Các ông chồng lên tiếng về quy định mới 'lương của chồng chuyển vào tài khoản vợ'

Quy định mới của Bộ luật Lao động, từ năm 2021, vợ có thể là người ủy quyền hợp pháp nhận lương của chồng đang trở thành đề tài bàn tán rôm rả trong dư luận.

Quy định mới dẫn phát dư luận

Chiều 16/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về những dự án Luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vừa rồi. Trong đó, Bộ luật Lao động (sửa đổi) được quan tâm bởi có tác động lớn đến hàng chục triệu người.

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động (sửa đổi) có điểm mới đáng chú ý là người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được ủy quyền hợp pháp. Như vậy, lương của chồng có thể chuyển trực tiếp vào tài khoản cho vợ.

Giải thích rõ hơn quy định này, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (đại diện cơ quan soạn thảo bộ luật) khẳng định việc lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ là hoàn toàn hợp pháp nếu có sự thỏa thuận.

"Kể cả lương của vợ tôi cũng có thể chuyển cho tôi, cái đó hoàn toàn do hai vợ chồng thỏa thuận để tạo ra thuận lợi, tránh tình trạng lương của tôi chuyển khoản của tôi, sau tôi lại chuyển khoản cho vợ”, ông Dung nói.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng quy định về việc chuyển lương chồng vào tài khoản của vợ chỉ mang lại thuận lợi.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng quy định về việc chuyển lương chồng vào tài khoản của vợ chỉ mang lại thuận lợi.

Quy định mới này giúp nhiều người thấy thuận lợi hơn trong việc quản lý tiền lương, tập trung thu nhập của gia đình vào một mối cho vợ/chồng. Tuy nhiên, nó cũng dẫn phát rất nhiều bàn tán xung quanh vấn đề này.

Cánh mày râu lên tiếng

Tuy nói quy định mới này cần có sự thỏa thuận giữ hai bên nhưng nó cũng mở ra cánh cửa mới cho những bà vợ trước giờ chưa thể "tóm gọn" lương tháng của chồng có phương hướng.

Trên các diễn đàn xã hội, hầu hết chị em đều hân hoan chia sẻ việc có thể được ủy quyền nhận lương của chồng trong khi những người đàn ông thì chia làm nhiều phe.

Không phải đàn ông nào cũng muốn vợ quản lý lương tháng của mình. Ảnh minh họa

Anh Minh Phi (35 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội), là nhân viên kinh doanh của một siêu thị cho rằng các bà vợ không cần quá cực đoan với việc kiểm soát toàn bộ lương tháng của chồng bởi như vậy là không công bằng.

"Mọi người luôn đòi bình đẳng giới, phụ nữ được đối xử công bằng ngang nam giới. Vậy có lý do gì đàn ông lại phải phụ thuộc vào phụ nữ. Cùng đi làm, tôi cũng có biết cụ thể lương của vợ mình đâu.

Tiền chợ hàng hàng ngày vợ bỏ ra nhưng tiền điện nước, tiền học phí, học thêm cho các con, hiếu hỉ, du lịch... đều do tôi chi. Thỉnh thoảng muốn mua đồ giá trị trong nhà cũng do tôi sắm.

Tôi có thể coi là chủ lực trong nhà nên không có lý do gì tôi lại không có quyền giữ lương của mình để chi tiêu. Ai thế nào không biết, tôi thấy phải bảo vợ đưa tiền tiêu vặt là không chấp nhận được".

Những người cùng quan điểm với anh Phi cho rằng quy định này không phù hợp, sẽ để lại những hệ lụy khó lường. Bởi nhiều khi người chồng không muốn, nhưng ngại với vợ, mẹ đẻ mà vẫn phải cắn răng làm. Nhiều người lo ngại rằng sẽ có không ít gia đình bất hòa nếu chồng khăng khăng đòi giữ lương của mình. Họ sẽ bị vợ gán mũ "không tin vợ", "bụng dạ khó lường", "quy đen, quỹ đỏ"... linh tinh.

Nhiều người đàn ông cảm thấy "mất mặt" khi phải yêu cầu vợ đưa tiền tiêu vặt. Ảnh minh họa

Trong khi đó, anh Nguyễn Nam (kỹ thuật viên máy tính ở Nam Từ Liêm), lại cho rằng điều này chẳng có gì mới: "Luật này ở nhà tôi có lâu rồi, từ hồi ký vào giấy đăng ký kết hôn cơ, nên cũng không có gì ngạc nhiên hay bất bình. Đây chỉ là hợp thức hóa những điều có sẵn. Có chăng chỉ mấy ông hay giấu lương, ỉm quỹ đen mới đáng lo lắng".

Hỏi ra thì những trường hợp như anh Nam không phải ít. Rất nhiều gia đình, kể cả khi chưa có việc thanh toán lương vào thẻ, vẫn còn trả tiền mặt đã có "luật bất thành văn này".

Anh Đoàn ở Bắc Từ Liêm cho hay, trước đây, mỗi tháng anh mang tiền lương về cho vợ đều có tờ giấy mà kế toán bọc bên ngoài, ghi rõ tháng này lương + thưởng + phụ cấp bao nhiêu, trừ BHXH, BHYT, ủng hộ, quỹ... ra số tiền còn lại chính xác đến hàng đơn vị.

Một số quý ông còn lại thì lạc quan cho rằng quy định này đều không phải là bắt buộc, vợ chồng thỏa thuận trước với nhau thì làm cho tiện thôi, không có gì đáng để bàn tán nhiều.

Quy định là "chết" người là "sống"

Anh Trần Nam Sơn (ở quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Việc vợ chồng tự quản lý tiền lương của mình chẳng có gì là sai trái cả. Nếu nói lo đàn ông tiêu xài phung phí hay lợi dụng quỹ đen để hư hỏng thì thực tế cũng có rất nhiều phụ nữ không biết quản lý tài sản, chi tiêu không hợp lý hay ngoại tình, phản bội chồng con.

Nếu người chồng tự giác thì dù không có quy định này họ vẫn mang toàn bộ thu nhập cho vợ, còn nếu không thì dù có nắm thẻ lương, các bà vợ cũng đừng vội yên tâm nhé. Ai chẳng biết, có nhiều người, thu nhập phụ của họ còn gấp mấy lần tiền lương. Lương của họ của họ chỉ là bài trí thôi".

Đứng về góc độ xã hội, quy định mới trong Bộ luật lao động này chỉ là phương tiện giúp những người không tiện quản lý tiền lương, thu nhập của mình được quyền ủy thác cho người mà họ tin tưởng. Còn các gia đình trước giờ quen làm thế nào, có thể vẫn giữ nguyên như vậy.

Vợ hay chồng đều bình đẳng trong việc quản lý kinh tế gia đình.

Cũng theo anh Nam Sơn, về góc độ con người thì việc một người đã có đủ khả năng lao động kiếm tiền lương thì họ cũng có quyền và năng lực chi tiêu chúng. Dù là vợ hay chồng cũng đều không thể vin vào quy định này để kiểm soát thu nhập của bạn đời nếu họ không muốn. Điều này không liên quan hay vi phạm đạo đức, đó chỉ đơn giản là quyền tự do của mỗi người.

Minh Khôi

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/gia-dinh-tinh-yeu/cac-ong-chong-len-tieng-ve-quy-dinh-moi-luong-cua-chong-chuyen-vao-tai-khoan-vo-a305087.html