, dù Uber phát minh ra mô hình chia sẻ phương tiện đi lại này. Didi Chuxing và Meituan Dianping đều có cổ phần trong Grab và Go-Jek.

Uber chỉ tập trung làm xe, mới đây lấn sang phần giao đồ ăn ở một số nước châu Á. Trong khi đó, Grab và Go-Jek muốn làm hết tất cả, giao nhận hàng hóa, mua bán thực phẩm, thuốc men… để trở thành “ứng dụng hàng ngày” cho mọi người. Tức là mô hình “siêu ứng dụng”, nơi tập hợp tất cả các dịch vụ trong một ứng dụng, mô hình sao chép từ ứng dụng WeChat của Tencent. Từ một ứng dụng nhắn tin đơn giản năm 2011, WeChat giờ đã trở thành ứng dụng “phải có” của hơn 1 tỉ dân Trung Quốc.

Chính Phong

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280791/cac-startup-dong-nam-a-sao-chep-mo-hinh-trung-quoc.html