Các phương pháp điều trị đột quỵ tiên tiến trên thế giới đều được ứng dụng tại BV Bạch Mai

'Tất cả các phương pháp điều trị đột quỵ tiên tiến trên thế giới đang được ứng dụng thành công tại Bệnh viện Bạch Mai' - Đó là lời chia sẻ của PGS.TS Mai Duy Tôn - chuyên gia về đột quỵ tại khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) thông tin tại Hội nghị 'Tiếp cận toàn diện quy trình xử lý đột quỵ' do Hội Đột quỵ Việt Nam phối hợp với khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai tổ chức cuối tuần qua.

PGS Mai Duy Tôn

Đột quỵ não (tai biến mạch máu não - có thể do thiếu máu não hoặc xuất huyết não) là bệnh gây tổn thương các tế bào não do thiếu ôxy dẫn tới hậu quả bệnh nhân bị liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, mất trí nhớ, hôn mê … khả năng gây tử vong cao, hoặc gây tàn phế và là gánh nặng cho xã hội nên đột quỵ não luôn được coi là vấn đề thời sự của các nước đang phát triển.

Đột quỵ não không chỉ xảy ra ở người già mà hiện nay có rất nhiều người trẻ cũng bị đột quỵ. Tuy nhiên trên thực tế, đột quỵ do thiếu máu não thường gặp hơn với tỷ lệ: 2 đột quỵ thiếu máu não/ tổng số 3 bệnh nhân bị đột quỵ.

Đột quỵ não là một cấp cứu y khoa khẩn cấp. Vì vậy khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, người bệnh cần được chuyển ngay tới các cơ sở y tế gần nhất sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế.

“Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 - 4,5 giờ đầu sau khi được phát hiện các dấu hiệu đầu tiên) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong cửa sổ 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế di chứng rất cao. Tuy nhiên trên thực tế mới chỉ có khoảng 5% bệnh nhân đột quỵ được chuyển đến cơ sở y tế sớm” - PGS.TS Mai Duy Tôn - chuyên gia về đột quỵ tại khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) nói.

“Tất cả các phương pháp điều trị đột quỵ tiên tiến trên thế giới đang được ứng dụng thành công tại Bệnh viện Bạch Mai” - PGS.TS Mai Duy Tôn thông tin.

Cung cấp thêm thông tin về việc điều trị đột quỵ não, PGS.TS Vũ Đăng Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Điện quang BV Bạch Mai cho biết: “Trong cấp cứu đột quỵ nhồi máu não, chẩn đoán hình ảnh có vai trò rất quan trọng. Nhờ ứng dụng thêm các kỹ thuật can thiệp nội mạch, hiện nay trong điều trị đột quỵ ngoài tiêu sợi huyết trước 4,5 tiếng, người bệnh tổn thương do cục tắc lớn còn có thể được can thiệp lấy cục máu tắc qua đường mạch máu giúp tái thông mạch máu nhanh hơn, mở rộng thời gian điều trị thành công đến 6 tiếng, thậm chí có bệnh nhân sau 24 giờ đột quỵ đã được can thiệp thành công”.

Thời gian là yếu tố tiên quyết trong cấp cứu điều trị đột quỵ não cấp, vì thế việc chuyển giao kỹ thuật cho các thầy thuốc tại tuyến tỉnh, khu vực, thậm chí cả tuyến huyện nếu đáp ứng đầy đủ các vấn đề trang thiết bị là rất cần thiết và hiệu quả để bệnh nhân đột quỵ có cơ hội tiếp cận điều trị nhanh nhất với điều trị.

PGS.TS Vũ Đăng Lưu dẫn chứng: Gần đây (tháng 01/2018), nhờ đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, nhờ hội chẩn từ xa và hỗ trợ kịp thời, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã ứng dụng liệu pháp tiêu sợi huyết cấp cứu thành công cho 1 bệnh nhân nữ 68 tuổi bị đột quỵ do tiền sử tăng huyết áp.

Một điều đặc biệt đáng lưu ý, đó là nhiều người thường nhầm lẫn các dấu hiệu sớm của đột quỵ với hiện tượng “trúng gió, cảm”. Sai lầm đó có thể làm cho tình trạng bệnh trầm trọng thêm và mất đi cơ hội vàng, nguy hiểm đến tính mạng hoặc khả năng hồi phục cho người bệnh.

Theo PGS Mai Duy Tôn, khi nghi ngờ người bệnh bị đột quỵ - bằng quy tắc FAST thì người nhà hoặc những người ở gần bệnh nhân cần giữ cho người bệnh không bị ngã gây chấn thương thêm; Đặt người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng một bên để nếu bị nôn sẽ không gây sặc vào đường hô hấp, móc hết đờm dãi cho bệnh nhân dễ thở. Tận dụng tối đa 3 giờ đầu – giờ vàng, để đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đối với địa bàn miền núi, vùng sâu nếu không có điều kiện hãy di chuyển bệnh nhân bằng cáng, không nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy, tránh xóc khi di chuyển. Khi di chuyển, nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo.

F.A.S.T - “Quy tắc” để phát hiện sớm khi nghi ngờ đột quỵ:

Face: Mất cân đối, hoặc méo xệ một bên miệng: để bệnh nhân ngồi ngay ngắn để quan sát hoặc yêu cầu bệnh nhân cười, “thổi lửa”, nhe răng;

Arm: Yếu hoặc liệt tay, chân: yêu cầu bệnh nhân giơ đều hay tay, hai chân lên, nếu bên nào yếu hơn, hoặc rơi xuống trước cho thấy có liệt.

Speech: Ngôn ngữ bất thường: yêu cầu bệnh nhân nói, lặp lại một cụm từ đơn giản. Nếu không lưu loát, giọng “méo” hoặc không nói được đó là dấu hiệu bất thường.

Time: Nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu trên cho thấy bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ rất cao, hãy khẩn trương, nhanh nhất đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ

Hoàng Hải

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201807/cac-phuong-phap-dieu-tri-dot-quy-tien-tien-tren-the-gioi-deu-duoc-ung-dung-tai-bv-bach-mai-607215/