Các 'ông lớn' thức ăn chăn nuôi mạnh tay đầu tư vào Việt Nam

Không phải tự dưng mới đây, Tập đoàn Cargill (Mỹ) đã khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi triệu đô ở tỉnh Bình Dương. Trước đó, có vài 'ông lớn' khác đã kịp chen chân, đầu tư hàng loạt nhà máy trên khắp các tỉnh – thành… Chứng tỏ, thị trường thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đang rất hấp dẫn nhà đầu tư ngoại…

Tập đoàn Cargill khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thứ 12 ở Việt Nam (thuộc KCN Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương). Ảnh: H.H

Thật vậy, ngày 20.10 vừa qua, Cargill đã chính thức đưa nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trị giá 28 triệu USD, có công suất 240.000 tấn/năm (tại khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) đi vào hoạt động. Đây là nhà máy thứ 12 mà Cargill đầu tư ở Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 5.2018, Tập đoàn Austfeed (Australia) cũng khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 5, tại tỉnh Đồng Tháp. Nhà máy trị giá 30 triệu USD, công suất 400.000 tấn/năm.

Trong khi đó, một số “ông lớn” thức ăn chăn nuôi khác như: De Heus (Hà Lan), CP (Thái Lan), Proconco (Pháp)… cũng bạo tay đầu tư rất lớn cho ngành thức ăn chăn nuôi tại thị trường Việt Nam. Đáng kể là De Heus có tới 7 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, đã sản xuất chạm mốc trên 500 triệu tấn.v.v…

Theo bà Philippa Purser - Giám đốc vùng, ngành thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Cargill: “Với 12 nhà máy, có tổng công suất thiết kế trên 1,8 triệu tấn/năm đã đưa Cargill vào tốp 5 doanh nghiệp có quy mô đầu tư vào lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tiềm năng về chăn nuôi ở Việt Nam rất lớn, nên chúng tôi quyết định mạnh tay đầu tư vào Việt Nam”.

Bên trong dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi của nhà máy Cargill. Ảnh: H.H

Ông Nguyễn Xuân Dương – Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) – nói: “Trong cái khó của ngành nông nghiệp, đã ló “cái khôn”; năm 2017 lần đầu tiên thịt gà Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu sang Nhật Bản. Và năm 2018, lại chứng kiến sự kiện sản phẩm thịt lợn đông lạnh của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Myanma… Từ sự tăng trưởng ngành chăn nuôi đã kéo theo sự phát triển của lĩnh vực thức ăn chăn nuôi (bình quân 3%/năm)”. Việt Nam vẫn tiếp tục là thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại lớn nhất trong khối ASEAN.

Ông Dương cho biết thêm: Phát triển chăn nuôi của Việt Nam, tăng trưởng trung bình từ 5-6%/năm.Từ năm 2005 đến nay, sản lượng thịt các loại tăng trên 3,1 (từ 1,6 triệu tấn lên 5,3 triệu tấn), trứng tăng 3,9 lần (từ 3 tỷ quả lên 11,8 tỷ quả), sữa tươi tăng 18,6 lần (từ 51,5 ngàn tấn lên 960 ngàn tấn), thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 4,8 lần (từ 4,3 triệu tấn lên 21 triệu tấn) trở thành nước đứng vị trí số 1 trong các nước Asean và thứ 12 trên thế giới về công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.

Hiện tại, nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam là khoảng 16 triệu tấn/năm, trị giá khoảng 6 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, con số này có thể lên đến 25 - 26 triệu tấn/năm với trị giá hàng chục tỷ USD.

CAO HÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/thi-truong/cac-ong-lon-thuc-an-chan-nuoi-manh-tay-dau-tu-vao-viet-nam-637226.ldo