Các phương án cho sự tồn tại của BOT Cai Lậy: Có tiếp tục là 'tối kiến'?

Từ tháng 4/2018, Bộ GTVT đã thống nhất đưa ra đề xuất 5 phương án 'thu giá' dịch vụ tại dự án BOT Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để trình lên Chính phủ phê duyệt nhưng chưa nhận được nhiều sự đồng thuận.

Tiếp đó, tới cuối tháng 9/2018, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ đề xuất 5 phương án, Bộ GTVT đã gom lại thành 3 phương án. Tuy nhiên, phương án mua lại dự án của Nhà nước khó khăn, Bộ GTVT đã xem xét giữ 2 phương án: Giữ nguyên trạm BOT hiện tại trên Quốc lộ 1 để thu phí cả tuyến chính và tuyến tránh; Xây thêm trạm trên tuyến tránh để thu phí riêng từng tuyến.

BOT Cai Lậy từ đầu 2018 là điểm đen về giao thông, mất an ninh trật tự.

Tiếp đó, UBND tỉnh Tiền Giang lại vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất hai phương án xử lý dự án BOT Cai Lậy. Phương án 1 là giữ nguyên vị trí trạm BOT hiện hữu, giảm phí tối đa phương tiện nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, mở rộng phạm vi giảm phí với người dân khu vực lân cận 10 km.

Phương án 2 là xây thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả hai trạm ở tuyến tránh và tuyến chính. Phương tiện lưu thông tuyến nào thu tuyến đó và hoàn vốn của tuyến đó. Mức phí cả hai bằng nhau và như mức phí hiện hữu, mở rộng phạm vi giảm phí với người dân khu vực lân cận 10 km.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, phương án hai sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên nếu áp dụng, Bộ GTVT phải xác định và cam kết thời gian chính xác hoàn thành trạm thu phí tuyến tránh để thông báo rộng rãi dư luận biết.

Như Nhà báo & Công luận đã thông tin: Trạm thu phí Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1, khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần sửa chữa Quốc lộ dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.

Từ mức đầu tư của 2 tuyến đường trên (bảo trì, dặm vá Quốc lộ 1 và xây mới tuyến tránh), có thể thấy đề xuất phương án đặt 2 trạm thu phí riêng biệt của Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang sẽ không đảm bảo sự công bằng đối với người sử dụng dịch vụ, khó nhận được sự đồng thuận. Là bởi, chi phí đầu tư cho bảo trì, tăng cường, dặm vá Quốc lộ 1 chỉ bằng 1/3 chi phí xây mới tuyến tránh, nên khó có thể hợp lý nếu thu phí bằng nhau.

Theo đó, nếu giá phí bằng nhau, tuyến Quốc lộ 1 (vốn đầu tư bảo trì, tăng cường mặt đường hơn 300 tỷ đồng) sẽ hoàn vốn trước, phương tiện sẽ không qua tuyến tránh (vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng). Nếu thu phí trên tuyến Quốc lộ 1 bằng 1/3 phí trên tuyến tránh, phương tiện sẽ dồn về Quốc lộ 1 vì giá thấp, khiến bài toán về giảm tải giao thông, giảm ô nhiễm môi trường của dự án BOT này phá sản.

Còn về phương án thứ nhất (giữ nguyên nguyên vị trí trạm BOT hiện hữu, giảm phí tối đa...) đã và đang gây phản ứng gay gắt, bởi trạm đặt trên tuyến Quốc lộ 1 huyết mạch ra vào ĐBSCL, sẽ tước bỏ quyền được lựa chọn sử dụng dịch vụ hay từ chối sử dụng dịch vụ của người dân.

Việc Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang chậm tìm ra giải pháp tối ưu, hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật nhất cho sự tồn tại của BOT Cai Lậy tiếp tục đặt sự phát triển kinh tế, sự ổn định đời sống, trật tự xã an toàn xã hội của khu vực Tây Nam Bộ ra trước nhiều thách thức.

Kiên Giang

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/giao-thong-do-thi/cac-phuong-an-cho-su-ton-tai-cua-bot-cai-lay-co-tiep-tuc-la-toi-kien-45763