Các phương án được bàn rất kỹ

Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, các phương án khi mở lại đường bay quốc tế đã được bàn rất kỹ trong các cuộc họp gần đây của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và giữa các bộ ngành chức năng để bảo đảm an toàn cho người dân.

Bộ Y tế cũng đã ban hành một loạt quy trình hướng dẫn cách ly với người nhập cảnh, gia đình, công xưởng, nhà máy, trường học, nơi công cộng… nhằm bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Dưới góc độ một chuyên gia dịch tễ, trả lời PV Báo SGGP, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế, đánh giá trên thế giới hiện có hơn 250 loại test nhanh nhưng xét nghiệm PCR vẫn là hình thức xét nghiệm có độ chính xác nhất. Test nhanh mà chính xác như PCR thì đang trong giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, chúng ta vẫn sử dụng test nhanh vì có thể xét nghiệm một lúc nhiều người ngay tại sân bay. Điều này rất có lợi trong giai đoạn hiện nay, khi nhiều người nhập cảnh cùng lúc.

Đáng chú ý, để phục vụ việc phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, vừa ban hành Công văn số 4674/BYT-MT về việc hướng dẫn y tế phòng chống dịch Covid-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày). Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngắn ngày được quy định, bao gồm: nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp cùng thân nhân và các đối tượng theo thỏa thuận với từng nước (gọi tắt là chuyên gia); khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; những người tiếp xúc với chuyên gia và khách nhập cảnh mục đích ngoại giao, công vụ trong quá trình nhập cảnh và làm việc tại Việt Nam.

Về mặt nguyên tắc, Bộ Y tế khuyến cáo các bộ ngành, địa phương cân nhắc nhu cầu mời chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ vào Việt Nam làm việc ngắn ngày và phải đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Các chuyên gia, khách nhập cảnh không phải cách ly y tế tập trung 14 ngày, song phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho chuyên gia, khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và những người tiếp xúc, không để lây nhiễm chéo trong quá trình làm việc và không lây nhiễm ra cộng đồng. Những người tiếp xúc với chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ phải thực hiện tự theo dõi sức khỏe, khi có một trong các biểu hiện: sốt, ho, đau rát họng, khó thở thì thông báo cho cơ quan quản lý và y tế địa phương.

Chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ phải có bảo hiểm y tế quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức mời chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ cam kết chi trả chi phí điều trị trong trường hợp bị mắc Covid-19. Chuyên gia phải vào trước thời gian làm việc dự kiến 1 ngày để thực hiện các quy định liên quan đến giám sát y tế. Toàn bộ kinh phí cho việc cách ly, phương tiện đưa đón, xét nghiệm Covid-19 do đơn vị, tổ chức mời chuyên gia chi trả. Đối với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ thì được miễn phí. Sau 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh, nếu tiếp tục có nhu cầu ở lại Việt Nam làm việc và kết quả SARS-CoV-2 âm tính thì được làm việc bình thường, không cần cách ly.

TS Kidong Park, Giám đốc WHO tại Việt Nam, cho biết, các quốc gia cần căn cứ trên 3 yếu tố: dịch bệnh đã được kiểm soát hay chưa (ở cả hai đầu chuyến bay); hệ thống y tế có khả năng ứng phó với việc gia tăng ca bệnh khi mở lại đường biên và nối lại các chuyến bay quốc tế hay không; hệ thống giám sát có khả năng phát hiện, truy vết, quản lý các ca bệnh xâm nhập hay không. Cùng với đó, khi đặt ra vấn đề mở cửa quốc tế trở lại, cần phải cân nhắc đến phản ứng của dân chúng, cùng với năng lực ứng phó của hệ thống y tế, khả năng chịu đựng của nền kinh tế…

NGUYỄN QUỐC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cac-phuong-an-duoc-ban-rat-ky-684124.html