Các quyền cơ bản của người tiêu dùng

Người tiêu dùng có những quyền cơ bản nào theo quy định của Luật BVQLNTD?

Điều 8 Luật BVQLNTD quy định người tiêu dùng có các quyền sau đây:

- Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

- Quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

- Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

- Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

- Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về BVQLNTD.

- Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Hàng giả, xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ là “quốc nạn”

Thông tin từ Tổng cục QLTT - Bộ Công thương: Tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là “quốc nạn” gây bức xúc và tác động tiêu cực đến người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư. Nạn hàng giả, xâm phạm quyền SHTT diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới tinh vi, chuyên nghiệp và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.

Mặt hàng thường được làm giả, xâm phạm SHTT nổi cộm bao gồm: Thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, điện tử...

Tại hội thảo về hàng giả và hàng nhái tại Việt Nam, Tổng cục Trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết như trên và nhấn mạnh: “Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng nhìn chung, công tác phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt là chưa đáp ứng được những mong muốn của các nhà sản xuất kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng. Kết quả chưa phản ánh hết thực tế vi phạm trên thị trường; công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm SHTT vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế và khó khăn.”

Xuân Trinh (Nguồn: Tổng cục QLTT - Bộ Công thương)

(Nguồn: Cục QLCT)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/cac-quyen-co-ban-cua-nguoi-tieu-dung-d72675.html