Các nước xử lý rác thải thông minh tới mức nào?

Xử lý rác thải là vấn đề 'nóng' dư luận ở nhiều nước trên thế giới. Một số quốc gia có những cách xử lý rác hiệu quả khiến mọi đường phố luôn sạch sẽ và không có một bóng rác.

Hiện đời sống người dân ở nhiều nơi tại Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi 3 ngày qua rác thải sinh hoạt không được xử lý dẫn đến bị chất đống và bốc mùi hôi thối khó chịu. Nguyên do là vì người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) khiến khối lượng rác khổng lồ ứ đọng tại nhiều tuyến đường, ngõ phố.

Liên quan đến vụ việc này, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị khẩn trương phối hợp tuyên truyền, vận động người dân rời khỏi các vị trí chặn xe vào khu vực bãi rác Nam Sơn để việc vận chuyển rác vào bãi diễn ra bình thường.

Không chỉ của Việt Nam, việc vận chuyển, xử lý rác thải là vấn đề được nhiều nước quan tâm và chú trọng bởi nó ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như cuộc sống của người dân. Theo đó, mỗi nước có những giải pháp xử lý rác thải hiệu quả và được dư luận đánh giá cao.

Singapore nổi tiếng là quốc gia sạch sẽ nhất thế giới khi áp dụng hệ thống xử lý rác tiên tiến.

Singapore nổi tiếng là quốc gia sạch sẽ nhất thế giới khi áp dụng hệ thống xử lý rác tiên tiến.

Điển hình là Singapore nổi tiếng với hệ thống xử lý rác thải hiệu quả khiến quốc gia này trở thành một trong những nơi sạch nhất thế giới. Để làm được điều này, kể từ năm 1979, chính quyền Singapore xây dựng nhà máy đốt rác đầu tiên trong bối cảnh sắp hết chỗ đổ rác thải.

Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên ứng dụng hệ thống biến rác thành năng lượng sạch thông qua lò đốt khép kín giúp xử lý 90% lượng rác xả ra mỗi năm. Hiện Singapore có 4 nhà máy đốt rác.

Nhà máy đốt rác của Singapore vận hành theo quy trình: rác thải được các xe chở rác thu gom rồi chuyển tới nhà máy đốt rác. Tại đây, rác thải sẽ được cân trước khi đổ khỏi xe. Kế đến, rác được dồn vào một hầm chứa đặc biệt với thiết kế ngăn mùi hôi thối thoát ra bên ngoài. Những máy nghiền được vận hành để nghiền nát những rác thải cứng rồi đưa vào lò đốt.

Trong suốt thời gian đốt rác thải, nhiệt từ quá trình đốt sản sinh ra hơi giúp đẩy máy phát turbine và tạo ra điện. Sau khi đốt hết rác, khói phát ra từ quá trình đốt rác trải qua quá trình lọc cẩn thận giúp loại bỏ những chất gây ô nhiễm độc hại và được xả vào không khí. Thứ còn lại cuối cùng của quá trình đốt rác là tro.

Những cỗ máy đặc biệt sẽ phụ trách loại bỏ tất cả rác thải là vật liệu kim loại thông thể đốt cháy trong tro. Cuối cùng, tro được chuyển đến đảo chôn rác Semakau để chôn lấp. Nhờ quy trình xử lý rác thải khép kín này, Singapore trở thành đảo quốc sạch đẹp.

Mời độc giả xem video: Rác thải điện tử - mối nguy hại lớn ở châu Á (nguồn: VTC14)

Giống Singapore, Nhật Bản cũng nổi tiếng với hệ thống xử lý rác thải hiệu quả khi mọi ngõ ngách, đường phố không có một bóng rác. Để làm được điều này, ngay từ khi còn nhỏ, mọi trẻ em Nhật Bản đều được dạy giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi. Họ cũng cùng dạy thói quen phân loại rác để cho đúng vào thùng rác.

Nhật Bản có hệ thống tiêu hủy rác tự phân loại các chất thải theo cách hợp lý. Mọi loại rác thải đều được phân loại rõ ràng theo từng loại khác nhau như: vật liệu đốt được, không đốt được hay chay nhựa, đồ hộp, thủy tinh vỡ, đồ hộp…

Theo đó, người dân vứt rác vào đúng loại thùng rác. Nếu bị phát hiện vứt rác vào thùng không đúng loại rác thì bị phạt hành chính hoặc thậm chí là có thể bị phạt tù. Nhờ vậy, mọi đường phố, ngõ ngách... của Nhật Bản đều sạch sẽ khiến người dân ở nhiều nước kinh ngạc và khâm phục.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/cac-nuoc-xu-ly-rac-thai-thong-minh-toi-muc-nao-1172289.html